Tăng năng suất - yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp phát triển
Trong điều kiện hạn chế về nguồn lực, để tăng năng suất quốc gia, nên tập trung cho những ngành có giá trị gia tăng cao, lao động nhiều và cải thiện thủ tục để khuyến khích doanh nghiệp tham gia các chương trình cải thiện năng suất. Đây là đề xuất đáng chú ý tại Phiên thảo luận chuyên đề 2 'Nâng cao năng suất lao động, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới'.
Năng suất lao động vẫn thấp
“Nâng cao năng suất lao động là yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên số”, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Kết phát biểu.
Ông Kết cho biết, Rạng Đông đã chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất, trong quy trình nghiệp vụ, mô hình điều hành, kinh doanh. Từ đó, doanh nghiệp này tăng trưởng mạnh, từ mức 8 - 10%/năm trước khi chuyển đổi số thì nay bình quân tăng 18 - 20%; riêng 8 tháng năm nay tăng 20%. Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn vừa qua, khi nguồn lực đầu vào, vật tư tăng, lạm phát, song chi phí sản xuất của doanh nghiệp không tăng mà còn giảm 6% so với trước đây, sản phẩm của công ty được người tiêu dùng tích cực đón nhận.
Rạng Đông chỉ là một trong số rất nhiều doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số và qua đó làm tăng năng suất lao động trong thời gian qua. Tính chung cả giai đoạn 2011 - 2022, theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, mức độ tăng trưởng năng suất bình quân của nước ta đạt 5,3%, cao hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực ASEAN (Malaysia chỉ tăng bình quân 1,4%; Thái Lan tăng 1,9%; Singapore là 2,2%... Tuy nhiên, mức này vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đặt mục tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm, song thực tế trong 3 năm 2021 - 2023 đều dưới mức này. Cụ thể, năm 2021, tốc độ tăng năng suất chỉ đạt 4,7%; năm 2022 là 4,6% và dự kiến trong năm nay chỉ đạt 3,77 - 4,75%. Năng suất lao động không đạt mục tiêu đang là thách thức rất lớn để Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao và thu nhập cao vào năm 2030 và 2045, ông Hiển nhấn mạnh.
Về nguyên nhân, TS. Nguyễn Lê Hoa,Trưởng Phòng Nghiên cứu năng suất, Viện Năng suất Việt Nam cho rằng, việc các ngành chưa có giải pháp để nâng cao năng suất nội ngành cũng cản trở tốc độ tăng trưởng năng suất chung. Bên cạnh đó, trong bối cảnh chuyển đổi số, chất lượng nguồn lao động vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Việt Nam thiếu hụt rất nhiều lao động lành nghề, kỹ năng cao. Tỷ lệ lao động trong khu vực phi chính thức rất cao, hiện chiếm trên 65% và khu vực này nhìn chung còn khá bấp bênh về thu nhập, khó ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Một yếu tố khác nữa làthành phần kinh tế tư nhân đóng góp cao vào GDP cả nước, lên tới 46%, song hầu hết các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh đều có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Vì vậy khó có nội lực để cải thiện năng suất và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất.
Có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tăng năng suất
Theo các chuyên gia, nâng cao năng suất lao động là vấn đề sống còn với tất cả các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Bởi lẽ, nâng cao năng suất đồng nghĩa với nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, qua đó bảo đảm sự phát triển nhanh, bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và bắt kịp các quốc gia trong khu vực.
Để tăng năng suất, theo đại diện Viện Năng suất Việt Nam, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn các chương trình tăng năng suất quốc gia. Theo đó, cần đẩy mạnh sự liên kết giữa các bộ, ngành, địa phương để xây dựng chính sách đồng bộ và xuyên suốt. Hiện có khá nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy năng suất song cần đánh giá toàn diện để có điều chỉnh cho phù hợp. Cùng với đó, cần thúc đẩy về nguồn lực và tạo điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát huy vai trò trong việc tăng năng suất lao động, qua đó đóng góp vào mục tiêu chung của quốc gia.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách lớn để thúc đẩy nâng cao năng suất lao động, từ tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ… Tuy nhiên, các đại biểu dự phiên thảo luận cho rằng, công tác thực thi chính sách còn chậm và chưa đồng bộ, các chương trình hỗ trợ nâng cao năng suất cho doanh nghiệp chưa nhận được sự chủ động tích cực tham gia của doanh nghiệp. Điều này cần được khắc phục trong thời gian tới. “Trong điều kiện hạn chế về nguồn lực, nên tập trung cho những ngành có đóng góp giá trị gia tăng cao, lao động nhiều; cải thiện thủ tục, điều kiện để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào các chương trình cải thiện năng suất chung của quốc gia”, TS. Nguyễn Lê Hoa đề xuất.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng năng suất lao động, ông Felix Weidencaff, Chuyên gia về Việc làm, Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng Việt Nam cần bảo đảm chuyển đổi kinh tế và chuyển đổi việc làm đi đôi với nhau. Cùng với đó, cần hoàn thể chế và chính sách của thị trường lao động để giải quyết những thách thức đang đặt ra; tạo được hệ sinh thái về thị trường lao động. Phải phát triển nguồn nhân lực và tăng cường việc làm để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế tri thức và công nghệ, công nghệ 4.0; có hệ thống thông tin thị trường lao động hiệu quả, lập kế hoạch việc làm tinh vi và nghiên cứu về tăng năng suất.
Cũng theo vị chuyên gia này, tạo việc làm năng suất và việc làm bền vững cần đặc biệt tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi lẽ họ vừa là người chơi chính trong nền kinh tế song cũng dễ bị tổn thương bởi các cú sốc; đồng thời giảm thiểu chi phí phi chính thức. Có sự gắn kết chính sách và bảo đảm các nguồn kinh phí; tăng cường phối hợp với các chính sách ở các lĩnh vực khác với lĩnh vực lao động. Khi có sự tích hợp, bổ trợ lẫn nhau giữa các chính sách sẽ tăng hiệu quả, góp phần tăng năng suất lao động, ông Felix Weidencaff nói.