Tăng nguy cơ béo phì ở trẻ do dùng thuốc

Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Medical Medical Journal Gut cho biết, trẻ em được cho dùng thuốc kháng sinh và thuốc kháng acid trong 2 năm đầu đời sẽ tăng nguy cơ béo phì...

Mối tương quan giữa thuốc và béo phì ở trẻ

Các nhà nghiên cứu đã xem xét hồ sơ hệ thống y tế của 333.353 trẻ em sinh ra từ tháng 10/2006 - 9/2013 đã phát hiện 72,4% trẻ đã được kê toa một loại kháng sinh và 11,8% được cho dùng thuốc kháng acid. Kết quả có sự tương quan giữa việc kê toa thuốc kháng sinh và bệnh béo phì ở trẻ em. Những trẻ được kê toa thuốc kháng acid để kiểm soát chứng trào ngược axit cũng có liên quan với tăng nguy cơ béo phì theo thời gian.

Trưởng nhóm nghiên cứu - TS. Cade Nylund - PGS nhi khoa tại USU cho rằng, dường như tác động của các đơn thuốc này lên vi khuẩn đường ruột của con người có thể là nguyên nhân. Kháng sinh trực tiếp tiêu diệt các phần của hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh; thuốc kháng acid làm thay đổi hệ vi sinh đường ruột bằng cách giảm độ acid trong ruột. Cả thuốc kháng sinh và thuốc kháng acid đã được chứng minh là làm giảm sự đa dạng của vi khuẩn trong ruột. Một số thay đổi trong vi khuẩn có ảnh hưởng đến cả cách chúng ta tiêu hóa chất dinh dưỡng và sự trao đổi chất. TS. Nylund cũng cho rằng các loại thuốc này có thể gây ra một số “tác động tiêu cực đáng kể” đối với sức khỏe tổng thể của trẻ.

Kháng sinh sẽ luôn đóng một vai trò trong điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn. Tuy nhiên, nhiều bệnh ở trẻ em là do virus như cảm lạnh thông thường. Nhiễm virus không cần phải được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Tương tự như vậy, phần lớn trào ngược dạ dày thực quản ở giai đoạn phôi thai sớm là bình thường và thuốc kháng acid đã được chứng minh là không làm giảm các triệu chứng như trẻ sơ sinh - TS. Nylund nhấn mạnh.

Thuốc kháng sinh tăng nguy cơ béo phì ở trẻ.

Theo TS. Gail Cresci - một nhà nghiên cứu thuộc Khoa tiêu hóa nhi khoa tại Cleveland Clinic Children cũng cho rằng: “Thuốc kháng acid làm ảnh hưởng đến cơ chế phòng vệ chống lại các tác nhân gây bệnh của cơ thể bằng cách giảm acid dạ dày. Béo phì được biết là có liên quan đến tình trạng viêm. Điều này sau đó cho phép các tác nhân gây bệnh đến được ruột già và sau đó thay đổi sự đa dạng vi sinh vật”.

TS. Cresci chỉ ra rằng kháng sinh nhắm vào một loạt vi khuẩn đường ruột làm giảm số lượng vi khuẩn đường ruột và sự đa dạng. Điều này có thể làm giảm khả năng miễn dịch ruột và khả năng chống nhiễm trùng và điều chỉnh tình trạng viêm. Các vi sinh vật sống trong ruột của bạn tạo ra nhiều “sản phẩm phụ trao đổi chất” giúp điều chỉnh tình trạng viêm và miễn dịch của một người. Thay đổi số lượng vi khuẩn có thể ảnh hưởng đến việc điều chỉnh tình trạng viêm gắn với một thứ gì đó như béo phì.

Cách nào để hạn chế?

Nếu con bạn đang phải dùng kháng sinh, bạn nên cân nhắc việc cho trẻ bổ sung các loại men vi sinh, men tiêu hóa sau liệu trình điều trị. Ăn sữa chua có thể tốt cho tiêu hóa và bảo vệ những vi khuẩn hữu ích sống trong ruột.

Tuy nhiên, do men vi sinh thường là vi khuẩn, chúng cũng có thể bị giết bởi kháng sinh nếu dùng chung. Vì vậy, bạn nên cho trẻ sử dụng kháng sinh và men vi sinh cách nhau vài giờ. Probiotic cũng nên được bổ sung vào cơ thể sau một đợt điều trị kháng sinh để phục hồi một số vi khuẩn lành mạnh đã bị tiêu diệt trong ruột. Nên uống men vi sinh sau khi dùng kháng sinh, tốt hơn là uống loại có chứa hỗn hợp các loại men vi sinh khác nhau thay vì chỉ chứa một loại men vi sinh. Và đặc biệt cần nhớ, chỉ dùng thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng acid chỉ khi được bác sĩ kê toa.

Theo TS. Cresci, chế độ ăn uống và tập thể dục là điều quan trọng trong việc điều chỉnh trọng lượng cơ thể của một người, có nghĩa là đảm bảo 2 điều này là một phần quan trọng của bạn và cuộc sống hàng ngày của con bạn là điều quan trọng để điều chỉnh và ngăn ngừa béo phì. Việc ăn nhiều trái cây và rau quả chứa chất chống oxy hóa và chất xơ có thể giúp giữ sự phong phú và đa dạng của vi khuẩn đường ruột cũng như hỗ trợ chức năng miễn dịch và có thể chống viêm.

Minh Nguyễn

((Theo Healthline))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tang-nguy-co-beo-phi-o-tre-do-dung-thuoc-n172409.html