Tăng ni, phật tử ở Cầu Kè đồng hành đổi mới bộ mặt vùng nông thôn
Bộ mặt nông thôn ở huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh) ngày càng đổi mới, đang hướng đến mục tiêu đạt huyện nông thôn mới nâng cao vào cuối năm nay. Điều này có sự đồng hành tích cực của tăng ni, phật tử trong huyện suốt thời gian qua khi đóng góp xây dựng nhiều cây cầu, đường giao thông nông thôn, chăm lo cho người nghèo, tham gia phát triển kinh tế hợp tác.
Hồi đầu năm nay, huyện Cầu Kè đưa vào sử dụng tuyến đường bê tông giao thông nông thôn ở khu dân cư Tổ 1, ấp Mỹ Văn, xã Ninh Thới. Tuyến đường có tổng kinh phí đầu tư xây dựng gần 160 triệu đồng, do Hòa thượng Thích Trí Minh, trụ trì chùa Phước Tường, ở ấp 1, xã Phong Phú (huyện Cầu Kè) đã vận động bà con phật tử hỗ trợ tiền mua vật tư và nhân dân địa phương đóng góp ngày công xây dựng.
Dấu ấn của Hòa thượng Thích Trí Minh
Với việc đưa vào sử dụng tuyến đường bê tông nói trên đã giúp cho hơn 50 hộ dân ở khu dân cư Tổ 1, ấp Mỹ Văn và các ấp lân cận của xã Ninh Thới đi lại, vận chuyển giao lưu hàng hóa được thuận lợi dễ dàng.
Niềm vui của bà con phật tử huyện Cầu Kè khi đóng góp xây dựng những con đường bê tông ở nông thôn.
Không chỉ đóng góp làm đường, Hòa thượng Thích Trí Minh (đang giữ trọng trách Phó trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Trà Vinh và là Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Cầu Kè) còn trao tặng số tiền gần 47 triệu đồng cho chính quyền xã Ninh Thới để hỗ trợ kéo đường ống nước sạch sử dụng cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.
Còn hồi tháng 7/2022, Hòa thượng Thích Trí Minh đã kết hợp cùng chính quyền địa phương và nhà tài trợ khánh thành cầu, đường giao thông nông thôn và bàn giao 10 căn nhà tình thương tại các xã của huyện Cầu Kè như Ninh Thới, Phong Phú, Châu Điền, Hòa Tân và Thông Hòa.
Hòa thượng Thích Trí Minh cho biết: Việc đưa vào sử dụng cầu và đường giao thông nông thôn ở huyện Cầu Kè giúp cho bà con đi lại được dễ dàng và thuận tiện hơn trong việc lưu thông hàng hóa, các em học sinh tới trường được thuận tiện hơn. Đây cũng là một trong những chương trình của quỹ an sinh xã hội mà chúng tôi vận động để chăm lo cho đời sống bà con ngày càng tốt hơn.
Theo ông Thạch Khuônl, Phó Chủ tịch Ủy ban mặt trận tổ quốc huyện Cầu Kè, hàng năm với sự giúp đỡ của bà con phật tử trên địa bàn huyện Cầu Kè và sự vận động của Hòa thượng Thích Trí Minh đã giúp cho huyện có nhiều tuyến đường, cầu nông thôn được xây dựng, góp một phần không nhỏ cùng với chính quyền địa phương xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Toàn huyện Cầu Kè hiện có 33 cơ sở tự viện (với 22 cơ sở tự viện của Phật giáo Nam tông Khmer và 11 chùa thuộc hệ phái Bắc tông và Khất sĩ). Với phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, các công tác Phật sự của Ban trị sự Phật giáo huyện Cầu Kè như: Hoằng pháp, Văn hóa, Giáo dục… được diễn ra thường xuyên, giúp đem giáo lý Đức Phật đến với nhiều thành phần trong xã hội.
Trong đó nổi bật nhất là công tác từ thiện với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Phát quà cho đồng bào nghèo, tặng quà cho học sinh nghèo hiếu học, xây dựng cầu, đường nông thôn, nhà tình thương…
Chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao
Ngoài ra, bên cạnh thực hiện tốt công tác Phật sự, Hội đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Cầu Kè đã làm tốt công tác nhân đạo từ thiện xã hội, trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 đã vận động trong bà con phật tử, các tổ chức, cá nhân từ thiện trong và ngoài huyện đóng góp tiền và hiện vật với tổng trị giá trên 5,6 tỷ đồng, qua đó đã giúp cho huyện triển khai xây dựng nhiều công trình phúc lợi xã hội cũng như thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội ở địa phương.
Bà Nguyễn Thị Nhiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè, nhận định sự đoàn kết đồng lòng của chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử trong huyện đã luôn đồng hành cùng các cấp chính quyền địa phương giúp đỡ cho bà con nghèo bị thiên tai, dịch bệnh.
Không chỉ vậy, theo bà Nhiền, Ban trị sự Phật giáo huyện Cầu Kè còn tích cực vận tín đồ phật tử chung tay cùng chính quyền xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh tại địa phương. Mong rằng thời gian tới các tăng ni và phật tử huyện nhà gắn kết với chính quyền địa phương, tích cực trong công tác từ thiện và hoạt động an sinh xã hội, góp phần xây dựng quê hương huyện nhà ngày càng phát triển theo phương châm “Đạo pháp dân tộc”.
Thời gian qua, cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của từng hộ dân và phật tử, nhờ đó đến nay đời sống vật chất tinh thần của người dân nói chung và người dân đồng bào dân tộc Khmer ở các phum sóc trên địa bàn huyện Cầu Kè nói riêng không ngừng được cải thiện nâng lên rõ nét, diện mạo nông thôn ngày thêm khởi sắc.
Cầu Kè là một trong những huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh Trà Vinh, chiếm hơn 32% so với dân số chung của huyện. Đa phần bà con Khmer trong huyện là tín đồ Phật giáo Nam tông, sinh sống tập trung ở các xã: Hòa Ân, Hòa Tân, Châu Điền, Phong Phú, Phong Thạnh, Thông Hòa, Tam Ngãi và thị trấn Cầu Kè, sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.
Với sự chung tay góp sức của người dân và bà con phật tử, đến nay có 100% xã vùng đồng bào dân tộc Khmer ở huyện Cầu Kè đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Cầu Kè cũng đã đạt chuẩn nông thôn mới từ cách đây 4 năm và phấn đấu về đích huyện nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2023.
Cùng nhau đưa kinh tế hợp tác khởi sắc
Song song đó, huyện Cầu Kè đang duy trì, nâng chất tổ hợp tác, HTX hoạt động hiệu quả và khuyến khích thành lập mới các tổ hợp tác, HTX. Tin rằng với sự tham gia nhiệt tình cùng nhau của bà con phật tử trong xây dựng nông thôn mới thì hoạt động kinh tế tập thể trên địa bàn huyện sẽ có nhiều khởi sắc trong thời gian tới cả về số lượng, chất lượng và có những mô hình mới mang lại hiệu quả cao cho sản xuất nông nghiệp.
Mô hình lúa mẫu của HTX Nông nghiệp Việt Thành.
Đơn cử như HTX Dừa sáp Hòa Tân ở xã Hòa Tân (huyện Cầu Kè) với sản phẩm dừa sáp đã được chứng nhận đạt VietGAP và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận công nhận thương hiệu. Đây là HTX đầu tiên chuyên trồng dừa sáp ở tỉnh Trà Vinh được chứng nhận sản xuất thực hành nông nghiệp tốt.
Hoặc như HTX Nông nghiệp Việt Thành, ở ấp Trà Kháo, xã Hòa Ân (huyện Cầu Kè) đang có mô hình sản xuất lúa mẫu được bà con nông dân và phật tử trong huyện thường xuyên đến tham khảo, học hỏi. Mô hình này sử dụng giống OM 18 để cấy, năng suất ước đạt 07 tấn/ha, cao 0,5 tấn/ha so với diện tích lúa sản xuất ngoài mô hình theo hình thức sạ lan truyền thống.
Theo cán bộ kỹ thuật của HTX cho biết: Sản xuất lúa theo mô hình mới có nhiều ưu điểm như giảm được lượng lớn lúa giống, ít công chăm sóc, giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ít sâu bệnh, tiết kiệm được chi phí đầu tư sản xuất. Nếu như giá được thương lái mua hiện tại 6.000đ/kg thì sản xuất lúa theo mô hình lợi nhuận trên 20 triệu đồng/ha, cao hơn khoảng 7 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa ngoài mô hình theo hình thức sạ lan ở địa phương.
Từ mô hình lúa mẫu của HTX Nông nghiệp Việt Thành, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè cho biết sẽ phát động nhân rộng mô hình ra ở các địa phương trong huyện, nhằm giúp cho nông dân giảm được chi phí đầu vào trước giá phân bón tăng cao như hiện nay. Đồng thời người dân từng bước sản xuất theo hướng sạch, an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.