Tăng phí quản lý quỹ, từ Việt Nam nhìn ra thế giới

Trong bối cảnh hiệu suất đầu tư của các quỹ không lấy làm tích cực kể từ đầu năm 2025 tới nay, một số quỹ lại rục rịch tăng các khoản phí thu từ nhà đầu tư.

Lợi suất thực tế nhà đầu tư nhận được từ đầu tư chứng chỉ quỹ thấp hơn nhiều so với hiệu suất đầu tư của quỹ do phải trả nhiều khoản phí

Lợi suất thực tế nhà đầu tư nhận được từ đầu tư chứng chỉ quỹ thấp hơn nhiều so với hiệu suất đầu tư của quỹ do phải trả nhiều khoản phí

Hiệu suất đầu tư kém tích cực

Kể từ đầu năm 2025 tới nay, tuy chỉ số VN-Index đã vượt 1.300 điểm nhưng thực tế, hiệu suất đầu tư của các quỹ mở không lấy làm tích cực, một phần bởi đà tăng của chỉ số xuất phát từ một số ít cổ phiếu nhất định không nằm trong danh mục đầu tư của đa số quỹ.

Lũy kế 2 tháng đầu năm 2025, nhóm quỹ cổ phiếu đạt hiệu suất tương đối thấp, bình quân là 0,9%. Tình trạng này chưa có nhiều cải thiện trong tháng 3. Đáng chú ý, trong tháng 2/2025, nhiều quỹ đầu tư đã chủ động hạ tỷ trọng cổ phiếu xuống khi VN-Index đã có một nhịp tăng dài trong 8 tuần liên tục và thị trường chứng khoán thế giới có những biến động khó lường.

Đầu tháng 4/2025, Mỹ sẽ công bố mức thuế quan để áp lên các loại hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác. Thay vì triển khai một làn sóng thuế quan toàn diện, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chuyển hướng sang một chiến lược tập trung hơn, nhắm vào nhóm các quốc gia chiếm phần lớn thương mại với Mỹ, đồng thời có khả năng trì hoãn việc áp dụng thuế quan theo ngành cụ thể.

Trong bối cảnh thị trường có nhiều ngưỡng cản và được dự báo tiếp tục điều chỉnh, hiệu suất của các quỹ đầu tư khó lòng cải thiện đột biến trong 3 tháng đầu năm. Đây cũng là lý do nhà đầu tư chứng chỉ quỹ bắt đầu tâm lý sốt ruột khi chứng kiến hiệu quả đầu tư suy giảm.

Chẳng hạn, lợi nhuận đầu tư từ đầu năm tới ngày 19/3/2025 của Quỹ Đầu tư cổ phiếu kinh tế hiện đại VinaCapital (VMEEF) là -1,3%, trong khi VN-Index tăng hơn 4%. VMEEF là quỹ mở cổ phiếu với hiệu suất dẫn đầu thị trường năm 2024, với tỷ suất lợi nhuận đầu tư 34% trong năm ngoái. Tương tự, Quỹ Đầu tư cổ phiếu tiếp cận thị trường VinaCapital (VESAF) đạt hiệu suất đầu tư kể từ đầu năm tới giữa tháng 3/2025 là -1,7%. VESAF cũng là quỹ đầu tư với hiệu suất Top đầu thị trường năm 2024.

Không ít quỹ đầu tư khác cũng đang trong tình trạng hiệu quả đầu tư âm kể từ đầu năm tới nay.

Dù đầu tư chứng chỉ quỹ được khuyến nghị là hình thức đầu tư dài hạn, tuy nhiên, những nhà đầu tư tham gia thị trường trong khoảng 1 năm qua đang được xem là “đu đỉnh” chứng chỉ quỹ và chứng kiến hiệu quả đầu tư suy giảm. Tại các cộng đồng nhà đầu tư chứng chỉ quỹ, không ít câu hỏi đặt ra về việc có nên chuyển đổi chứng chỉ quỹ sang các quỹ đầu tư đang có hiệu suất tốt hơn, hoặc cơ cấu lại danh mục đầu tư... Cũng từ đây, chi phí đầu tư chứng chỉ quỹ trở thành chủ đề nóng tại các diễn đàn đầu tư.

Nhà đầu tư lo phí "ăn mòn" lợi nhuận

Một trong những vấn đề được các nhà đầu tư chứng chỉ quỹ quan tâm hàng đầu chính là các loại phí giao dịch, bởi bất kể hiệu quả đầu tư của quỹ có biến động như thế nào, các loại phí hầu như cố định. Chưa kể, cùng với sự sôi động của thị trường chứng chỉ quỹ trong thời gian gần đây, một số quỹ đầu tư đã rục rịch điều chỉnh tăng phí.

Mới đây, Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) đã gửi thông báo tới các nhà đầu tư về việc thay đổi biểu giá dịch vụ giao dịch chứng chỉ quỹ kể từ ngày 5/5/2025. Trong đó, đáng chú ý là việc tăng phí dịch vụ mua lại với thời gian nắm giữ ngắn và thu phí chuyển đổi, thay vì miễn phí như trước đây.

Khi tham gia đầu tư chứng chỉ quỹ, các loại phí nhà đầu tư phải chi trả bao gồm: phí mua, phí bán, phí quản lý, phí chuyển đổi… Mỗi khoản phí đều ảnh hưởng đến lợi nhuận cuối cùng của nhà đầu tư chứng chỉ quỹ, vì vậy, việc hiểu rõ từng loại phí sẽ giúp nhà đầu tư tối ưu hóa chi phí và đưa ra quyết định đầu tư hiệu quả hơn.

Tại Việt Nam, nhiều quỹ mở không áp dụng phí mua chứng chỉ quỹ, giúp nhà đầu tư có thể tham gia quỹ mà không lo ngại về chi phí ban đầu, nhưng cũng có không ít công ty quản lý quỹ áp dụng loại phí này. Chẳng hạn, SSIAM đang thu phí dịch vụ phát hành đối với Quỹ VLGF (nhà đầu tư sẽ chịu phí dịch vụ phát hành 1% với giao dịch mua chứng chỉ quỹ thông thường). Tương tự, Công ty Quản lý quỹ Bảo Việt (BaoVietFund - BVF) cũng là một trong các công ty quản lý quỹ đang thu phí mua đối với tất cả các sản phẩm quỹ của mình.

Đáng chú ý, kể từ đầu năm 2025, BaoVietFund cũng điều chỉnh tăng các loại phí, bao gồm dịch vụ phát hành, dịch vụ mua lại và dịch vụ chuyển đổi. Đơn cử, với Quỹ BVBF, phí mua chứng chỉ quỹ với giá trị mua dưới 2 tỷ đồng được điều chỉnh từ 0,1% lên 0,3%.

Một loại phí khác nhà đầu tư chứng chỉ quỹ rất chú trọng là phí bán chứng chỉ quỹ. Phí này thường được áp dụng để định hướng nhà đầu tư giữ chứng chỉ quỹ trong một khoảng thời gian nhất định. Mức phí bán sẽ giảm dần khi thời gian nắm giữ tăng lên. Tại Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF), nếu thời gian nắm giữ dưới 1 tháng, nhà đầu tư sẽ chịu phí bán 3%, dưới 1 năm mức phí bán là 2%, dưới 2 năm phí bán là 0,5% và miễn phí bán nếu nắm giữ trên 2 năm.

Bên cạnh đó, các công ty quản lý quỹ cũng thu phí chuyển đổi - loại phí áp dụng khi nhà đầu tư muốn chuyển đổi chứng chỉ quỹ từ quỹ này sang quỹ khác của cùng một công ty quản lý quỹ. Đồng thời, nhà đầu tư sẽ đóng phí quản lý quỹ dao động từ 0,1 - 2%/năm. Phí này đã được tính vào NAV công bố.

Ngoài ra, khi bán chứng chỉ quỹ, nhà đầu tư sẽ phải trả thuế thu nhập cá nhân tương đương 0,1% tổng số tiền bán ra, đồng thời phải trả phí chuyển khoản cho ngân hàng giám sát (dao động từ 11.000 - 25.000 đồng/giao dịch).

Điều đáng nói là các loại phí phát hành, mua lại, chuyển đổi của quỹ mở đều gắn liền với quá trình giao dịch chứng chỉ quỹ của nhà đầu tư, bởi mức phí sẽ được tính dựa trên giá trị giao dịch. Chẳng hạn, nếu một quỹ mở có phí mua 2% giá trị giao dịch, nhà đầu tư nắm giữ dưới 1 năm chịu thêm phí bán 2% thì khi muốn rút tiền từ khoản đầu tư này, nhà đầu tư chịu chi phí 5% giá trị giao dịch. Nếu vào thời điểm đó, hiệu suất đầu tư của quỹ chỉ vào khoảng 5 - 7% thì sau khi trừ các khoản phí, nhà đầu tư hầu như không còn lợi nhuận.

Nhà đầu tư đang có ý kiến về việc một số quỹ đầu tư tăng phí, nhưng nhìn ra thế giới mới thấy mức thu và danh mục phí quản lý quỹ tại Việt Nam còn khá nhẹ. Chẳng hạn, mới đây, các chuyên gia phân tích tại Bloomberg đã tiến hành tổng hợp tài liệu, hồ sơ và nội dung công bố thông tin của một số công ty quản lý quỹ quy mô lớn trên thị trường để phân tích cơ cấu các khoản phí mà nhà đầu tư phải nộp phục vụ cho hoạt động của quỹ đầu tư. Theo đó, năm 2023, một quỹ đầu tư tại Balyasny Asset Management - công ty quản lý tài sản do tỷ phú Dmitry Balyasny điều hành, công bố hiệu suất đầu tư 15,2% nhưng khách hàng của công ty quản lý quỹ này chỉ có thể nhận được hiệu suất đầu tư là… 2,8%.

Phần chênh lệch đáng kể nằm trong các khoản phí mà khách hàng phải trả cho công ty quản lý quỹ, chủ yếu là phí quản lý tài sản và nhiều loại chi phí dịch vụ khác phục vụ cho hoạt động của quỹ.

Ngoài Balyasny Asset Management, các công ty khác cũng nổi tiếng với cấu trúc phí tương tự, bao gồm Millennium Management, Citadel, Point72 Asset Management và ExodusPoint Capital Management. Chỉ riêng 5 công ty này đã quản lý hơn 200 tỷ USD tài sản ủy thác đầu tư.

Hồ sơ nộp lên cơ quan quản lý của các tập đoàn này cho thấy, danh sách các loại chi phí được chuyển qua cho khách hàng đã tăng gần 40% kể từ năm 2018 tới nay.

Lam Phong

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tang-phi-quan-ly-quy-tu-viet-nam-nhin-ra-the-gioi-post366422.html