Tăng quyền lợi cho người mua bảo hiểm, nhưng mức phí giữ nguyên
Nghị định 03/2021/NĐ-CP đã đơn giản hóa thủ tục hồ sơ bồi thường, đồng thời, Thông tư 04/2021/TT-BTC hướng dẫn nghị định này cũng tăng mức trách nhiệm bảo hiểm. Điều này tạo điều kiện cho việc chi trả bồi thường, tăng quyền lợi cho người mua bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Huyền – Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính).
* PV: Được biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 03/2021/NĐ-CP thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) chủ xe cơ giới. Xin ông cho biết, Nghị định 03 sẽ tạo thuận lợi gì cho việc chi trả bồi thường bảo hiểm?
- Ông Nguyễn Quang Huyền: Nghị định số 03/2021/NĐ-CP đã sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục hồ sơ bồi thường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chi trả bồi thường bảo hiểm.
Nếu như theo quy định tại Nghị định 103, tất cả các vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phải thu thập Bản sao 5 loại tài liệu của cơ quan có thẩm quyền, thì tại Nghị định 03, các DNBH chỉ phải thu thập tài liệu của cơ quan công an trong các vụ tai nạn gây tử vong đối với bên thứ ba và hành khách. Các vụ tai nạn khác, DNBH chỉ cần lập Biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại thống nhất giữa DNBH với bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm.
Đồng thời, Nghị định 03 đã cắt giảm 1/5 tài liệu liên quan đến cơ quan công an (các tài liệu khác có liên quan đến vụ tai nạn); đồng thời, cắt giảm 2/5 tài liệu liên quan đến thiệt hại về sức khỏe, tính mạng (giấy ra viện, giấy chứng nhận phẫu thuật). Nghị định mới chỉ còn 3 tài liệu: Giấy chứng nhận thương tích; hồ sơ bệnh án; trích lục khai tử hoặc Giấy báo tử.
Việc cắt giảm các loại hồ sơ, giấy tờ cần phải thu thập theo hồ sơ bồi thường có tác động tích cực về mặt kinh tế, giảm chi phí liên quan đến việc tổ chức giải quyết bồi thường đối với cả bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm và DNBH (cả hai chủ thể này đều có trách nhiệm thu thập các tài liệu liên quan của hồ sơ bồi thường).
Về mặt xã hội, việc cắt giảm hồ sơ cũng sẽ rút ngắn thời gian giải quyết bồi thường, góp phần phát huy hơn nữa tính an sinh, xã hội của bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới, góp phần hỗ trợ cho nạn nhân, chủ xe kịp thời khắc phục hậu quả tai nạn để nhanh chóng ổn định cuộc sống và sản xuất kinh doanh.
* PV: Một điểm mới khác của Nghị định 03 là đã quy định cụ thể về tạm ứng bồi thường, nhằm hỗ trợ kịp thời hơn cho người được hỗ trợ. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về nhóm quy định này?
- Ông Nguyễn Quang Huyền: Như chúng ta biết, Nghị định 103 chưa quy định rõ về trách nhiệm tạm ứng, mà chỉ nêu trường hợp cần thiết, DNBH phải tạm ứng kịp thời cho khách hàng.
Để bảo đảm nạn nhân tiếp cận nhanh chóng nguồn lực tài chính, kịp thời chữa trị, chi trả chi phí y tế, Nghị định 03 quy định về tạm ứng bồi thường theo hướng rõ ràng, minh bạch.
Cụ thể, trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm về vụ tai nạn, DNBH phải tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng. Theo đó, trường hợp đã xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại, tạm ứng 70% mức bồi thường bảo hiểm trên 1 người trên 1 vụ đối với trường hợp tử vong, 50% mức bồi thường bảo hiểm trên 1 người trên 1 vụ đối với trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu. Trường hợp chưa xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại, tạm ứng 30% mức trách nhiệm bảo hiểm trên 1 người trên 1 vụ đối với trường hợp tử vong, 10% mức trách nhiệm bảo hiểm trên 1 người trên 1 vụ đối với trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu.
* PV: Nghị định 03 giao Bộ Tài chính quy định mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới và Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 04/2021/TT-BTC trong đó có hướng dẫn quy định này. Cụ thể mức trách nhiệm bảo hiểm đã thay đổi như thế nào, thưa ông?
- Ông Nguyễn Quang Huyền: Để vừa bảo đảm mục đích, tính chất của bảo hiểm bắt buộc, vừa đảm bảo tính linh hoạt, chủ động trong điều chỉnh mức trách nhiệm, bù đắp các chi phí trên khi có thay đổi, biến động, Nghị định 03 đã bổ sung quy định: Căn cứ chi phí thực tế về giá dịch vụ khám, điều trị, chăm sóc y tế và chi phí khắc phục thiệt hại đối với tài sản, Bộ Tài chính quy định mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 04 điều chỉnh thay đổi mức trách nhiệm bảo hiểm so với mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định tại Thông tư số 22/2016/TT-BTC.
Theo đó, Thông tư 04 đã nâng mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra từ 100 triệu đồng/1 người/1 vụ, lên 150 triệu đồng cho 1 người trong một vụ tai nạn.
Đồng thời, Thông tư cũng giữ nguyên mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản: 50 triệu đồng trong một vụ tai nạn đối với thiệt hại do xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy và các loại xe có kết cấu tương tự theo quy định của Luật Giao thông đường bộ gây ra; 100 triệu đồng trong một vụ tai nạn đối với thiệt hại do xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe máy chuyên dùng theo quy định của Luật Giao thông đường bộ gây ra.
Về phí bảo hiểm, Nghị định 03 đã giao Bộ Tài chính quy định mức phí bảo hiểm căn cứ trên số liệu thống kê nhằm bảo đảm khả năng thanh toán của DNBH, tương ứng với mức trách nhiệm bảo hiểm và mức độ rủi ro để đáp ứng cơ bản chi phí về khám, điều trị đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và chi phí khắc phục thiệt hại đối với tài sản.
Đồng thời, Nghị định quy định căn cứ vào lịch sử tai nạn giao thông và năng lực chấp nhận rủi ro, DNBH được chủ động xem xét tăng phí bảo hiểm mức tăng tối đa 15% tính trên phí bảo hiểm do Bộ Tài chính quy định, nhằm thực hiện lộ trình tính phí bảo hiểm theo rủi ro cụ thể của từng xe cơ giới.
Mặc dù, mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng được nâng lên, tuy nhiên, Thông tư số 04 quy định phí bảo hiểm về cơ bản vẫn giữ nguyên như quy định tại Thông tư số 22/2016/TT-BTC.
Thông qua các sửa đổi, hoàn thiện quy định liên quan đến phí bảo hiểm gắn với rủi ro của từng phương tiện sẽ tăng cường vai trò công cụ kinh tế của chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới, điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông, góp phần đảm bảo trật tư, an toàn giao thông.
* PV: Xin cảm ơn ông!