Tăng quyền lợi, đảm bảo an sinh cho lao động nữ
Luật BHXH (sửa đổi) cần tạo điều kiện hỗ trợ nữ giới, rút ngắn khoảng cách trong thụ hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) giữa phụ nữ và nam giới, nâng mức hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con.
Tại Hội thảo “Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật BHXH tiếp cận dưới góc độ quyền của lao động nữ” do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) mới đây, các đại biểu tham gia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, góp phần đưa ra những đề xuất hoàn thiện dự thảo luật, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động, đặc biệt là lao động nữ.
Phát biểu tại hội thảo, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, vì vậy việc xây dựng Luật BHXH phải bám theo mục tiêu này, đảm bảo đạo luật hiện đại, tiến bộ, công bằng, khả thi. Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết thêm, theo dự thảo Luật BHXH sửa đổi mới nhất đã được tiếp thu, chỉnh lý sau lần đầu đưa ra thảo luận tại Quốc hội, 2 phương án quy định việc rút BHXH một lần vẫn được giữ. Cụ thể:
Đối với phương án 1 sẽ chia thành 2 nhóm. Nhóm 1 tiếp tục cho rút BHXH một lần với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi luật có hiệu lực (dự kiến từ 1/7/2025). Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày luật có hiệu lực trở đi thì không được rút BHXH một lần nữa thuộc nhóm 2. Đối với phương án 2, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết chế độ một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ của BHXH. Ông Ngọ Duy Hiểu khẳng định, thời gian qua, tổ chức Công đoàn luôn nỗ lực trong công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ đối với lao động nữ và trẻ em thông qua nhiều hoạt động thiết thực. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác Nữ công Công đoàn là đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ.
Tham gia đóng góp ý kiến, ông Đinh Sỹ Phúc - Chủ tịch Công đoàn Công ty TKG TaeKwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, thành phố Biên Hòa), cho biết, Điều 49 Dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định, trong 1 kỳ thai sản người lao động chỉ được nghỉ việc đi khám thai 5 lần. Tuy nhiên, trên thực tế, đối với những thai nhi bình thường, bác sĩ thường hẹn 30 ngày tái khám một lần; chưa kể trường hợp thai nhi có vấn đề sẽ có thời gian thăm khám và theo dõi nhiều hơn. “Nhiều lao động nữ làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy cơ ảnh hưởng về sức khỏe, khả năng mang thai thấp hơn người bình thường. Không ít trường hợp phải cần đến sự hỗ trợ từ thụ tinh nhân tạo, hoặc những thủ thuật y khoa khác. Do đó, đối với những lao động nữ đó cần phải có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn; cần bổ sung, tăng thời gian nghỉ việc đi khám thai trong 1 chu kỳ thai sản cho lao động nữ, để tạo điều kiện cho họ nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động”, ông Đinh Sỹ Phúc nêu ý kiến.
Theo ông Phúc có hơn 33.000 lao động, trong đó số lao động nữ chiếm 86%. Thời gian qua, nhiều lao động nữ chỉ đóng BHXH được 4 hoặc 5 tháng trước khi sinh, theo luật sẽ không được hưởng các chế độ thai sản. Chủ tịch Công đoàn Cơ sở Công ty TKG TaeKwang Vina kiến nghị, lao động nữ đóng BHXH không đủ 6 tháng, trước khi sinh con sẽ được hưởng chế độ thai sản theo số tháng đã đóng thì mới hỗ trợ được lao động nữ trong giai đoạn khó khăn.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Văn Triều - Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật LĐLĐ TP.HCM cho rằng, Luật BHXH quy định lao động nữ được hưởng chế độ thai sản trong 6 tháng. Thời gian nghỉ thai sản được ghi nhận là thời gian tham gia BHXH. Nếu buộc lao động đóng BHXH từ 4 tháng nghĩa là phát sinh thời gian đóng trùng BHXH, như vậy lao động nữ sẽ rất thiệt thòi.
Bên cạnh đó, ông Triều cho rằng hiện nay, vẫn còn bất cập trong quy định về vấn đề lao động nữ đi làm sớm hơn so với thời gian được nghỉ hưởng chế độ thai sản.
Nói về hạn chế lớn nhất của chế độ thai sản theo quy định của dự thảo Luật, bà Nguyễn Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, chỉ có người lao động tham gia BHXH bắt buộc mới được hưởng chế độ thai sản; trong khi hiện tại, tỷ lệ bao phủ của chính sách này rất thấp, chỉ 30% phụ nữ đang làm việc được hưởng chế độ thai sản.
Đề cập đến vấn đề hỗ trợ đề xuất, bà Nguyễn Lan Hương cho rằng, nhu cầu tham gia về bảo hiểm thai sản của phụ nữ rất lớn và mức thu nhập của lao động phi chính thức thấp hơn lao động chính thức. Việc hỗ trợ đề xuất 2 triệu đồng/trường hợp là không thể chấp nhận được, nó quá chênh lệch so với mức bảo hiểm thai sản đối với lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
“Dự thảo Luật hiện nay vẫn còn nhiều điểm cần phải tháo gỡ khiến nhiều nhóm lao động nữ, nhất là nữ lao động giúp việc gia đình vẫn chưa được quy định là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Cần bổ sung chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu của đông đảo phụ nữ tham gia cũng như tăng tính hấp dẫn của loại hình này”, bà Nguyễn Lan Hương đề nghị.
Ghi nhận những đóng góp của các đại biểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Ngọ Duy Hiểu khẳng định, đất nước Việt Nam đang phát triển, các Luật được xây dựng phải tiến bộ, hiện đại để phù hợp với tình hình mới, với phương châm “không đối tượng nào bị bỏ lại phía sau”.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tang-quyen-loi-dam-bao-an-sinh-cho-lao-dong-nu-168527.html