Tăng sĩ có quyền kiện người khác ra tòa?

HỎI: Tôi xin được hỏi: Một Tăng sĩ Phật giáo, đứng trước sự phê phán, chỉ trích... của cộng đồng Phật tử và người thế gian, chiếu theo giới luật nhà Phật, vị ấy được quyền hành xử như thế nào? Có được quyền nhờ luật sư, dùng luật pháp thế gian để kiện người khác ra tòa không?

(HỒNG TRẦN, hongvan02...@gmail.com)

Là Tăng sĩ nên cần phải cân nhắc kỹ lưỡng và nên giải quyết trong nội bộ trước khi đem ra pháp luật - Ảnh minh họa

ĐÁP:

Bạn Hồng Trần thân mến!

Chiếu theo tinh thần giới luật nhà Phật, một Tăng sĩ Phật giáo, đứng trước sự phê phán, chỉ trích... của cộng đồng Phật tử và người thế gian, vị ấy được quyền hành xử như sau:

Trước hết, vị Tăng sĩ ấy cần xem lại mình đã suy nghĩ, nói năng, hành động thế nào mà phải hứng chịu chỉ trích, phê phán? Không có cái gì hay pháp nào hiện hữu mà không có nguyên nhân. Hiện xứ ta có hàng chục ngàn Tăng sĩ Phật giáo sao họ không bị phê phán và chỉ trích mà lại xoáy vào mình? Khi đã bình tâm chiêm nghiệm kỹ vấn đề, nếu thấy những gì mình làm đều đúng, vì hoằng truyền Phật pháp và lợi ích chúng sinh nhưng do người ta chưa hiểu, đố kỵ, ganh ghét (hay nhiều nguyên nhân khác) mà chỉ trích, phê phán thì cần kham nhẫn, bình tĩnh rồi vận dụng từ bi và trí tuệ để tháo gỡ những chỉ trích, hóa giải những phê phán trong tinh thần lục hòa, sau đó tiếp tục khai thị cho người ta phục thiện, cải tà quy chánh.

Còn nếu sau khi chiêm nghiệm thấy mình có lỗi (một hay nhiều phần hoặc toàn phần) thì vị Tăng sĩ ấy nên dũng cảm nhận lỗi, cầu mong sự tha thứ và tìm cách chuộc lại lỗi lầm. Bởi nhận lỗi, sám hối và chuộc lỗi chính là tu, là Tăng sĩ thì càng gương mẫu hơn trong việc này. Con người ta thường dễ thấy lỗi người mà rất khó thấy lỗi mình. Phải gạt bỏ cái tôi ra càng nhiều thì càng dễ thấy sự thật và những hạn chế của mình hơn. Mặt khác, nếu tự mình chưa thấy (hoặc có thấy mà chưa tỏ) thì nên thỉnh cầu người hiền trí, vô tư và khách quan soi sáng cho. Không nên tham vấn người thân hay cấp dưới quá nhiều trong trường hợp này, vì đa phần họ vị tình nên hay bênh vực, không nhiều người dám nói thật khi thầy của họ có khiếm khuyết hoặc sai phạm.

Việc nhờ luật sư, dùng luật pháp thế gian để kiện người khác ra tòa nhằm bảo vệ danh dự là quyền công dân của Tăng sĩ Phật giáo. Ai cũng được quyền nhờ pháp luật can thiệp, bảo vệ lợi ích chính đáng cho mình. Có điều, vì là Tăng sĩ nên cần phải cân nhắc kỹ lưỡng và nên giải quyết trong nội bộ trước khi đem ra pháp luật. Cân nhắc kỹ lưỡng bởi tuy là việc riêng của mình nhưng liệu có ảnh hưởng gì đến thanh danh Tăng đoàn, uy tín Giáo hội không, có làm sút giảm niềm tin của tín đồ và thương tổn đến đạo pháp không? Giải quyết nội bộ vì Tăng sĩ và Phật tử đều có giới luật và do Giáo hội trực tiếp quản lý. Giáo hội có thể tham mưu hay xử lý trước vụ việc trong tinh thần “ẩn ác, dương thiện” sao cho hiệu quả và gọn gàng sẽ có ý nghĩa hộ pháp rất tích cực trong những trường hợp này.

Thiết nghĩ, Tăng sĩ và Phật tử nói chung cần học và áp dụng theo phương cách giải quyết vấn đề của Đức Phật khi Ngài bị phỉ báng, chửi bới, thóa mạ, thậm chí bị vu oan, giá họa. Trong hầu hết các trường hợp, Đức Phật đều dùng đức để cảm thắng. Trên đời có nhiều sức mạnh như tiền bạc, quyền lực, tài năng, hùng biện… nhưng người đệ tử Phật thì cần phải dùng sức mạnh của đức. Đức là đạo đức, tâm đức, tuệ đức; là kết tinh của từ bi và trí tuệ; là hoa trái an lạc vững chãi của tu tập. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Tăng sĩ Phật giáo cần dựa vào đức tu để giải quyết vấn đề, để cảm thắng mọi chướng nghịch. Cũng như Đức Phật, tuy có rất nhiều đệ tử là bậc quân vương nhưng khi có chuyện bị hủy nhục, Ngài chưa từng có ý cậy nhờ. Đức Phật chỉ vận dụng từ bi và trí tuệ, phát huy đạo lực để cảm thắng.

Cho nên, vị Tăng sĩ hoàn toàn có quyền khởi kiện ai đó đúng theo pháp luật nhưng cần xem việc khởi kiện là giải pháp sau cùng, bất đắc dĩ. Trước mắt vẫn là vận dụng đức tu, đem từ bi và trí tuệ để chuyển hóa các nghịch duyên. Thực sự thì người tu mà dây vào kiện cáo, tố tụng, hầu tòa (dù cho mình đúng và thắng kiện) thì việc dậy sóng, ồn ào rất dễ bị thị phi chi phối, khuấy đảo sự thanh tịnh nội tâm và nhất là dễ mất điểm trong mắt người học hạnh vô cầu, vô chấp, vô tranh, vô đấu.

Chúc bạn tinh tấn!

Tổ Tư vấn Báo Giác Ngộ
(tuvangiacngo@yahoo.com)

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//tuvantamlinh/2020/04/10/1a46d8/