Tăng số lượng nữ phi hành gia - Bước ngoặt lớn ở NASA

Mới đây, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã đăng thông báo tuyển phi hành gia để tham gia nhiệm vụ Artemis, đưa phụ nữ đầu tiên cùng một số phi hành gia nam lên Mặt Trăng vào năm 2024. Việc NASA tăng cường tuyển nữ phi hành gia được xem là bước ngoặt lớn kể từ khi cơ quan hàng không vũ trụ này được thành lập năm 1958.

Theo nhà tuyển dụng của NASA, các ứng viên muốn trở thành nhà du hành vũ trụ cần nộp hồ sơ trước ngày 31-3 và phải đáp ứng những tiêu chí sau: Có trình độ khoa học, kinh nghiệm bay, thể lực tốt và biết tiếng Nga sẽ là lợi thế. Đặc biệt, NASA ưu tiên tuyển nữ phi hành gia để tham gia nhiệm vụ Artemis.

Đây được xem là bước tiến mới ở NASA. Trước đó, đầu tháng 1-2020, NASA đã chào đón 13 phi hành gia mới, trong đó có 6 nữ. Những tân binh này được kỳ vọng sẽ đặt chân lên Mặt Trăng năm 2024 và thám hiểm Sao Hỏa năm 2035. Theo NASA, 13 nhà du hành vũ trụ trên có lý lịch hoàn hảo: Đều là sĩ quan quân đội, trong đó có người từng tham chiến ở Afghanistan hoặc Iraq, có người là nhà khoa học, kỹ sư hoặc bác sĩ. “Một ngày nào đó, các phi hành gia này có thể đi bộ trên Mặt Trăng trong khuôn khổ chương trình Artemis hoặc sẽ là người đầu tiên đi bộ trên Sao Hỏa”, ông Jim Bridenstine, Giám đốc NASA, cho hay.

Các phi hành gia NASA mới được tuyển để tham gia sứ mệnh Artemis. Ảnh: lefigaro.fr

Các phi hành gia NASA mới được tuyển để tham gia sứ mệnh Artemis. Ảnh: lefigaro.fr

Ông Jim Bridenstine cho biết, 13 nhà du hành vừa được tuyển chọn có thể tham gia phi hành đoàn lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) sau khi kết thúc chương trình huấn luyện hai năm rưỡi ở Trung tâm Không gian Johnson ở Houston, bang Texas (Mỹ). Chương trình huấn luyện bao gồm việc đi bộ trong không gian tại phòng thí nghiệm dưới nước, học cách sử dụng robot, tập huấn để tham gia chương trình Artemis vào năm 2024… Các học viên cũng phải trau dồi tiếng Nga-ngôn ngữ cần thiết để trao đổi với các đồng nghiệp Nga trên ISS.

Tuy nhiên, điều làm cho chương trình này nổi bật chính là sự đa dạng chủng tộc và bình đẳng giới. Một trong những “tân binh” của NASA là Jasmin Moghbeli, người Mỹ gốc Iran, từng tốt nghiệp Học viện Công nghệ Massachusetts. Trước khi gia nhập NASA, cô là phi công trực thăng. Đồng nghiệp của cô, Jessica Watkins, có bằng tiến sĩ về địa chất và làm việc trong nhóm tìm kiếm sự sống trên Sao Hỏa. Là người Mỹ gốc Phi, Jessica Watkins là một trong số ít nhà du hành da đen ở NASA.

Trong khi đó, cô Alyssa Carson, 18 tuổi, đang được NASA đào tạo để đến năm 2033, cô sẽ là một trong những người đầu tiên đặt chân lên Sao Hỏa và thử sống ở trên đó từ 2 đến 3 năm. Tại đây, nữ phi hành gia này sẽ mang sứ mệnh nghiên cứu, trồng trọt thực phẩm, thực hiện những thí nghiệm khoa học và tìm kiếm những dấu hiệu của sự sống trong khoảng thời gian 2-3 năm. “Những thay đổi về văn hóa và xã hội có thể diễn ra chậm ở NASA nhưng đã có ưu tiên về sự đa dạng chủng tộc và bình đẳng giới ở đây. Đó là những người có trình độ và họ đại diện cho toàn bộ nước Mỹ”, ông Jim Bridenstine nhấn mạnh.

Sự thay đổi này được xem là bước ngoặt ở NASA. Từ khi thành lập vào năm 1958 cho đến đầu những năm 1980, toàn bộ nhà du hành của NASA đều là nam giới. Năm 1983, cô Sally Ride là nữ giới đầu tiên được tuyển chọn vào NASA và cô cũng là nữ phi hành gia người Mỹ đầu tiên bay vào vũ trụ. Trước đó 20 năm, bà Valentina Terechkova, người Nga, đã trở thành nữ phi hành gia đầu tiên trên thế giới thực hiện chuyến bay khám phá không gian. Kể từ đó đến nay, NASA đã tích cực tuyển dụng nữ phi hành gia. Năm 2013, tỷ lệ nam-nữ tại cơ quan này là 50-50. Tháng 2 vừa qua, NASA đã nhận vô số lời chúc tụng khi nữ phi hành gia Christina Koch thuộc cơ quan này hoàn thành chuyến bay dài kỷ lục trên vũ trụ-328 ngày.

NASA cho biết, kể từ năm 1958 tới nay, cơ quan này đã tuyển chọn được 350 phi hành gia. Bất chấp những thách thức lớn về tài chính và công nghệ, NASA đang tiếp tục tìm kiếm những gương mặt mới để làm nhiệm vụ Artemis theo chương trình nghiên cứu Mặt Trăng bắt đầu từ năm 2024. Kế hoạch đổ bộ lên Mặt Trăng là một phần của việc thử nghiệm công nghệ để đưa con người lên thám hiểm Sao Hỏa năm 2030. Theo đó, NASA sẽ sử dụng những công nghệ hiện đại nhất khám phá Mặt Trăng, cùng với sự phối hợp của lĩnh vực tư nhân và các đối tác quốc tế. “Sứ mệnh Apollo nhằm đưa con người đặt những bước chân đầu tiên lên Mặt Trăng thì sứ mệnh Artemis nhằm giúp con người lần đầu tiên lên sinh sống và làm việc tại đây”, Giám đốc NASA Jim Bridenstine cho hay.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/tang-so-luong-nu-phi-hanh-gia-buoc-ngoat-lon-o-nasa-611715