Tăng sốc thuế thuốc lá giúp giảm tỷ lệ hút thuốc?

Đây là nội dung được các đại biểu thảo luận tại hội thảo 'Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá' vừa diễn ra ngày 16-7 vừa qua, tại Hà Nội.

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh dự án Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi, đang được Bộ Tài chính đề xuất hướng đến việc hạn chế sản xuất và điều tiết tiêu dùng nhằm đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 Theo các chuyên gia, nếu tăng thuế sốc và đột ngột có thể không những không đạt được mục tiêu đề ra mà còn tác động đến ngân sách Nhà nước và xã hội.

Theo các chuyên gia, nếu tăng thuế sốc và đột ngột có thể không những không đạt được mục tiêu đề ra mà còn tác động đến ngân sách Nhà nước và xã hội.

Sự kiện có sự tham gia của đại diện Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thuế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), vùng nguyên liệu tại huyện Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA), Công ty kiểm toán PwC Việt Nam, cùng các DN sản xuất và kinh doanh thuốc lá tại Việt Nam.

Thuế tăng, thuốc lá lậu tăng, tỷ lệ hút thuốc không giảm

Tại hội thảo bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch của PwC Việt Nam, dẫn báo cáo “Đánh giá tác động kinh tế về động cơ buôn lậu thuốc lá" phát hành bởi PwC UK, cho hay việc tăng giá thuốc lá hợp pháp khiến người tiêu dùng có xu hướng cao chuyển sang sử dụng các loại thuốc lá thay thế bất hợp pháp. Mối tương quan giữa giá thuốc lá hợp pháp và thị phần thuốc lá lậu trung bình là 86%.

Đại diện PwC cũng chia sẻ, tại Đức, trong giai đoạn 2002-2005 khi thuế tuyệt đối tăng 48% và thuế tương đối tăng khoảng 8%, người tiêu dùng chuyển sang mua thuốc lá từ các quốc gia khác, lượng tiêu thụ thuốc lá hợp pháp giảm khoảng 34%, và thu ngân sách Nhà nước bị trì trệ.

 Theo bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Malaysia điều kiện cũng giống Việt Nam, trong năm 2014 Malaysia tăng thuế hậu quả là thuốc lá lậu bùng nổ, thu ngân sách sụt giảm

Theo bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Malaysia điều kiện cũng giống Việt Nam, trong năm 2014 Malaysia tăng thuế hậu quả là thuốc lá lậu bùng nổ, thu ngân sách sụt giảm

Hay tại Vương quốc Anh vào năm 2011, quốc gia này đã tăng 30% thuế tuyệt đối dẫn đến thuốc lá lậu tăng và chiếm khoảng 20% thị trường vào năm 2016, gây thất thu thuế khoảng 2,5 tỷ bảng Anh.

Còn tại, Malaysia sau khi tăng thuế vào giai đoạn 2014-2015, sản lượng thuốc lá hợp pháp giảm 55% chỉ sau 5 năm kể từ 2014, thuốc lá lậu chiếm 65% thị phần vào năm 2020, gây thất thoát 5,1 tỷ RM tiền thuế, thu ngân sách sau tăng thuế giảm so với thời điểm trước tăng thuế trong khi đó tổng lượng tiêu thụ thuốc lá lại tăng 5% sau khi tăng thuế và 3 nhà sản xuất thuốc lá lớn đã đóng cửa các nhà máy tại quốc gia này.

Bà Vân cũng cho hay nếu thuế TTĐB thuốc lá tăng quá nhanh tại Việt Nam theo các phương án mà Bộ Tài chính đề xuất, sản lượng thuốc lá hợp pháp có thể sẽ giảm hơn 70% vào năm 2030 so với hiện tại, thuốc lá lậu có thể tăng lên 50 tỷ điếu vào năm 2030, thất thu từ thuốc lá lậu có thể lên đến 40.000 tỷ đồng vào năm 2030 so với mức 5.000-6.000 tỷ đồng hiện tại.

Hoạt động sản xuất kinh doanh cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, và rủi ro nhiều DN thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa tương tự như tại Malaysia, kéo theo việc làm của người lao động tại các nhà máy thuốc lá, nông dân ở các vùng trồng nguyên liệu và các nhà bán lẻ, bán buôn chịu tác động tiêu cực.

Theo 2 phương án của Bộ Tài chính, thuế TTĐB cho sản phẩm thuốc lá sẽ tăng thêm khoảng 200% sau 5 năm dẫn tới tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá tăng từ 36% (năm 2024) lên 59,4% (năm 2030) khiến việc tiêu thụ các mặt hàng này trở nên đắt hơn, dẫn đến giảm lượng sử dụng thuốc lá.

Tại hội thảo, các bên liên quan cũng đã đánh giá tác động của việc điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá thông qua mô hình phân tích của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính). Theo đó, ở cả 2 phương án tăng thuế của Bộ Tài chính, tổng lượng tiêu thụ thuốc lá sẽ giảm khoảng 7% vào năm 2030.

Sản lượng thuốc lá hợp pháp ở cả 2 phương án đều giảm mạnh vào năm 2030. Cụ thể, thuốc lá hợp pháp giảm 30% ở phương án 1 (tương đương giảm 28 tỷ điếu) và giảm 36% ở phương án 2 (khoảng 31 tỷ điếu) so với năm 2025 trước khi tăng thuế. Điều này sẽ gây ra thiệt hại nặng nề cho ngành thuốc lá, các DN có thể phá sản trong thời gian ngắn khi doanh thu sụt giảm khoảng 32-35%.

Ngược lại, lượng thuốc lá lậu sẽ tăng mạnh ở cả 2 phương án tăng thuế mà Bộ Tài chính đề xuất. Đến năm 2030, thuốc lá lậu có thể sẽ tăng 205% ở phương án 1 (khoảng 22 tỷ điếu) và tăng 230% ở phương án 2 (tương đương 24 tỷ điếu) so với 2025.

Sau 5 năm, sẽ có khoảng 350.000 việc làm bị ảnh hưởng nếu áp dụng phương án 1 và nếu tăng thuế theo phương án 2 của Bộ Tài chính sẽ gây tác động đến khoảng 400.000 việc làm.

Như vậy, từ phân tích các mô hình giả định ở 2 phương án tăng thuế theo đề xuất của Bộ Tài chính, sản lượng thuốc lá hợp pháp sẽ giảm mạnh và thuốc lá lậu tăng cao, gây thất thu lớn cho nguồn thu thuế do sản phẩm lậu và tăng rủi ro sức khỏe cho người dân vì thuốc lá lậu không được kiểm soát chất lượng cũng như không tuân thủ bất kỳ một tiêu chuẩn nào về hàm lượng tar, nicotine cũng như các chất cấm không được dùng trong sản phẩm thuốc lá điếu.

Trong khi đó, ngành thuốc lá hợp pháp cũng đóng góp không ít vào an sinh xã hội và nền kinh tế tại Việt Nam khi tạo ra khoảng 1,1 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp, bao gồm khoảng 10.000 nhân viên nhà sản xuất, 8.000 nhân viên nhà phân phối, 110.000 đến 120.000 nông dân trồng thuốc lá và khoảng 1 triệu điểm bán lẻ. Đối với ngân sách nhà nước, ngành cũng đóng góp 26.000 tỷ đồng trong năm 2023.

Những hệ lụy cần lường trước

Từ những phân tích trên cho thấy, người tiêu dùng và các DN sản xuất và kinh doanh thuốc lá tại Việt Nam là những đối tượng trực tiếp bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế TTĐB quá nhanh, đồng thời nguồn thu ngân sách Nhà nước cũng bị thất thoát đáng kể.

Vì vậy tại hội thảo, đại diện từ VTA và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc lá tại Việt Nam đã kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi chính sách thuế TTĐB.

 Các DN khuyến nghị thực hiện áp mức thuế TTĐB tuyệt đối ở mức vừa phải với lộ trình tăng thuế hợp lý đến năm 2030

Các DN khuyến nghị thực hiện áp mức thuế TTĐB tuyệt đối ở mức vừa phải với lộ trình tăng thuế hợp lý đến năm 2030

Ông Nguyễn Chí Nhân, Tổng thư ký VTA cùng các đại diện DN sản xuất, kinh doanh thuốc lá, đề xuất Bộ Tài chính sửa đổi chính sách thuế TTĐB bằng cách thực hiện áp mức thuế tuyệt đối ở mức vừa phải với lộ trình tăng thuế hợp lý đến năm 2030. Cụ thể, các đại diện đề xuất mức thuế tuyệt đối 1.000 đồng/bao 20 điếu vào năm 2026 và tăng 500 đồng/năm, hoặc 1.000 đồng/bao mỗi 2 năm vào những năm tiếp theo và đến năm 2030 là 3.000 đồng/bao.

Theo ông Nhân, phương án đề xuất trên nhằm tạo ra mức tăng thuế hợp lý, hỗ trợ DN thuốc lá hợp pháp có thời gian thích nghi và ổn định sản xuất, từ đó giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến việc làm của người lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Phương án này cũng giúp hạn chế tốc độ tăng trưởng của thuốc lá lậu, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng ngân sách bền vững trong dài hạn với mức thu ngân sách ước tính đạt khoảng 29.500-30.000 tỷ đồng vào năm 2030, tăng trưởng 7-9%/năm.

Như vậy, từ kinh nghiệm quốc tế cùng các kịch bản có thể xảy ra từ Viện Chiến lược và Chính sách tài chính và PwC Việt Nam cho thấy, đề xuất thuế TTĐB với thuốc lá của Bộ Tài chính sẽ đẩy giá bán thuốc lá hợp pháp tăng đột ngột, người tiêu dùng sẽ tìm đến nguồn hàng lậu vốn không chịu ảnh hưởng bởi thuế để thay thế.

Điều này khiến mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá của Chính phủ không thể thực hiện, gây thất thoát nguồn thu thuế của Nhà nước do hàng lậu; đồng thời khiến mặt trận phòng chống thuốc lá lậu trở nên thách thức và phức tạp hơn cũng như làm tăng rủi ro sức khỏe cho người hút thuốc do thuốc lá lậu không được kiểm soát chất lượng.

Hữu Phúc

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/tang-soc-thue-thuoc-la-giup-giam-ty-le-hut-thuoc-post115922.html