Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm chủ lực địa phương

Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ trưng bày các sản phẩm nông nghiệp do trung tâm sản xuất - Ảnh: THÁI HÀ

Bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch là một trong những khâu quan trọng của quy trình sản xuất nhằm giảm tổn thất, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, tăng tính cạnh tranh cho nông sản khi ra thị trường. Tuy nhiên hiện nay, công nghệ này chỉ dừng ở bước sơ chế và xuất bán thô, hạn chế sức cạnh tranh, khả năng tiêu thụ sản phẩm.

ThS Nguyễn Trọng Lực, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ (Sở KH-CN Phú Yên) cho biết, những năm qua, hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tỉnh ta đã thu được những thành tựu quan trọng giúp kinh tế nông nghiệp tăng trưởng, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực, tạo nguồn nguyên liệu cung cấp cho ngành chế biến. Năm 2017, mỗi hécta đất trồng trọt đạt bình quân 69,5 triệu đồng (gấp 1,5 lần so năm 2011), năm 2018 khoảng 72 triệu đồng/ha.

Đặc biệt, giá trị sản phẩm thu được bình quân trên mỗi hécta mặt nước nuôi trồng đạt 842 triệu đồng/ha (gấp 2,6 lần so năm 2011), gấp 4,1 lần so với bình quân cả nước. Giá trị xuất khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản ngày càng tăng, giữ vai trò thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, trong đó thủy sản là mặt hàng chủ lực xuất khẩu của tỉnh với kim ngạch năm 2018 đạt 57,1 triệu USD, chiếm tỉ trọng 39% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh gặp nhiều khó khăn do thời tiết biến đổi bất thường, những tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới chưa được phổ biến rộng rãi và ứng dụng có hiệu quả trong sản xuất nên năng suất không cao. Mức độ cơ giới hóa trong sản xuất vẫn còn thấp, chưa đồng đều giữa các khâu nên sản phẩm tạo ra chưa cạnh tranh được với thị trường.

Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, tỉ lệ tổn thất trung bình trong quá trình thu hoạch, chế biến, lưu trữ và vận chuyển nông sản ở Việt Nam hiện ở mức cao, từ 25-30%; thậm chí một số loại rau quả ở những thời điểm dư thừa, rớt giá tỉ lệ này có thể tăng lên 45%. Nguyên nhân chính là do năng lực quản lý, đầu tư và vận hành chuỗi cung ứng lạnh còn nhiều bất cập và thiếu tính đồng bộ.

Việc phát triển công nghệ chế biến nông sản vừa tác động tới sự phát triển của nông nghiệp, vừa tạo cầu nối giữa công nghiệp và nông nghiệp, là khâu đột phá để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp. Vì vậy, địa phương cần có chính sách mới khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ trong chế biến, bảo quản sau thu hoạch; hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ với quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng thị trường, phù hợp với đặc thù và lợi thế so sánh của các vùng miền; tăng cường nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật công nghệ mới trong chế biến, bảo quản sau thu hoạch, đặc biệt là nghiên cứu các mặt hàng giá trị gia tăng đối với các loại nông sản, thủy sản.

Hiện việc phát triển công nghệ bảo quản và chế biến sau thu hoạch đang ở một trong những điểm khởi đầu, chưa thực sự phát huy được vai trò và đóng góp vào nâng cao giá trị nông sản, đặc biệt là công nghệ bảo quản và chế biến sau thu hoạch của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn đang thiếu và yếu.

PGS.TS Phạm Anh Tuấn

AN NAM

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/228235/tang-suc-canh-tranh-cho-san-pham-chu-luc-dia-phuong.html