Tăng 'sức đề kháng' cho giới trẻ
Trong cuộc sống nhiều cám dỗ hiện nay, chỉ cần ít phút buông thả, các bạn trẻ có thể dễ dàng rơi vào vòng xoáy của tội phạm, tệ nạn xã hội (TNXH). Để góp phần tăng 'sức đề kháng' cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), thời gian qua, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã tích cực vào cuộc.
Gần đây, ĐVTN nhiều trường học trên địa bàn rất mong chờ những phiên tòa giả định do Tỉnh đoàn và các đơn vị tổ chức. Thực ra, phiên tòa giả định không phải là mô hình xa lạ đối với học sinh. Thế nhưng, nó vẫn có sức hút đặc biệt, nhất là qua công tác tổ chức chỉn chu của các cấp bộ đoàn.
Mới đây, các phiên tòa giả định do Tỉnh đoàn phối hợp tổ chức đã mang lại nhiều cảm xúc cho hơn 1.000 học sinh các trường: THPT Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa), THPT Đakrông (huyện Đakrông), THPT Nguyễn Huệ (thị xã Quảng Trị)... Tình huống pháp lý đặt ra trong các phiên tòa đều rất gần gũi. Vì thế, học sinh nào cũng hiểu, nếu không thận trọng, mình rất dễ sa vào TNXH và phải đứng trước vành móng ngựa.
Nếu như các phiên tòa giả định mang đến những phút trầm lắng, tác động sâu vào nhận thức nhiều học sinh thì hội thi “Rung chuông vàng” tuyên truyền về phòng, chống ma túy trong ĐVTN năm 2024 mang lại bầu không khí vui tươi, sôi nổi.
Giữa tháng 12/2024, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo Cơ quan Tỉnh đoàn phối hợp với Đoàn Trường THPT thị xã Quảng Trị tổ chức hội thi này. Tại chương trình, thành viên trong Ban tổ chức đã thông tin cho học sinh về thực trạng đáng buồn và những tác hại, hệ lụy của ma túy.
Đặc biệt, 100 đoàn viên Trường THPT thị xã Quảng Trị được lựa chọn tham gia trả lời 20 câu hỏi liên quan đến kiến thức phòng, chống ma túy, từ đó chọn ra người xuất sắc nhất.
Nói về trải nghiệm của mình, em Hoàng Thị Mai Lan, đoàn viên Chi đoàn 10A2, Đoàn Trường THPT thị xã Quảng Trị cho biết: “Qua cuộc thi, em và các bạn hiểu rõ hơn vai trò, vị trí của mình trong công tác phòng, chống ma túy. Em rất vui khi vượt qua các câu hỏi và được rung chuông vàng”.
Nhắc đến hiệu quả hai mô hình kể trên, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Nguyễn Quốc Toản thể hiện rõ niềm vui mừng. Mới đây, anh Toản cùng thành viên trong đoàn công tác đưa phiên tòa giả định đến Trường THPT Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Tín hiệu vui của mô hình đã giúp anh và các thành viên có thêm động lực để tổ chức những phiên tòa giả định tiếp theo.
“Các phiên tòa giả định và hội thi “Rung chuông vàng” là hai trong số nhiều hoạt động thực hiện Đề án Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2023 - 2026, định hướng đến năm 2030. Chúng tôi đã, đang và sẽ tích cực triển khai, nhân rộng các hoạt động này để góp phần giúp ĐVTN tăng “sức đề kháng”, tránh xa TNXH”, anh Toản nói.
Những năm qua, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã phối hợp với sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp nhằm kéo giảm tội phạm, đẩy lùi TNXH. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, nhiều vấn đề liên quan vẫn còn nảy sinh.
Vì một số lý do, hiện nay, một bộ phận thanh niên rơi vào vòng xoáy của TNXH. Tỉ lệ thanh niên sử dụng ma túy trên địa bàn vẫn còn cao. Do lầm đường, lạc lối, một số bạn trẻ đánh mất thiện lương. Đây là nỗi trăn trở của nhiều người, trong đó có các cán bộ đoàn.
Trước thực tế ấy, sự ra đời của Đề án Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2023 - 2026, định hướng đến năm 2030 nhận được nhiều kỳ vọng. Hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của đề án, ngay những ngày đầu, Tỉnh đoàn đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh trong việc tổ chức, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của đề án; theo dõi, phân tích, tổng hợp, đánh giá kết quả hằng năm; lập dự toán kinh phí đề án...
Phát huy vai trò của mình, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo tổ chức đoàn các cấp bám sát nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của đề án và phối hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng những chương trình, hoạt động phù hợp.
Từ thực tiễn triển khai phong trào, các cấp bộ đoàn nhận thức sâu sắc, để đẩy lùi tội phạm, TNXH, việc cần thiết là tăng “sức đề kháng” cho giới trẻ. Mỗi ĐVTN phải hiểu rõ tác hại của TNXH; nguyên nhân khiến một số người trẻ trượt dài, trở thành tội phạm; vai trò, vị trí của mình trong đẩy lùi cái xấu...
Để làm được nhiệm vụ ấy, điều cần thiết là phải xây dựng một lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, giáo dục. Vì thế, nhiều buổi tập huấn công tác tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, TNXH trong thanh thiếu niên đã được Tỉnh đoàn tổ chức. Từ đây, lực lượng tuyên truyền viên nòng cốt sớm hình thành. Sau tập huấn, nhiều cán bộ đoàn, đoàn viên đã bắt tay ngay vào nhiệm vụ.
Bên cạnh xây dựng lực lượng nòng cốt, thời gian qua, các cấp bộ đoàn trong tỉnh còn đa dạng hóa chương trình, hoạt động phòng, chống tội phạm, TNXH. Nhiều sản phẩm thông tin, tuyên truyền đã được xây dựng, đưa đến với ĐVTN. Số lượng các chương trình liên quan tới công tác phòng, chống tội phạm, TNXH như: phiên tòa giả định, hội thi “Rung chuông vàng”... ngày càng tăng. Phần lớn chương trình, hoạt động đều hướng vào thanh niên học đường - những người vẫn chưa có nhiều “sức đề kháng” trước TNXH. Nhiều cán bộ đoàn, đoàn viên tình nguyện về từng thôn bản, khu phố để tuyên truyền, vận động, giúp người trẻ tránh xa mọi cám dỗ. Đặc biệt, họ tích cực hỗ trợ thanh niên hoàn lương, thanh niên chậm tiến... trở về đường sáng.
Theo Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Nguyễn Quốc Toản, thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục phát huy sức trẻ trong phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Sắp đến, dự kiến Tỉnh đoàn sẽ tổ chức chương trình “Trải nghiệm để trưởng thành” tại Trại giam Nghĩa An nhằm nâng cao nhận thức cho thanh, thiếu niên có nguy cơ cao vi phạm pháp luật.
“Chúng tôi hy vọng những nỗ lực chung của tuổi trẻ Quảng Trị sẽ góp phần giúp ĐVTN tăng “sức đề kháng”, đẩy lùi TNXH. Từ đây, các bạn trẻ sẽ trở thành những nhân tố tích cực, cùng nhau xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn”, anh Toản nói.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/tang-suc-de-khang-cho-gioi-tre-190720.htm