Tăng sức hút du lịch vùng Đông Nam Bộ

Năm 2025 các địa phương có giải pháp tăng sức hút, giữ vững vị thế du lịch Đông Nam Bộ trên bản đồ du lịch cả nước.

Kết thúc năm 2024, lĩnh vực du lịch của vùng Đông Nam Bộ - khu vực kinh tế năng động của cả nước tiếp tục ghi nhận nhiều kết quả nổi bật. Phát huy kết quả đạt được, đồng thời nhìn rõ những “gam trầm” trong bức tranh sáng, năm 2025 các địa phương có giải pháp tăng sức hút, giữ vững vị thế du lịch Đông Nam Bộ trên bản đồ du lịch cả nước.
*Sản phẩm đa dạng, thể hiện dấu ấn riêng

Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động Tuần lễ Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 4 năm 2024. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động Tuần lễ Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 4 năm 2024. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Năm 2024, toàn vùng đón trên 73,7 triệu lượt du khách trong và ngoài nước. Trong đó, là điểm đón và chuyển khách sôi động, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh với thế mạnh sản phẩm đa dạng gắn liền với đặc điểm của đô thị sông nước phương Nam, hội tụ nhiều nét văn hóa giao thoa của cộng đồng các dân tộc tiếp tục có một năm đạt nhiều kết quả ấn tượng. Thành phố đã đón 38 triệu lượt du khách trong nước và khoảng 6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 20% so cùng kỳ năm 2023.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Thị Ngọc Hiếu, Ngành du lịch Thành phố thực hiện nhất quán định hướng xây dựng và phát triển đa dạng sản phẩm nhưng vẫn thể hiện bản sắc, dấu ấn riêng của điểm đến. Các sản phẩm thế mạnh của đô thị phương Nam sôi động như du lịch gắn với sự kiện - hội nghị, du lịch văn hóa, lịch sử, ẩm thực, du lịch đường thủy, du lịch y tế, du lịch sinh thái... tiếp tục được đẩy mạnh.

Cùng ở Đông Nam Bộ, với lợi thế phát triển mạnh nhiều loại hình, sản phẩm du lịch dịch vụ gắn với biển, đảo, di tích lịch sử văn hóa, du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục gặt hái kết quả cao trong năm 2024 với trên 16 triệu lượt du khách, doanh thu tăng trên 14% so với năm 2023. Các cơ sở lưu trú được đầu tư, số khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao ngày càng tăng, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, lưu trú của du khách, góp phần phát triển du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành điểm đến du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế.

Với tỉnh Đồng Nai, sớm đón đầu lợi thế phát triển du lịch, dịch vụ sau khi Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành dự kiến đi vào sử dụng năm 2026, du lịch Đồng Nai đang có bước chuyển mình tích cực, tăng trưởng tốt trong năm 2024.

Vườn Quốc gia Cát Tiên. Ảnh: Mytour

Vườn Quốc gia Cát Tiên. Ảnh: Mytour

Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai: Năm 2024 du lịch Đồng Nai đón trên 3,4 triệu lượt khách, doanh thu dịch vụ, du lịch tăng 41% so với năm 2023. Tỉnh đã thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn tại các điểm đến, như Khu du lịch Sơn Tiên đưa vào hoạt động khu công viên chuyên đề Sơn Tiên Amazing Word… Đặc biệt, năm 2024, một trong những điểm đến du lịch sinh thái gắn với bảo vệ rừng là điểm đến Vườn Quốc gia Cát Tiên nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã vinh dự đón nhận danh hiệu “Danh lục Xanh IUCN” do Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) công nhận, thể hiện tính đa dạng sinh học, bảo tồn hiệu quả các tài nguyên thiên nhiên.

*Chú trọng tính đặc sắc, tăng cường liên kết

Du khách đạp xe trải nghiệm không gian trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Du khách đạp xe trải nghiệm không gian trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Đối với phát triển du lịch, dịch vụ ở Đông Nam Bộ, một trong những nhiệm vụ trọng yếu trong thời gian tới được các địa phương quan tâm là hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đổi mới, phát triển mạnh các sản phẩm, dịch vụ thể hiện rõ tính đặc sắc, đạt chất lượng cao, tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút nhiều dòng du khách.

Theo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh: năm 2025 Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đón khoảng 8,5 triệu lượt khách quốc tế và 45 triệu lượt khách trong nước, tổng thu du lịch ước đạt 260.000 tỷ đồng.

Coi trọng phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ, thành phố tập trung huy động tối đa nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, đa dạng hóa các loại hình đầu tư. Trong đó, khuyến khích đầu tư theo mô hình hợp tác công - tư trong phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phát triển sản phẩm gắn liền với xúc tiến quảng bá du lịch.

Ngay trong những ngày cuối năm 2024, nhiều sản phẩm du lịch mới, xây dựng theo hướng liên kết đã được ra mắt. Ví dụ, tour du lịch “ Một góc Sài Gòn xanh” đưa du khách đến Quận 4, Quận 7, huyện Nhà Bè, tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh Thành phố Hồ Minh, đến di tích Cầu Mống, trải nghiệm hoạt động leo núi trong nhà tại Trung tâm thương mại Crescent Mall… . Hoặc chương trình tour liên quận qua các Quận 1- Quận 3 - Quận 10 với chủ đề “Biệt động Sài Gòn - Những căn hầm huyền thoại”, khám phá nhiều di tích lịch sử gắn với chiến công hào hùng của lực lượng các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn giai đoạn kháng chiến chống ngoại xâm.

“Biển” người tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1). Ảnh: Hồng Giang - TTXVN

“Biển” người tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1). Ảnh: Hồng Giang - TTXVN

Bên cạnh đó, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển nhiều sản phẩm du lịch đường thủy ở các tuyến đường thủy tầm ngắn, tầm trung và tầm xa. Trong đó, tập trung khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch ở điểm đầu và cuối các tuyến giao thông đường thủy; tổ chức nhiều dịch vụ thể thao trên và dưới nước, các chương trình nghệ thuật, thưởng thức ẩm thực phục vụ du khách.

Ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lên kế hoạch mở mới nhiều sản phẩm thuộc nhóm các sản phẩm du lịch thủy tầm xa (các chương trình du lịch từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh với chiều dài lớn hơn 60 km). Cụ thể, khai thác tuyến đường thủy xuất phát từ khu vực trung tâm Thành phố như cảng Sài Gòn, bến Bạch Đằng, bến Cầu Mống… đi các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, thành phố Cần Thơ và tuyến Châu Đốc (tỉnh An Giang) để kết nối qua Campuchia… Thành phố cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư, kết hợp nhiều tuyến, điểm liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành cùng khu vực Đông Nam Bộ hoặc Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhìn nhận thực tế du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu Tàu thuộc tốp đầu của vùng Đông Nam Bộ về phát triển du lịch với khoảng 15 - 16 triệu lượt khách/ năm. Song, du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn còn thiếu nhiều sản phẩm, dịch vụ vui chơi, giải trí, trải nghiệm để thu hút du khách lưu trú dài ngày. Vì vậy, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề ra nhiều giải pháp tăng cường khai thác sắc sản phẩm du lịch, các hoạt động trải nghiệm như các lễ hội, sự kiện, du lịch nghỉ dưỡng- chăm sóc sức khỏe, du lịch thể thao… theo hướng chuyên nghiệp, đặc sắc, hấp dẫn hơn với du khách.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh, tỉnh tập trung thực hiện các đột phá phát triển du lịch. Trong đó, tỉnh hình thành các đô thị du lịch với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, môi trường sống an toàn, trong lành, chất lượng vượt trội, định vị Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng xứng tầm quốc tế. Bà Rịa- Vũng Tàu nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết với các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ để xây dựng các tour liên kết vùng, hình thành nhiều chuỗi liên kết các sản phẩm, dịch vụ, trong đó có du lịch gắn với văn hóa, du lịch gắn sự kiện, du lịch gắn thể thao…

Với Đồng Nai, tỉnh phát huy lợi thế địa phương có vị trí quan trọng trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh, nối Nam Trung bộ, Nam Tây Nguyên với toàn bộ vùng Đông Nam bộ bởi nhiều tuyến giao thông huyết mạch. Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai thông tin: Với thông điệp “Du lịch Đồng Nai cất cánh cùng hàng không”, nắm bắt ưu thế Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành sẽ đi vào hoạt động từ năm 2026, Đồng Nai đẩy mạnh liên kết với các địa phương Đông Nam Bộ, các tỉnh khu vực Tây Nguyên và ngay các địa phương trong tỉnh, hình thành các chuỗi sản phẩm theo hướng “một cung đường, nhiều điểm đến”. Đồng Nai phấn đấu năm 2025 đón 4,2 triệu lượt du khách, đến năm 2030 đón khoảng 9 triệu lượt du khách trong và ngoài nước.

Thanh Trà/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tang-suc-hut-du-lich-vung-dong-nam-bo/358723.html