Tăng sức hút từ giáo dục di sản
Giáo dục di sản không chỉ phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa, mà còn góp phần tăng sức hấp dẫn cho các điểm đến tham quan của Hà Nội. Hướng đi này đang được nhiều bảo tàng, di tích lựa chọn, phát triển hành trình khám phá di sản mới mẻ, giàu sức sáng tạo, nhằm thu hút khách tham quan trong nước, nhất là trong thời điểm chưa đón khách du lịch quốc tế, do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Giáo dục di sản tại di tích Nhà tù Hỏa Lò ngày càng chứng tỏ tính hiệu quả, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ và được đông đảo du khách đón nhận. Ảnh: Khắc Nam
Khẳng định tính hiệu quả
Được đưa vào ứng dụng thực tế tại Hà Nội từ năm 2012, phương pháp giáo dục di sản đang ngày càng chứng tỏ tính hiệu quả, được đông đảo công chúng đón nhận cũng như được phổ biến rộng khắp tại nhiều bảo tàng, di tích trên địa bàn thành phố. Không ít điểm đến nổi tiếng của Thủ đô, như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò... đã tạo dựng được thương hiệu, bằng những hành trình khám phá di sản hấp dẫn đó.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang, trung tâm đã tổ chức các khu vực tương tác, trải nghiệm di sản phù hợp cho từng cấp học; xây dựng nhiều chuyên đề giáo dục di sản gắn với các dữ liệu lịch sử cụ thể, như: Tìm hiểu lịch sử các triều đại Lý, Trần, Lê..., nhằm tạo hứng thú tiếp nhận văn hóa, lịch sử một cách tự nhiên nhất. Chính vì vậy, năm 2018, trung tâm đón 3,9 nghìn lượt học sinh tham gia các chương trình giáo dục di sản; đến năm 2019, con số này đã tăng lên 19 nghìn lượt học sinh.
Còn theo Phó Trưởng ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Đặng Văn Biểu, các hình thức giáo dục di sản tại di tích được thay đổi thường xuyên, hướng tới nhiều đối tượng công chúng, với đa dạng hoạt động giao lưu, tương tác, nhằm khích lệ sự chủ động khám phá cũng như hỗ trợ rèn luyện các kỹ năng làm việc nhóm, quan sát, thuyết trình... ở từng đối tượng.
Đã nhiều năm hợp tác với một số bảo tàng, di tích trên địa bàn Thủ đô để đẩy mạnh giáo dục di sản cho học sinh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ (quận Đống Đa) Hoàng Thanh Thủy cho biết: "Sau các giờ tìm hiểu về di sản, học sinh được tham gia các hoạt động: Thi vẽ lại hiện vật; thử làm nhà khảo cổ; tọa đàm với chuyên gia, nhà sử học, nghệ nhân dân gian…, giúp các bài học lịch sử trở nên “mềm mại”, dễ tiếp thu hơn".
Còn em Nguyễn Hoàng Anh, học sinh lớp 5A, Trường liên cấp Ngôi sao Hà Nội (quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Sau khi nghe thuyết minh về di tích, chúng em được giao phiếu thực hành, tham gia các trò chơi dân gian có liên quan đến những điều vừa được học, khiến việc học lịch sử trở nên hấp dẫn, dễ nhớ hơn”.
Học sinh tham gia chương trình tìm hiểu lịch sử khoa cử tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Sức sống mới cho du lịch di sản
Nhằm tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, khuấy động thị trường du lịch di sản trong nước, nhất là trong thời điểm khách du lịch nước ngoài chưa thể tới Việt Nam do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều bảo tàng, di tích đã tăng cường đầu tư, làm mới chương trình giáo dục di sản.
Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, giáo dục di sản đã chứng tỏ được sự hấp dẫn trong thời gian qua từ sức lan tỏa mạnh mẽ cũng như sự ủng hộ của đông đảo công chúng. Chính vì vậy, sau thời gian các di tích tạm ngừng hoạt động để thực hiện giãn cách xã hội, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục di sản để phục vụ tốt hơn đối tượng khách tham quan trong nước, những người đã có những hiểu biết nhất định về di sản, cần có những hành trình trải nghiệm chuyên sâu hơn. “Các chương trình giáo dục di sản được trung tâm đặt nhiều kỳ vọng là hoạt động tìm hiểu lịch sử khoa cử, khám phá họa tiết trên bia tiến sĩ... cùng trải nghiệm in tranh qua mộc bản, mặc trang phục của trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa... thời xưa”, ông Lê Xuân Kiêu cho biết thêm.
Tương tự, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đang ấp ủ chương trình giáo dục di sản mới mang tên “Trạng nguyên thành Thăng Long”, trong đó tập trung xây dựng các hoạt động trải nghiệm, tương tác để tìm hiểu kiến thức văn hóa, lịch sử qua kỳ thi Đình - kỳ thi cao nhất trong hệ thống khoa cử thời xưa, được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long. Ngoài ra, chương trình giáo dục di sản “Chúng em làm khảo cổ” cũng được bổ sung những nội dung mới, nhằm gia tăng sức hấp dẫn, sau nhiều năm triển khai tại không gian di sản.
Còn Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò bắt tay với một số trường đại học trên địa bàn thành phố, khởi động chương trình giáo dục lịch sử Đảng thông qua hoạt động tìm hiểu tư liệu lịch sử về các hình thức đấu tranh của các đảng viên trung kiên trong nhà tù đế quốc... Tại Bảo tàng Hà Nội, cùng với hoạt động thi công trưng bày thường xuyên, đơn vị tiếp tục nghiên cứu, đầu tư cho các chương trình trải nghiệm lịch sử, văn hóa Thủ đô, thông qua hành trình khám phá các làng nghề truyền thống.
Đề cập đến sự nỗ lực tạo thêm “sức sống” cho các chương trình giáo dục di sản trong thời gian tới, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho rằng, các đơn vị cần tăng cường liên kết, phối hợp với các nhà trường để đưa ra chương trình, cách tổ chức phù hợp, hiệu quả, từng bước hình thành, lan tỏa tình yêu với giáo dục di sản. Còn theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa, Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý, giáo dục di sản cần có không gian trải nghiệm chuyên biệt để hoạt động hiệu quả; đồng thời có chính sách thu hút đội ngũ cộng tác viên và đào tạo cán bộ chuyên sâu về giáo dục di sản trong quá trình triển khai.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/968216/tang-suc-hut-tu-giao-duc-di-san