Tăng thêm quyền cho ngân hàng khi xử lý nợ xấu

Ngân hàng Nhà nước đề xuất quy định ngân hàng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà không cần thỏa thuận

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến rộng rãi về Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng. Trong đó, ngoài kế thừa các quy định của Nghị quyết 42, NHNN cũng đề xuất luật hóa và bổ sung một số quy định về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Hiện nay, Nghị quyết 42 quy định: “Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho TCTD có quyền thu giữ tài sản bảo đảm”.

NHNN đề xuất luật hóa và bổ sung một số quy định về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. (Ảnh minh họa: Int)

NHNN đề xuất luật hóa và bổ sung một số quy định về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. (Ảnh minh họa: Int)

Tuy nhiên, NHNN cho biết, các hợp đồng bảo đảm được ký kết trước thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực đều không quy định trực tiếp nội dung này. Do đó, để đủ điều kiện áp dụng quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định trên, các TCTD phải đàm phán lại với bên vay/bên bảo đảm để ký lại hợp đồng bảo đảm có điều khoản thu giữ. Tuy nhiên, khách hàng thường không hợp tác, vì vậy, các TCTD rất khó để thực hiện việc thu giữ TSBĐ.

Do đó, NHNN đề xuất giữ nguyên quy định hiện hành và bổ sung thêm nội dung về việc các hợp đồng bảo đảm được ký trước ngày Nghị quyết 42 có hiệu lực mà không có thỏa thuận này thì TCTD được thu giữ TSBĐ theo quy định tại Luật này.

Ngoài ra, NHNN cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định để giải quyết các vướng mắc liên quan thu giữ TSBĐ khác. Chẳng hạn đề xuất bổ sung quy định về việc trường hợp có các tài sản nằm trên, nằm trong TSBĐ nhưng không thuộc TSBĐ mà bên bảo đảm không di dời trong thời hạn công khai thông tin thì bên nhận bảo đảm có quyền thu giữ và xử lý đối với TSBĐ…

Theo NHNN, trên thực tế, thực hiện việc thu giữ TSBĐ phát sinh rất nhiều trường hợp có tài sản khác nằm trên hoặc nằm trong TSBĐ bị thu giữ của bên bảo đảm hoặc của bên thứ ba mà bên bảo đảm hoặc bên thứ ba không tự nguyện di dời.

Điều này dẫn đến TCTD, VAMC gặp nhiều khó khăn, phát sinh chi phí cho việc xử lý các tài sản này (thuê nơi trông giữ, hậu quả pháp lý của việc hao mòn, thiệt hại tài sản trong quá trình trông giữ, xử lý tranh chấp...). Thậm chí, vì các tài sản này mà TCTD không thể thu giữ được TSBĐ.

Bên cạnh đó, NHNN đề xuất, mở rộng phạm vi khoản nợ xấu được áp dụng các cơ chế xử lý tại Nghị quyết 42 đối với cả các khoản nợ xấu phát sinh từ thời điểm 15/8/2017 trở về sau. Đồng thời, bổ sung Công ty TNHH một thành viên Mua bán nợ Việt Nam (DATC) được mua bán nợ xấu ngân hàng nhằm góp phần mở rộng chủ thể mua bán nợ xấu, làm sôi động thêm thị trường mua bán nợ, đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, TCTD có thêm chủ thể lựa chọn bán khoản nợ xấu sẽ giúp việc bán nợ xấu được hiệu quả hơn.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/tang-them-quyen-cho-ngan-hang-khi-xu-ly-no-xau-1089025.html