Tăng thời gian hoạt động thể lực của học sinh
Tại buổi sơ kết một năm thực hiện Đề án 'Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên' mới đây tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin Việt Nam đang phải đương đầu với gánh nặng kép.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi ở trẻ em ở mức cao, đặc biệt là ở khu vực khó khăn. Trong khi đó, tình trạng ăn uống bất hợp lý, ăn thừa năng lượng thiếu dinh dưỡng khiến tỷ lệ trẻ em ở khu vực thành thị bị thừa cân, béo phì gia tăng.
Thực trạng lo lắng
Những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân như tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm nhanh và bền vững (suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 30,1% năm 2000 xuống còn 14,1% năm 2015 và năm 2016 tỷ lệ SDD nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi là 13,8%). Tuy vậy, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức như: tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm giảm 1%, nhưng vẫn còn ở mức cao (24,3% năm 2016) và có sự chênh lệch giữa các vùng nhất là vùng núi, vùng khó khăn và nông thôn với thành phố, đồng bằng.
Suy dinh dưỡng thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng là những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao thấp ở thanh niên Việt Nam. Ngoài ra, thiếu vi chất dinh dưỡng còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tới sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em và khả năng sinh sản cũng như năng suất lao động của người lớn.
Chiều cao của cả nam giới và nữ giới Việt Nam tăng rất ít trong nhiều năm qua và hiện nay đang thấp hơn chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi của đa số các nước trong khu vực châu Á. Từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ tăng thêm được 3 cm và hiện đạt 164 cm ở nam và 153 cm ở nữ, còn cách rất xa so với mục tiêu đã đặt ra.
Về vấn đề này, theo PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh- Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam học sinh tuổi học đường đang chịu gánh nặng kép về suy dinh dưỡng thấp còi và thừa cân béo phì. Thiếu vitamin A, thiếu máu do thiếu sắt, thiếu kẽm, thiếu iode rất phổ biến ở trẻ em học đường, là những yếu tố nguy cơ liên quan với tăng trưởng chiều cao chậm, suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ học đường, trẻ vị thành niên cũng như người trưởng thành Việt Nam.
Tăng cường dinh dưỡng và hoạt động thể lực
Bác sĩ Phạm Thị Quỳnh Nga (đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam) cho rằng Bộ GDĐT cần nhiều hành động mạnh mẽ hơn nhằm cải thiện sức khỏe cho học sinh, trong đó tăng thời lượng hoạt động thể lực cho các em trong trường học chứ không chỉ ngoại khóa. Bởi theo một khảo sát, chỉ hơn 19% học sinh từ 13 đến 17 tuổi tham gia vận động đủ 60 phút mỗi ngày và năm ngày mỗi tuần. Theo bà Nga, hiện, các hoạt động thể dục thể thao trong trường học đã cải thiện lớn về chất lượng, giúp học sinh hứng thú hơn.
Cũng theo bà Nga, Bộ GDĐT, Bộ Y tế cần làm tốt việc hướng dẫn, truyền thông giáo dục tới học sinh và cả phụ huynh, ví dụ tuyên truyền để học sinh không uống nước ngọt nhiều, ăn nhiều rau, trái cây thay vì những đồ ăn chứa nhiều đường và muối. Những trường thực hiện bữa ăn học đường cũng cần chú ý đến điều này để tạo thói quen ăn uống cho học sinh.
TS Bùi Thị Nhung (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho rằng việc giáo dục cho trẻ em lối sống lành mạnh và giáo dục thể chất qua các kênh rất quan trọng. Bà Nhung lấy ví dụ Nhật Bản, nhờ chương trình bữa ăn học đường và luật giáo dục dinh dưỡng, trẻ em ở Nhật có lối sống năng động, lành mạnh. Người Nhật sống thọ cũng nhờ lối sống lành mạnh từ nhỏ. Vì vậy, Bộ GDĐT cần chú trọng vấn đề này.
Hiện Việt Nam triển khai phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng nhưng ở các vùng khó khăn, với mức thu chỉ 10 đến 15 nghìn đồng mỗi bữa, theo bà Nhung, rất khó để thực hiện một bữa ăn đủ năng lượng cơ bản chứ chưa nói gì đến dinh dưỡng. Hơn nữa, ở nhiều trường tiểu học, nhân viên nhà bếp không được tập huấn kỹ năng tốt, cơ sở nhà bếp chưa hoàn thiện. Nếu không khắc phục những điểm này, học sinh khó có được những bữa ăn an toàn. Mặt khác, thừa cân, béo phì cũng liên quan đến những thực phẩm không lành mạnh nên cần có chính sách cấm tiếp thị, quảng cáo sản phẩm không tốt cho sức khỏe ở trong căng tin trường học hay những khu vực quanh trường, ví dụ đồ chiên rán được bán tràn lan ở các cổng trường.
Trên thực tế nhiều trường học hiện tổ chức ăn bán trú nhưng thực tế không biết thế nào là đúng và đủ, công tác giáo dục thể chất còn lạc hậu, phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển của học sinh, sinh viên. Vì vậy, TS Bùi Thị Nhung cho rằng cần xây dựng thực đơn phù hợp trong các nhà trường và cải tiến chương trình học thể chất.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng để nâng cao sức khỏe, học sinh cần được ngủ đủ giấc, ăn đủ dinh dưỡng, tăng cường vận động đặc biệt là các môn giúp tăng chiều cao. Bộ trưởng Bộ GDĐT cũng mong muốn Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn về dinh dưỡng đối với bữa ăn học đường, có thực đơn phù hợp với từng vùng miền, lứa tuổi; Bộ VHTTDL phối hợp xây dựng, ban hành định mức, tiêu chuẩn của chế độ thể lực phù hợp, xây dựng tài liệu hướng dẫn các bài tập nâng cao sức khỏe cho trẻ em, học sinh.
Ngày 8/1/2019, Thủ tướng ký phê duyệt đề án Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018-2025. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 80% học sinh, 50% phụ huynh hiểu được lợi ích dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực đối với việc phòng chống các bệnh không lây nhiễm; ít nhất 90% cơ sở giáo dục tổ chức bữa trưa bán trú; 100% trường mầm non, phổ thông theo dõi, đánh giá tình trạng dinh dưỡng của học sinh; 100% thực hiện đầy đủ quy định về hoạt động thể lực, phấn đấu mỗi học sinh, sinh viên hoạt động thể lực 60 phút một ngày.