Tăng thu nhập từ chanh bông tím

Tiên phong trong việc đưa chanh bông tím về trồng ở địa phương, hiện nay anh Triệu Văn Tự (SN 1991), dân tộc Tày ở ấp Tân Nghĩa, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp đã có nguồn thu ổn định từ loại cây trồng này. Chanh bông tím không phải là giống cây trồng mới nhưng lại là loại cây mới được trồng trên địa bàn huyện Bù Đốp.

KHÔNG LÀM THEO PHONG TRÀO

Với lợi thế là kỹ sư nông nghiệp, luôn chủ động học hỏi từ các mô hình thực tế của những người đi trước, anh Tự đã tìm hiểu giống cây chanh bông tím để phát triển kinh tế gia đình. Theo anh, đây là giống chanh được thị trường ưa chuộng, trong khi ở địa phương chưa có người trồng loại chanh này mà đa số phải nhập từ các tỉnh miền Tây lên, hoặc trồng theo phong trào nên hiệu quả không cao. Vì thế, qua tìm hiểu, anh nhận thấy trồng chanh bông tím phù hợp với nguồn lực của gia đình và điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương nên quyết tâm đưa giống cây này về phát triển.

Anh Triệu Văn Tự chia sẻ cách chăm sóc và phòng bệnh trên cây chanh bông tím

Anh Triệu Văn Tự chia sẻ cách chăm sóc và phòng bệnh trên cây chanh bông tím

Năm 2020, anh Tự bắt đầu trồng thử nghiệm giống chanh bông tím. Mặc dù đã học hỏi, trải nghiệm từ những vườn trồng lớn nhưng khi áp dụng vào thực tiễn, anh cũng gặp nhiều khó khăn. Sau thời gian kiên trì theo đuổi, anh đã rút kinh nghiệm, khắc phục được những hạn chế của cây trên vùng đất mới và bắt đầu nhân rộng mô hình.

Hiện anh Tự trồng hơn 400 cây chanh bông tím trên diện tích 0,4 ha. Chanh bông tím trồng khoảng 18 tháng là có thể thu hoạch nhưng để cây khỏe, năm thứ 3, anh mới bắt đầu thu hoạch trái. Vụ đầu tiên, anh thu hơn 4 tấn chanh với giá bán 12 ngàn đồng/kg và dự kiến vụ thứ 2 thu khoảng 13-14 tấn nếu chăm sóc tốt. Anh Tự cho biết: Chanh là loại cây gia vị, vào những tháng mùa khô, nhu cầu của người tiêu dùng nhiều nên giá bán cao. Vì vậy, tôi cố gắng xử lý ra bông tập trung để thu hoạch trái trúng vụ. Để chanh bông tím ra trái theo mùa một cách tự nhiên, người trồng phải biết kỹ thuật, đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp, đúng lượng, đúng thời điểm.

Anh Tự nhấn mạnh: Muốn cây phát triển tốt phải xử lý từ giai đoạn trồng, trồng thẳng hoặc trồng nghiêng tùy địa hình mỗi vùng. Tuy nhiên, giai đoạn kiến thiết cơ bản làm cành chính, cành phụ rất quan trọng. Đặc biệt, từ giai đoạn cây non, nếu làm không đúng kỹ thuật sẽ không đạt hiệu quả sau này.

HƯỚNG ĐẾN TRỒNG CHANH HỮU CƠ

Để giảm chi phí đầu tư, anh Tự chủ động ủ cá và phân chuồng tưới, bón cho cây. Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất, vườn chanh bông tím của gia đình anh phát triển xanh tốt, tán rộng và ra bông sum suê. Anh Tự cho biết: Ưu điểm nổi trội của chanh bông tím là thời gian thu hoạch ngắn, giá bán ổn định, kinh phí đầu tư thấp và ít tốn nhân công chăm sóc. Sau 3 năm trồng, tôi chỉ mới chi khoảng 60 triệu đồng để mua giống, đầu tư hệ thống tưới nước, tưới phân tự động. Làm nông nghiệp phải biết tận dụng phụ phẩm, phế phẩm tại vườn để ủ làm phân hữu cơ, bón theo định kỳ. Điều này vừa tiết kiệm chi phí vừa nâng cao chất lượng nông sản.

Anh Triệu Văn Tự tiên phong trong việc đưa chanh bông tím về trồng ở xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp. Hiện gia đình anh đã có nguồn thu ổn định từ loại cây trồng này

Anh Triệu Văn Tự tiên phong trong việc đưa chanh bông tím về trồng ở xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp. Hiện gia đình anh đã có nguồn thu ổn định từ loại cây trồng này

Hiệu quả từ mô hình đem lại, đến nay, anh Tự đã chuyển giao thành công cho 2 hộ dân ở địa phương làm theo. Ngoài cung ứng cây giống ghép, anh Tự còn hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ dân và hướng dẫn cách ủ cá để tưới cây. Sau hơn 1 năm được chuyển giao trồng chanh bông tím, vườn chanh của hộ ông Võ Huy Hùng ở ấp Tân Bình, xã Tân Tiến đã phát triển xanh tốt và có những trái bói đầu tiên. Tuy nhiên, ông Hùng vẫn dưỡng cây để chuẩn bị cho mùa vụ sau. “Vườn chanh chưa thu hoạch nên không biết lợi nhuận thế nào, nhưng nhìn cây phát triển xanh tốt, tôi rất vui. Từ cây giống đến phân bón, kỹ thuật chăm sóc đều do anh Tự hướng dẫn nên cây phát triển tốt. Hứa hẹn vụ chanh tới sẽ bội thu!” - ông Hùng chia sẻ.

Đây là một trong những mô hình được Đoàn thanh niên xã chọn để các bạn trẻ tham quan, học tập kinh nghiệm. Mô hình này tuy mới nhưng khá hiệu quả nên Đoàn thanh niên xã hướng đoàn viên, hội viên thanh niên phát triển kinh tế gia đình trong thời gian tới.

Chị ĐÀM THỊ HOÀI, Phó Bí thư Đoàn xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp

Vườn chanh bông tím của gia đình ông Hùng cải tạo từ vườn tiêu già, kém năng suất. Ngoài trồng chanh lấy ngắn nuôi dài, gia đình ông còn xen canh ươm cây cao su giống để tăng thu nhập.

So với các loại chanh không hạt hay chanh giấy thì chanh bông tím cho trái quanh năm; cây lớn nhanh, năng suất cao hơn các giống chanh khác và tuổi thọ cao. Đặc biệt, chanh bông tím ít sâu bệnh. Vào mùa khô, cây thường gặp các bệnh do nhện đỏ, sâu vẽ bùa, xì mủ và bị ghẻ gây hại vào mùa mưa. Do đó, người trồng cần chú ý khâu phòng bệnh để cây đạt năng suất cao. Là mô hình mới có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên các hộ dân cần xem xét, nghiên cứu kỹ trước khi áp dụng, tránh trường hợp chặt - trồng, trồng - chặt, được giá - mất mùa, được mùa - mất giá.

Tuệ Lâm

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/5/140735/tang-thu-nhap-tu-chanh-bong-tim