Tăng thuế đồ uống: Chuyên gia lo ngại hàng trôi nổi trục lợi

Theo các chuyên gia, việc đánh thuế đồ uống cần đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước nhưng không được khiến doanh nghiệp lâm vào tình trạng khốn cùng; cần đảm bảo cân bằng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người nộp thuế...

Ngày 8/8/2024, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức hội thảo “Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống”. Hội thảo được tổ chức nhằm ghi nhận và phản ánh ý kiến góp ý cho dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, vào tháng 10/2024 và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, tháng 5/2025.

(Ảnh minh họa: Internet)

(Ảnh minh họa: Internet)

Doanh nghiệp đã khó lại khó hơn

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, dư luận đang rất quan tâm đến đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cao theo 2 phương án mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đối với mặt hàng rượu, bia; và việc mở rộng việc áp thuế với mặt hàng nước giải khát có đường. Các đề xuất này không chỉ có tác động lớn, trực tiếp tới các doanh nghiệp ngành hàng sản xuất, kinh doanh rượu, bia, nước giải khát, mà còn tác động tới chuỗi ngành hàng liên quan, tới lao động, an sinh xã hội…

Ngành đồ uống đóng góp rất lớn cho ngân sách nhà nước, khoảng gần 60 ngàn tỷ/năm. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành đã gặp rất nhiều khó khăn do Covid, các cuộc xung đột trên thế giới, các chính sách hạn chế… khiến các chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp trong ngành đều giảm sút từ một tới hai con số. Các doanh nghiệp phải tính tới tái cấu trúc, thu hẹp sản xuất, đóng cửa nhà máy, cắt giảm lao động…

 Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA.

Theo Chủ tịch VBA, Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được Bộ Tài Chính chủ trì soạn thảo và đang lấy ý kiến đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cao đối với rượu, bia và bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là một cú sốc đối với các doanh nghiệp trong ngành. Doanh nghiệp đã đang khó lại còn khó hơn.

Tác động gây thừa cân béo phì, bệnh không lây nhiễm… đối với mặt hàng nước giải khát có đường hiện nay đang còn rất nhiều tranh luận về các bằng chứng khoa học. Do đó, chưa nên bổ sung mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong giai đoạn này.

Chủ tịch VBA cũng kiến nghị dự thảo cần xem xét, đánh giá cẩn trọng và có lộ trình, xem xét lùi thời điểm áp dụng, giãn tiến độ và giảm mức tăng thuế suất đối với ngành rượu, bia trên cơ sở đánh giá toàn diện các tác động trong điều kiện thực tế ở Việt Nam.

Cân nhắc kỹ tác động

Tại hội thảo, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV phân tích, lợi nhuận bình quân toàn ngành đồ uống liên tục giảm (năm 2021 giảm 12%, năm 2022 giảm 6%, năm 2023 ước giảm 10-12% so với năm trước). Với tác động của luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi có thể tăng thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, nhưng về trung và dài hạn sẽ làm giảm sức cầu tiêu dùng, giảm doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp, qua đó giảm thu thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, tác động tăng hay giảm thu thuế cho ngân sách là chưa rõ ràng.

Đồng tình với ông Cấn Văn Lực, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) cũng cho rằng, việc điều chỉnh tăng thuế suất các mặt hàng rượu bia cần hướng đến chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hài hòa các mục tiêu và phù hợp bối cảnh cụ thể. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cao, liên tục, có thể không mang lại hiệu quả cao như mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt đề ra.

Việc tăng thuế làm tăng giá bán, có thể hạn chế sản xuất rượu bia, tuy nhiên chưa hẳn đã đạt được mục tiêu giảm tiêu dùng mặt hàng rượu bia, do thực tế việc tăng thuế cao có thể dẫn đến hàng nhập lậu tăng, người tiêu dùng có thu nhập phân khúc cao chuyển sang uống rượu, bia nhập.

Bà Cúc đề xuất, cần cân nhắc nghiên cứu kỹ về tác động tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế cao, nhanh đến thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng và sức khỏe cộng đồng. Nên xem xét phương án giãn thời gian tăng thuế suất có lộ trình để các doanh nghiệp có điều kiện xây dựng phương án, chuyển đổi sản xuất kinh doanh, không bị xáo trộn quá lớn. Ví dụ năm đầu tăng thuế suất 5%, các năm tiếp theo thuế suất sẽ tăng theo lộ trình vài năm thay vì 1 năm.

Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) cho rằng việc tăng thuế sẽ là tin vui cho người kinh doanh sản xuất đồ uống bất hợp pháp bởi doanh thu, lợi nhuận thị trường này sẽ tăng vọt.

Các sản phẩm rượu bia sản xuất hợp pháp sẽ tăng giá rất cao khi tiếp tục tăng thuế và tuân thủ nhiều quy định như các luật thuế, luật phòng chống tác hại rượu bia, môi trường, tiêu chuẩn chất lượng, quảng cáo và tiếp thị. Trong khi đó đồ uống bất hợp pháp không phải tuân thủ các quy định này, nên việc áp thuế càng tạo thuận lợi cho sản phẩm kém chất lượng, hàng giả hàng lậu trà trộn vào thị trường.

Đáng chú ý, hiện nay, do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, các vụ việc kiểm tra, kiểm soát phát hiện vi phạm, xử phạt liên quan đến sản phẩm đồ uống kém chất lượng còn hạn chế.

Ông Đậu Anh Tuấn - phó Tổng thư ký kiêm trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng, các sắc thuế đưa ra cần có lộ trình phù hợp, đảm bảo môi trường ổn định cho hoạt động kinh doanh. Chính sách cần dựa trên lập luận có căn cứ khoa học với cái nhìn tổng quan. Mục tiêu áp thuế là tăng thu ngân sách, nhưng sức khỏe của người dân và việc làm, cạnh tranh các ngành hàng thế nào...

 Các chuyên gia thảo luận về đánh thuế đồ uống.

Các chuyên gia thảo luận về đánh thuế đồ uống.

Chưa phù hợp với bối cảnh Việt Nam hiện nay

Bộ Tài chính mới đây đã gửi Bộ Tư pháp hồ sơ thẩm định dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Trong đó, đáng chú ý là vấn đề cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt với các sản phẩm bia, rượu.

Đáng chú ý, đề xuất cách tính thuế hỗn hợp trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt của hãng bia Heineken được Bộ Tài chính khẳng định là chưa phù hợp với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Theo Bộ Tài chính, đối với mặt hàng bia, chỉ có duy nhất một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bia cao cấp, cấp giá cao đề nghị nghiên cứu xem xét áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp hỗn hợp đó là Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt nam.

Sabeco, Habeco và hơn 20 doanh nghiệp sản xuất bia, rượu đề nghị không áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp mà tiếp tục áp dụng phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm trên giá bán ra của nhà sản xuất và nhập khẩu như hiện nay. Nguyên do đặc thù thị trường bia trong nước với 80% thị phần tiêu thụ là phổ thông và bia địa phương giá thấp trong khi có sự chênh lệch lớn về giá bán giữa sản phẩm cao cấp, cận cao cấp và sản phẩm phổ thông.

Theo thông lệ quốc tế, các nước phát triển thường áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt tuyệt đối hoặc thuế hỗn hợp với mặt hàng đồ uống có cồn, bia, rượu vì giá bán và chất lượng tương đồng, ít sự khác biệt; các nước đang phát triển thường áp dụng thu thuế theo tỷ lệ phần trăm trên giá bán đối với mặt hàng này vì giá bán có sự chênh lệch rất lớn giữa rượu, bia phổ thông, địa phương giá thấp với cao cấp.

TS Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) cho rằng, tính thuế tương đối, tuyệt đối hay hỗn hợp đều có những ưu, nhược điểm nhất định. Nhà nước nên có những nghiên cứu kỹ lưỡng về những điều kiện cần và đủ, phân tích rõ và đánh giá bài toán lợi ích và chi phí… trên cơ sở đó mà đề xuất áp dụng phương pháp tính thuế phù hợp nhất trong từng giai đoạn phát triển.

TS Nguyễn Văn Phụng cho rằng trong điều kiện hiện nay, chúng ta áp thuế theo phương án hỗn hợp là chưa phù hợp. Nếu thay đổi phương pháp tính thuế mà gây nên sự xáo trộn, mang lại thu nhập nhãn hàng Việt Nam ít đi, nhãn hàng nước ngoài lại cao lên thì phải hết sức cân nhắc.

Hiện nay, các nước phát triển thường áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt tuyệt đối hoặc thuế hỗn hợp với mặt hàng đồ uống có cồn, bia, rượu vì giá bán và chất lượng tương đồng, ít sự khác biệt; các nước đang phát triển thường áp dụng thu thuế theo tỷ lệ phần trăm trên giá bán đối với mặt hàng này vì giá bán có sự chênh lệch rất lớn giữa rượu, bia phổ thông, địa phương giá thấp với cao cấp.

Trong hồ sơ thẩm định dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) gửi Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính cũng khẳng định, phương thức tính thuế hỗn hợp hay bổ sung thuế tuyệt đối đối với mặt hàng rượu, bia là chưa phù hợp trong điều kiện của Việt Nam hiện nay.

Đức Vinh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/tang-thue-do-uong-chuyen-gia-lo-ngai-hang-troi-noi-truc-loi-2019356.html