Tăng thuế thuốc lá để giảm tỷ lệ người hút thuốc
Một trong những cách hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu này đến năm 2030 giảm 30% số người hút so với tỷ lệ của năm 2015 là tăng giá thuốc lá thông qua việc tăng thuế thuốc lá.
Giá thuốc lá ở Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trên thế giới
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế, tỷ lệ thuế thuốc lá trên giá bán lẻ của các nước trong khu vực cao hơn so với Việt Nam. Thuế tiêu thụ đặc biệt trên giá bán lẻ của Việt Nam là 38,8%, trong khi đó ở Malaysia là 58,60%, Singapore là 67,50% và Thái Lan là 78,60%. Tỷ lệ này ở các nước phát triển là 67,9%, còn trung bình toàn cầu là 61.5%.
Theo khuyến cáo của WHO, để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá cần phải ở mức 70% đến 75% giá bán lẻ.
Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế
Bà Hương cho hay, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và mức giảm ở trên vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2020, đó là giảm sử dụng thuốc lá ở nam giới xuống còn 39%.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu của việc tỷ lệ hút thuốc lá còn cao và giảm chậm là do thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp. Giá thuốc lá rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo.
“Giá thuốc lá ở Việt Nam đứng thứ 157 trên tổng số 161 quốc gia có số liệu báo cáo năm 2020. Chúng tôi làm cuộc khảo sát với những người hút thuốc lá thì cho thấy, 80% người hút đồng ý tăng thuế để giảm nhu cầu sử dụng. Chúng ta cần có chính sách tác động tới hành vi hút thuốc của mọi người để làm giảm tỷ lệ hút thuốc”, bà Hương cho hay.
Tăng thuế thuốc lá
Để giảm thiểu tình trạng sử dụng thuốc lá tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Hương đề xuất ủng hộ tăng thuế thuốc lá, cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ, truyền thông rộng rãi đến người dân qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Trong đó, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật Quảng cáo; Luật Thương mại đã quy định rõ cấm quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng với mọi hình thức.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho hay, thuốc lá gây ra hơn 8 triệu ca tử vong mỗi năm, trong đó có 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động. Hệ lụy từ thuốc lá chiếm khoảng 14% số tử vong hằng năm trên toàn cầu (7 người tử vong thì 1 người là do thuốc lá).
Theo WHO, việc giá tăng lên 10% sẽ giảm tiêu thụ thuốc lá ở các nước thu nhập là 4% và 5% ở các nước thu nhập thấp hoặc trung bình.
Trong khi thuế tiêu thụ đặc biệt trên giá bán lẻ của Việt Nam là 38,8%, theo khuyến cáo của WHO, để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, cần đạt mức 70-75% giá bán lẻ. Việt Nam cũng nên bổ sung thuế tuyệt đối để giảm bớt sự sẵn có của thuốc lá giá rẻ, hạn chế việc thanh thiếu niên dễ dàng tiếp cận và bắt đầu hút thuốc.
Theo đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, Việt Nam cần phải có những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa để có thể đạt được mục tiêu đến năm 2030 giảm 30% số người hút so tỷ lệ của năm 2015, như đã đề ra trong Chương trình Sức khỏe Việt Nam. Một trong những cách hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu này là tăng giá thuốc lá thông qua việc tăng thuế thuốc lá.
Theo bà Trần Thị Tuyết, Trưởng phòng Chính sách thuế Giá trị gia tăng và Tiêu thụ đặc biệt (Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính), định hướng chung trong chỉ đạo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt thời gian tới là sẽ tăng thuế đối với rượu, bia, thuốc lá, đồ uống có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam nhằm hạn chế tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khỏe.
“Trong giai đoạn 2008-2019, chúng ta đã 3 lần sửa thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, nhưng mức thuế theo đánh giá vẫn còn thấp (tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ chỉ chiếm khoảng 38,85%).
Do vậy, để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng thuốc lá, Bộ Tài chính xét thấy cần thay đổi chính sách thuế thuốc lá theo hướng: Bổ sung thuế tuyệt đối (chuyển sang hệ thống hỗn hợp) với mức đủ lớn; tăng thuế theo một lộ trình để giá thuốc theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 75% giá bán lẻ, góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá như khuyến cáo của WHO và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực y tế công cộng, cũng như định hướng của Đảng và Nhà nước”, bà Tuyết cho hay.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tang-thue-thuoc-la-de-giam-ty-le-nguoi-hut-thuoc-post754815.html