Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn: Cần nghiên cứu thật kỹ

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tác động thay đổi đến hành vi sản xuất, tiêu dùng, quan hệ cung-cầu trong xã hội, vì vậy cần phải nghiên cứu thật kỹ.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia, rượu. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phụng - nguyên Vụ trưởng quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) bên lề Hội thảo "Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp" diễn ra mới đây.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia, rượu. Ảnh: ST

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia, rượu. Ảnh: ST

Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng bia, rượu, quan điểm của ông về việc này như thế nào?

Tôi đã nghiên cứu kỹ về Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt do Bộ Tài chính trình lên Chính phủ tại Tờ trình số 178 ngày 24/7/2024. Đứng trên quan điểm toàn diện, quan điểm của người dân và nhà nghiên cứu, tôi thấy dự thảo có một số tiến bộ so với trước đây.

Dự thảo đã tiếp thu ý kiến của công luận, chưa áp dụng ngay phương pháp hỗn hợp, phương pháp tuyệt đối. Bởi ở Việt Nam, nếu chúng ta áp dụng ngay phương pháp tuyệt đối hoặc phương pháp hỗn hợp thì sẽ gây nên “cú sốc” và thiệt hại cho doanh nghiệp và cho chính người tiêu dùng vì đại bộ phận chúng ta thu nhập trung bình, không đủ tài chính để tiêu thụ phân khúc giá triệu đồng 1 chai rượu, trăm ngàn đồng một chai bia, chúng ta chỉ có thể tiêu thụ sản phẩm ở mức vừa phải.

Ví dụ như 15.000- 20.000 đồng một chai bia là hợp lý, chai rượu có giá khoảng một trăm nghìn, đảm bảo tiêu chuẩn Việt Nam là được. Vậy nên việc áp thuế theo tỉ lệ phần trăm là hợp lý, tôi đánh giá rất cao tiếp thu của ban soạn thảo.

Ông Nguyễn Văn Phụng - nguyên Vụ trưởng quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Bộ Tài chính). Ảnh: NH

Ông Nguyễn Văn Phụng - nguyên Vụ trưởng quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Bộ Tài chính). Ảnh: NH

Ông đánh giá như thế nào về 2 phương án tăng thuế mà Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đang đưa ra với đồ uống có cồn?

Sử dụng số liệu nghiên cứu tôi thấy, chúng ta luôn luôn đặt vấn đề tăng thuế để tăng giá bán sản phẩm, thông qua đó thay đổi hành vi của người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cũng như trật tự an toàn xã hội. Mục tiêu như vậy, nhưng tôi dùng con số kế toán để thống kê thì giai đoạn 2003- 2005, sức tiêu dùng đồ uống có cồn trên đầu người là 3,8 lít/người/năm, nhưng đến giai đoạn từ 2015-2016 là 8,3 lít/người/năm.

Trong khi đó, thuế bia trước đây là 45% ở giai đoạn 2010-2012 và tăng lên 50% từ năm 2013; 55% từ năm 2016; 60% từ năm 2017; 65% từ năm 2018 đến nay và tiếp tục tăng thêm. Thuế tăng liên tục trong suốt 10 năm nay, nhưng xét theo số liệu tiêu dùng bình quân đầu người tăng hơn 2 lần và đặc biệt là tác động nghịch của rượu bia, tỉ lệ người lạm dụng rượu bia có hành vi bạo hành năm 2010 chỉ chiếm 1,4% dân số, nhưng đáng báo động là năm 2016 tỉ lệ này đã tăng lên đến 14,4%, gấp 10 lần.

Thuế tăng 5% mỗi năm nhưng hành vi bạo lực tăng đến 10 lần. Chỉ khi Nghị định số 100 năm 2019 được Chính phủ thực hiện quyết liệt thì hành vi bạo lực này mới thay đổi. Như vậy, tác động của hành chính mạnh hơn so với tác động về thuế. Có lẽ vì vậy, ban soạn thảo đưa ra 2 phương án. Trong đó, có phương án tăng ổn định hàng năm và đạt mức 100% vào năm 2030.

Dựa trên quan điểm tăng thuế mạnh để thay đổi hành vi tiêu dùng thì tôi đánh giá đây là ý kiến tốt, tuy nhiên tôi cũng rất băn khoăn khi nghe ý kiến của nhiều chuyên gia đánh giá tác động chưa được toàn diện. Các con số đánh giá tác động chỉ mang tính tương đối, ngược với đánh giá tác động của nghiên cứu thực hiện bởi Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Việc tăng thuế là tốt, nhưng nếu như tăng thuế ngay bây giờ có đảm bảo được phát triển cho doanh nghiệp hay không?. Điều này chúng ta chưa thể khẳng định chắc chắn mà cần nghiên cứu thêm dựa trên các cơ sở nghiên cứu khoa học, mô hình kinh tế toàn diện mới có thể kiến nghị, đề xuất với Quốc hội là áp dụng phương án 1 hay phương án 2.

Đối với 2 phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt được đưa ra, các doanh nghiệp lên tiếng cũng có lý. Việc điều chỉnh thuế tăng một cách đột ngột cũng khiến cách doanh nghiệp khó thích nghi kịp, do đó cần phải tìm hiểu, thu nhập ý kiến sâu rộng, kỹ càng.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đột ngột sẽ khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành bia, rượu gặp rất nhiều khó khăn. Vậy theo ông có nên lùi lại việc tăng thuế không?

Tại thời điểm này, tôi chưa thể trả lời có lùi lại được hay không. Nhưng như tôi đã nói, 2 phương án đều phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, dựa trên cơ sở dữ liệu khoa học. Hiện chúng ta mới chỉ xin ý kiến Đại biểu Quốc hội từ tháng 10, tháng 5/2025 chúng ta mới được thông qua. Cho nên vẫn còn thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt là 2 phương án đã đề xuất. Chúng ta cần bình tĩnh, lắng nghe từ nhiều chiều và đề nghị các chuyên gia cho ý kiến một cách thận trọng. Không thể cho ý kiến một cách cảm tính.

Doanh nghiệp và người dân là chủ thể sáng tạo ra thu nhập, cho nên việc thu thuế cần phải đảm bảo phù hợp với người dân, phù hợp với mức thu nhập, phù hợp với tiêu dùng. Vậy nên, trong tất cả các phương án điều chỉnh thuế đều đã có các phương án được tính toán một cách cẩn thận, tác động nhiều chiều để đảm bảo số thu dựa trên cơ sở sản xuất kinh doanh, đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hòa (thực hiện)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tang-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-do-uong-co-con-can-nghien-cuu-that-ky-339765.html