Tăng thuế tiêu thụ thuốc lá, rượu bia nhỏ giọt là 'ru ngủ' người tiêu dùng

Cho rằng việc đánh thuế tiêu thụ với mặt hàng rượu, bia, thuốc lá tăng đều đều, nhỏ giọt là hành vi 'ru ngủ' người tiêu dùng, được ví như 'lùa ếch', tránh sốc, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường đề nghị đánh thuế với các mặt hàng này ở mức cao luôn ngay trong năm đầu.

Sáng 22/11, thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội còn nhiều quan điểm khác nhau trong lộ trình áp dụng mức thuế với thuốc lá, rượu, bia

Áp dụng mức tăng thuế ở mức cao ngay năm đầu

Phát biểu thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) khẳng định, lạm dụng rượu, bia, thuốc lá có hại cho sức khỏe, việc áp thuế với 2 sản phẩm này đúng. Đại biểu cũng cho rằng cần cân nhắc lộ trình tăng thuế rượu, bia cũng như cần tính đến yếu tố tăng thuế với rượu, bia ảnh hưởng như thế nào đến chỉ số GDP vì tăng thuế sẽ tác động lớn đến ngành dịch vụ, du lịch, tiêu dùng.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) - Ảnh: Quochoi.vn

Với mặt hàng thuốc lá, đại biểu TP Hà Nội đồng tình với việc áp dụng mức thuế tuyệt đối vì nếu áp mức thuế tuyệt đối/bao sẽ hạn chế mua, dùng thuốc lá vì cứ mua 1 bao thuốc hút là phải đánh thuế, như vậy sẽ hạn chế mua dùng thuốc lá rẻ.

Có 2 phương án tăng thuế thuốc lá được ban soạn thảo đưa ra là: tăng mỗi năm 2.000 đồng/bao, sau 5 năm tăng 10.000 đồng/bao; tăng 5.000 đồng/bao ngay trong năm đầu tiên, sau đó mỗi năm tăng 1.000 đồng /bao.

Với phương án tăng nhỏ giọt, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, việc tăng thuế rất nhỏ theo lộ trình để người tiêu dùng quen dần với giá mới, không cảm thấy có sự thay đổi nên dễ dàng chấp nhận. Việc đánh thuế đều đều như thế là hành vi "ru ngủ" người tiêu dùng, được ví như "lùa ếch". Con ếch được đặt trong chậu nước lạnh, đun ấm dần lên nó vẫn không biết, vẫn tung tăng, không bị sốc.

"Nếu đánh thuế với mục đích tăng thu ngân sách thì được, nhưng mục tiêu thuế để thay đổi hành vi, phải để người tiêu dùng nhận thấy đánh thuế ảnh hưởng lớn đến kinh tế của họ" - đại biểu Hoàng Văn Cường nói.

Từ phân tích trên, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị cả thuốc lá, rượu bia phải tăng luôn ở mức cao trong năm đầu tiên ở mức tuyệt đối 5.000 đồng/bao; rượu bia tăng luôn 15% ở năm đầu để tạo sự thay đổi rõ rệt để người tiêu dùng nhìn thấy và có quyết định thay đổi hành vi ngay. Sau đó dừng trong 5 năm tiếp tục tăng theo lộ trình. Như vậy vẫn đạt được mục tiêu và có giãn cách thay đổi hành vi.

Các đại biểu cũng đề nghị Luật ban hành nhưng có thời gian cảnh báo trước 1 năm rồi mới áp dụng để người tiêu dùng có thời gian thay đổi hành vi; gười sản xuất cũng có thời gian thay đổi sản xuất, chuyển sang mặt hàng có tác động ít.

Quang cảnh thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội - Ảnh: Như Ý

Quang cảnh thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội - Ảnh: Như Ý

Cần có lộ trình tăng phù hợp

Góp ý vào Dự thảo Luật, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình) nêu thực trạng tỷ lệ hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong thanh thiếu niên gia tăng, trong Dự thảo Luật vẫn chưa đề cập đến loại hình thuốc lá mới này. Đại biểu đề nghị, việc sửa đổi lần này cần bao quát đánh thuế đối với toàn bộ các mặt hàng thuốc lá, nhất là các loại thuốc lá mới trong thực tế hiện nay.

"Đề nghị ban soạn thảo rà soát để bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật cũng như quy định chặt chẽ tránh việc những khoảng trống pháp lý như hiện nay theo luật" - đại biểu tỉnh Hòa Bình nêu.

Về mức thuế suất với mặt hàng thuốc lá, đại biểu Đặng Bích Ngọc đồng tình với tỷ lệ áp dụng 75% và đề xuất có lộ trình tăng phù hợp, đáp ứng được yêu cầu phát triển, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người nông dân trong việc chuyển đổi nghề cũng như chế biến các nguyên liệu thuốc lá và sản xuất thuốc lá trong giai đoạn tới.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình) - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình) - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) nhất trí về việc tăng thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia để hạn chế tình trạng lạm dụng rượu, bia, gây tác hại đến sức khỏe của người dân và trật tự an toàn xã hội. Quy định này cũng sẽ làm giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân do tác hại của rượu bia gây ra, giữ an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.

Cùng với đó, đại biểu cũng chỉ ra, xét về nhiều mặt, khi tăng thuế suất đối với mặt hàng nào đó chúng ta cần cân nhắc lộ trình thực hiện cho phù hợp, nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp, thị trường, người tiêu dùng thích nghi với việc tăng thuế trong thời gian tới. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc giãn việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành rượu, bia và bắt đầu áp dụng từ năm 2027 trở đi.

"Nếu tăng thuế quá nhanh và mạnh khiến các doanh nghiệp không thể điều chỉnh công suất sản xuất phù hợp làm sụt giảm sản lượng đột ngột dẫn đến nhiều dự án đầu tư thua lỗ, không thể thu hồi được vốn. Đồng thời, việc giảm sản lượng quá nhanh tác động tiêu cực đến công ăn, việc làm của người lao động, số lượng lao động dôi dư từ các nhà máy rượu, bia chưa kịp để chuyên đối nghề nghiệp" - đại biểu Minh Ánh phân tích.

Làm rõ cơ sở tác động của đánh thuế đồ uống có đường

Thảo luận về quy định đánh thuế với đồ uống có đường nhằm điều tiết hành vi của người dùng, hạn chế béo phì. Các đại biểu Quốc hội cho rằng, không phải bất cứ đồ uống có đường nào cũng là có hại cho sức khỏe. Không phải ai uống đồ uống có đường cũng là không tốt... Báo cáo của Chính phủ cần có nghiên cứu cụ thể về tác hại của đồ uống có đường tại Việt Nam để tăng tính thuyết.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre) - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre) - Ảnh: Quochoi.vn

Cùng với đó, việc đưa ra mức thuế 10% với đồ uống có đường tỉ lệ 5g đường/100ml cần có cơ sở khoa học, bằng chứng thuyết phục để chứng minh. Đồng thời, cũng cần đánh giá hiệu quả các phương thức truyền thông thay đổi hành vi sử dụng trước khi áp dụng thuế.

Đề nghị ban soạn thảo bổ sung báo cáo đánh giá tác động của chính sách đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này làm căn cứ để quy định rõ hàm lượng đường phù hợp và bảo đảm triển khai thực hiện có hiệu quả trong thực tiễn.

Với quy định đánh thuế nước giải khát có hàm lượng đường 5g/100ml, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre) đề nghị làm rõ định nghĩa "nước giải khát" là loại nào: pepsi hay là coca-cola, hay là các nước giải khát mà chúng ta hay quen gọi, hay là nước giải khát bao gồm cả nước trái cây, nước rau quả...

Đại biểu cho biết, các doanh nghiệp và người nông dân xứ dừa lo lắng nếu áp dụng khái niệm "nước giải khát" không rõ thì có thể sản phẩm từ trái dừa (nước dừa đóng lon, đóng hộp và sữa dừa) cũng có thể bị đánh thuế 10%, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đến sản xuất của của doanh nghiệp và xuất khẩu.

Theo đại biểu tỉnh Bến Tre, dừa là loại nước tốt cho sức khỏe, nước thiên nhiên, hoàn toàn là không có đường nhưng uống rất ngọt, có thể có đường nhưng mà tự nhiên là rất tốt cho sức khỏe.

Thịnh An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tang-thue-tieu-thu-thuoc-la-ruou-bia-nho-giot-la-ru-ngu-nguoi-tieu-dung.html