Tăng thuế với thuốc lá cần một lộ trình hợp lý: Bài học kinh nghiệm từ quốc tế
Bản Dự thảo 2 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) mới đây được Bộ Tài chính gửi lấy ý kiến đang thu hút sự quan tâm lớn của nhiều tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có ngành hàng thuốc lá.
Các nội dung của Dự thảo đang thu hút nhiều thảo luận là đối tượng chịu thuế, phương pháp tính thuế, lộ trình tăng thuế và thuế suất...
Đối với ngành hàng thuốc lá, việc đề xuất áp dụng phương pháp thuế hỗn hợp, bổ sung thuế tuyệt đối, đang được kỳ vọng sẽ tạo ra một chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hiệu quả đáp ứng mục tiêu tăng giá, góp phần định hướng giảm tiêu dùng sản phẩm thuốc lá giá rẻ, chất lượng thấp, đồng thời hạn chế sự tiếp cận của giới trẻ.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã và đang chuyển đổi sang phương pháp tính thuế hỗn hợp (kết hợp giữa thuế tuyệt đối và thuế theo tỷ lệ) như một giải pháp nhằm cân bằng giữa mục tiêu sức bảo vệ khỏe cộng đồng và ổn định kinh tế.
Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng thuế hỗn hợp đối với thuốc lá
Nghiên cứu của Oxford Economics về cấu trúc thuế thuốc lá tại Liên minh châu Âu (EU) đã chỉ ra rằng, các quốc gia áp dụng thuế hỗn hợp với tỷ trọng thuế tuyệt đối tăng dần và tỷ trọng thuế tương đối giảm dần thường có nguồn thu từ thuế ổn định hoặc tăng lên, ngay cả khi tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá hợp pháp giảm.
Có thể xem trường hợp của Latvia như một ví dụ. Trước khi gia nhập EU vào 2004, để phù hợp với các cam kết với EU, quốc gia này chủ yếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thông qua tăng thuế tỷ lệ. Tuy nhiên, từ năm 2011, nước này đã cân bằng lại cấu trúc thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thông qua tăng mức thuế tuyệt đối và giảm tỷ trọng thuế tương đối. Sự thay đổi này đã góp phần giảm mức tiêu thụ thuốc lá, giảm hàng lậu, đảm bảo tăng ổn định nguồn thu thuế ở mức 1,7% mỗi năm trong giai đoạn 2010-2022.
Ngược lại, các quốc gia như Italia và Tây Ban Nha, nơi tỷ lệ thuế tuyệt đối thấp và không có sự thay đổi đáng kể trong cơ cấu thuế đã chứng kiến sự sụt giảm trong nguồn thu từ thuế thuốc lá. Trong nhiều năm, hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt của 2 quốc gia này chủ yếu dựa vào việc tăng thuế tương đối, nhưng tỷ lệ tăng trưởng doanh thu thuế kép giảm mạnh.
Lý do là bởi khi tăng thuế tương đối, các sản phẩm giá rẻ có lợi thế hơn rất nhiều so với các sản phẩm thuốc phân khúc giá cao, nhà sản xuất có ít động lực tăng giá sản phẩm so với khi tăng thuế tuyệt đối. Giá thuốc lá bị kìm hãm, trong khi người tiêu dùng chuộng loại rẻ, khiến doanh thu thuế giảm sâu do lượng thuế thu được từ các nhãn hiệu thuốc lá giá rẻ không tăng. Hiện tượng này khiến cho Chính phủ đối diện việc thất thu thuế. Đây là câu chuyện xảy ra trong giai đoạn 2010 - 2022 tại Italia và giai đoạn 2010 - 2013 tại Tây Ban Nha.
Điều này cho thấy thuế tuyệt đối đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước.
Cân nhắc lộ trình tăng thuế thuốc lá cho Việt Nam
Từ những kinh nghiệm quốc tế thực tiễn, các chuyên gia cho rằng, việc Bộ Tài chính đề xuất áp dụng thuế hỗn hợp trong Dự thảo Thuế tiêu thụ đặc biệt đang lấy ý kiến rộng rãi là hoàn toàn phù hợp, vừa giảm tiêu thụ thuốc lá và tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, việc tăng thuế cần được thực hiện một cách thận trọng và có lộ trình rõ ràng.
Tại Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đã được đưa ra lấy ý kiến từ ngày 13/6/2024, Bộ Tài chính đề xuất giữ nguyên mức thuế suất thuế tương đối 75% đối với thuốc lá và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình với 2 phương án.
Cụ thể, phương án 1 tăng 2.000 đồng/bao vào năm đầu tiên (2026) và mỗi năm tăng 2.000 đồng/bao ở 5 năm tiếp theo để đạt mức tăng 10.000 đồng/bao vào năm 2030; phương án 2 tăng 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và mỗi năm tăng 1.000 đồng/bao để đạt mức tăng 10.000 đồng/bao vào năm 2030.
Phát biểu tại Hội thảo góp ý hoàn thiện Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt do VCCI tổ chức ngày 11/7 vừa qua, đại diện Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) ông Nguyễn Chí Nhân, Tổng thư ký chia sẻ, theo tính toán của Hiệp hội, trong giai đoạn 2026 - 2030, khi áp dụng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt như Bộ Tài Chính đề xuất, sản lượng toàn ngành sẽ dần giảm 17% - 18%. Đến năm 2030, sản lượng sẽ giảm từ 43 tỷ điếu (2023) còn khoảng 1,5 tỷ điếu (2030). Điều này còn đi kèm với diện tích vùng trồng tương ứng cũng giảm khoảng 2/3.
Có thể thấy, nếu các tính toán của VTA diễn ra trên thực tế, sẽ kéo theo rất nhiều khó khăn cho toàn ngành, bao gồm các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu, phụ liệu cũng như bà con ở vùng trồng nguyên liệu.
Nhìn từ những kinh nghiệm quốc tế, Đức đã thành công trong việc ổn định nguồn thu từ thuế thuốc lá thông qua việc áp dụng lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức vừa phải là 2% trong giai đoạn 2011 - 2015 dù sản lượng tiêu dùng thuốc lá chính ngạch vẫn giảm. Trước đó, Đức đã tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt trong giai đoạn 4 năm (2002 - 2005) với mức 50% mà vẫn không đạt được nguồn thu như mong đợi, đồng thời kéo theo lượng tiêu thụ thuốc lá lậu tăng quá cao đã khiến quốc gia này phải tạm dừng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2006.
Tuy nhiên, ngược lại, Malaysia tăng thuế tiêu thụ đặc biệt quá cao, với mức tăng 37% vào năm 2015, đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể trong tiêu thụ thuốc lá lậu, gây thất thu thuế cho Nhà nước, trong khi đó việc tiêu thụ thuốc lá nói chung giảm không đáng kể. Ước tính, có tới khoảng 59% lượng thuốc lá tiêu thụ ở quốc gia này vào năm 2018 là thuốc lá lậu, gây thất thu thuế khoảng 2,7 tỷ USD.
Các doanh nghiệp thuốc lá nhìn chung ủng hộ Dự thảo Luật sửa đổi theo chủ trương của Đảng và nhà nước, tuy nhiên, đề xuất giãn lộ trình tăng thuế và có mức thuế suất phù hợp để tránh tạo điều kiện cho thuốc lá lậu, gây thất thu thuế trong khi đó không đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng.