Tăng thuế với thuốc lá vừa bảo vệ sức khỏe người dân, vừa đem nguồn thu cho ngân sách
Các phương án thuế hiện tại ở Việt Nam đối với thuốc lá được đánh giá là chưa hiệu quả. Cần tăng mức thuế phù hợp để góp phần đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá là giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở nam và nữ sẽ giảm xuống dưới 36% và 1,0% tương ứng vào năm 2030.
Ngày 13/8, tại Hà Nội đã diễn Hội thảo cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá và vai trò của chính sách thuế trong phòng, chống tác hại của thuốc lá do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam tổ chức.
Mở đầu buổi hội thảo, bà Trần Thị Nhị Thủy, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Theo Tổ chức Y tế thế giới, hút thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Dù đã có nhiều nỗ lực và đạt kết quả ban đầu trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá nhưng Việt Nam vẫn là một trong 15 quốc gia có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN.
Theo bà Thủy, trước nhiều tác hại về sức khỏe, tổn thất về kinh tế mà việc hút thuốc lá gây ra với đối với cá nhân, gia đình, xã hội, môi trường, Đảng, Nhà nước đã có các chỉ đạo về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Đơn cử, Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng đã xác định giải pháp “Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hóa có hại cho sức khỏe như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng”.
Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội có ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).
Được biết, nhiều thống kê chỉ ra 15,6 triệu người hút thuốc (GATS 2015), Việt Nam thuộc nhóm 15 quốc gia trên thế giới có số người hút thuốc nhiều nhất. Mỗi năm cả nước có trên 40.000 ca tử vong vì các bệnh do thuốc lá gây ra. Con số này sẽ tăng lên 70.000 ca/năm vào 2030, gấp gần 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ trong toàn quốc nếu Việt Nam không phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu quả.
Sử dụng thuốc lá còn gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế: Kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy chi phí kinh tế hàng năm cho việc sử dụng thuốc lá ở Việt Nam ước tính lên tới 108.000 tỷ đồng, tương đương 1,14% GDP (năm 2022). Con số này lớn hơn gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia, bao gồm: 16.400 tỷ đồng từ chi phí y tế trực tiếp, 5.900 tỷ đồng từ chi phí gián tiếp do bệnh tật và 85.800 tỷ đồng do tử vong sớm. Ngoài ra hàng năm còn phải kể đến 49.000 tỷ đồng mà người Việt chi cho việc mua thuốc lá.
Rõ ràng, đây là những chi phí lớn, gây thiệt hại cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế nước nhà, do đó việc áp thuế đối với mặt hàng này là cần thiết. Thuế và giá là giải pháp có chi phí thấp nhưng hiệu quả cao trong giảm tiêu dùng thuốc lá so với các giải pháp phòng chống tác hại thuốc lá khác và là giải pháp dự phòng hữu được Tổ chức Y tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới khuyến cáo các nước áp dụng.
Tuy nhiên, Việt Nam lại thuộc nhóm các nước có mức thuế và giá thuốc lá thấp nhất thế giới, thấp hơn so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực. Cụ thể, trong những năm gần đây, Việt Nam đã thực hiện điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng thuốc lá, tuy nhiên tác động của mức tăng thuế đối với giá thuốc lá và tỷ lệ sử dụng thuốc lá là không đáng kể do vậy không đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc. Từ năm 2008 đến năm 2019, Việt Nam đã 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, nhưng với mức tăng thuế suất thấp (5% - 10% với mỗi lần tăng), cơ sở tính thuế dựa trên giá xuất xưởng thấp và khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế tương đối dài nên mức tăng giá thuốc lá do tăng thuế là không đáng kể.
Theo kết quả điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành Việt Nam, giai đoạn 2015-2020, với hai lần tăng thuế (kết hợp thực hiện các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá khác) thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá chung chỉ giảm 0,8% (từ 22,5% năm 2015 xuống 21,7% năm 2020), tỷ lệ hút thuốc ở nam giới cũng chỉ giảm 3% (từ 45,3% năm 2015 xuống 42,3% năm 2020). Mức giảm này không đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc lá của nam giới trưởng thành Việt Nam xuống 39% vào năm 2020 trong Chiến lược quốc gia phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020.
Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Tuấn Lâm thuộc Tổ chức Y tế thế giới WHO tại Việt Nam khuyến nghị tại Hội thảo, mức thuế TTĐB cần tăng khởi điểm 5.000 đồng/bao và đạt 15.000 đồng/bao đến năm 2030, cộng thêm với mức thuế sản phẩm bằng 75% giá xuất xưởng hiện tại.
Phương án này của WHO dự báo có thể làm tỷ lệ hút thuốc giảm tương đối 13%. Tỷ lệ hút thuốc lá ở nam và nữ sẽ giảm xuống dưới 36% và 1,0% tương ứng vào năm 2030, qua đó sẽ đạt được các mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam. Tổng số người hút thuốc theo đó cũng giảm khoảng 696.000 người vào năm 2030 so với năm 2020. Các mức này cũng sẽ làm tăng doanh thu thuế hàng thực, đã điều chỉnh theo lạm phát, hàng năm lên 169% tương đương với việc 29,3 nghìn tỷ đồng mỗi năm từ thuế từ thuốc lá so với năm 2020.
Các chuyên gia đều đồng tình rằng, chính sách thuế phù hợp vừa đem lại lợi ích cho sức khỏe của người dân lẫn mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Nguồn tiền thuế từ các sản phẩm thuốc lá sẽ giúp Chính phủ đầu tư cho những lĩnh vực ưu tiên cho nền kinh tế.