Tang thương bao trùm làng quê ven sông Vu Gia sau vụ lật thuyền
Một buổi chiều định mệnh đã cướp đi sinh mạng 6 người, trong đó có 2 em nhỏ đang tuổi ăn, tuổi đến trường.
Hôm nay (26/2), rất đông người dân làng Khương Mỹ, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đến chia buồn với các gia đình nạn nhân trong vụ lật thuyền xảy ra vào chiều 25/2. Tang thương bao trùm làng quê ven sông Vu Gia, nơi ngày ngày bà con vẫn thường chèo thuyền qua bên kia sông canh tác.
Trên con đường vào làng Khương Mỹ, xã Đại Cường, những gương mặt đau buồn, thất thần dáo dác chạy tới chạy lui. Người nhà quê sống nương tựa nhau, gia đình nào gặp nạn là cả làng đau buồn.
Căn nhà nạn nhân Nguyễn Thị Ái (34 tuổi) và 2 cháu nhỏ là Nguyễn Hoàng Ánh Nguyên (6 tuổi) và Nguyễn Hoàng Ánh Viên (5 tuổi) đều bị chết trong vụ lật thuyền, chìm trong nỗi đau tang tóc. Chiếc xe tải nhỏ chở cùng lúc 3 quan tài đến đầu ngõ, nhiều người òa khóc.
Thường thì giữa tuần, 2 cháu Nguyên và Viên đến lớp, chị Ái (mẹ 2 cháu) cũng đi dạy. Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên cả 3 mẹ con ở nhà. Không có người trông coi nên chị Nguyễn Thị Ái đưa hai con sang bãi bồi bên kia sông chơi. Trên đường về thì tai nạn ập đến.
Chị Nguyễn Thị Thanh My, người làng Khương Mỹ, lấy chồng bên kia sông thuộc thôn Đại Phú, xã Đại Nghĩa nghẹn ngào nói, hai cháu nhỏ ngoan lắm.
Ngôi nhà của nạn nhân Nguyễn Đình Ba nằm cách nhà nạn nhân Nguyễn Thị Ái chừng vài trăm mét. Ông Ba có con trai là Nguyễn Đình Hoàn và con dâu Lê Thị Kim Huệ đều bị chết trong vụ lật thuyền này. Người làng Khương Mỹ, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam kể, ông Ba là người siêng làm, suốt ngày ở ngoài đồng. Làng Khương Mỹ là khu vực bãi bồi nên không có đất canh tác, dân làng phải qua bên kia sông Vu Gia làm ăn. Mùa này, người dân đổ xô ra đồng thu hoạch dưa, ngô.
Bà Lương Thị Mai, người làng Khương Mỹ bảo rằng, ông Ba bơi rất giỏi nhưng lúc xảy ra tai nạn, vì lo cứu cháu nội Nguyễn Phan Bảo Long (8 tuổi) và những người khác nên có thể ông bị kiệt sức. Gia đình ông Ba thuộc diện khó khăn trong làng, vợ bị hen suyễn không làm gì được. Bà Lương Thị Mai cũng cho biết, sáng nay, người dân trong thôn đặt thùng từ thiện đầu đường vào nhà 2 nạn nhân để quyên góp tiền chôn cất, làm mộ cho những nạn nhân xấu số.
"Hôm qua đến chừ ai cũng sảng hết. Bây giờ trước tiên bà con làng xóm ai có gì giúp nấy, rồi tộc họ lo mai táng chớ biết sao. Chắc cũng quyên góp anh em bạn bè từ xa tới gần tham gia chôn cất chớ 3 mạng không đủ điều kiện chôn", bà Mai nói.
Những làng quê dọc sông Vu Gia, Thu Bồn, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam gần như nhà nào cũng sử dụng thuyền con qua bãi bồi sông để canh tác. Những phương tiện này rất khó quản lý.
Ông Nguyễn Công Thanh, Bí thư Huyện ủy Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương có hơn 50 km đường sông. Xã Đại Cường nằm giữa 2 con sông Thu Bồn và Vu Gia, nơi được xem như “rốn lũ” của huyện Đại Lộc. Khu vực dọc sông Vu Gia có diện tích đất bồi lớn nên người dân bên lở thường qua khu vực bãi bồi canh tác bằng thuyền nan chòng chành.
Hiện nay, lượng ghe, thuyền nhỏ của huyện rất nhiều. Các phương tiện này phục vụ cho việc đi lại vào mùa mưa, canh tác. Ông Nguyễn Công Thanh cho rằng, cần có những chế tài cụ thể, bắt buộc người dân đi trên ghe, thuyền đều phải mặc áo phao.
"Tôi nghĩ khi vận chuyển trên đường sông, bất kỳ loại thuyền nào, Cảnh sát giao thông, Công an xã đều có thể xử phạt. Nên nghiên cứu, bổ sung tình tiết nào đó, giao quyền cho công an địa phương, công an huyện khi xuất hiện những người dân bất kỳ ở đâu đi trên thuyền mà không có trang bị áo phao, không có bảo hộ thì nên phạt", ông Thanh nói./.