Tăng tiết học giáo dục thể chất giúp học sinh phát triển toàn diện

Theo Giáo sư Lê Thế Vinh, số tiết học giáo dục thể chất còn ít, học sinh không có thời gian vận động ảnh hưởng đến sự phát triển tầm vóc trẻ.

Ngày 13/5, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội thảo tổng kết “Vận dụng chiến lược 6C trong dạy học môn Giáo dục thể chất cấp tiểu học”. Hội thảo đánh giá hiệu quả của chiến lược 6C, một phương pháp giảng dạy nhằm khuyến khích học sinh tiểu học hình thành thói quen vận động, nâng cao sức khỏe và phát triển toàn diện.

Giáo sư Lê Thế Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, chia sẻ bên lề hội thảo rằng chương trình giáo dục phổ thông hiện nay chỉ bố trí 2 tiết Giáo dục thể chất mỗi tuần.

"Số lượng này chưa đủ để đảm bảo sự phát triển thể chất cho học sinh, và việc tăng lên 4 tiết/tuần là cần thiết. Vận động không chỉ giới hạn trong các tiết học mà cần trở thành thói quen thể dục thể thao hằng ngày của trẻ", ông Vinh nói.

Ông Vinh chia sẻ về vai trò của giáo dục thể chất. Ảnh: P.Thúy.

Ông Vinh chia sẻ về vai trò của giáo dục thể chất. Ảnh: P.Thúy.

Thực tế, tại các khu vực đô thị, nhiều học sinh thiếu cơ hội vận động ngoài giờ học. Lịch trình dày đặc từ sáng đến chiều, kết hợp với việc ở nhà sau giờ học, khiến trẻ ít tham gia các hoạt động thể chất. Ông Vinh nhận định nếu nhà trường không chú trọng khuyến khích vận động, sức khỏe và sự phát triển thể chất của học sinh sẽ bị ảnh hưởng.

Theo ông Vinh, tầm vóc người Việt Nam tuy có cải thiện trong thời gian qua nhưng vẫn chậm so với các quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, và một số nước Đông Nam Á. Ông chỉ ra ba yếu tố chính ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất: di truyền, dinh dưỡng và vận động. Trong đó, di truyền là yếu tố cố định, nhưng dinh dưỡng và vận động hoàn toàn có thể cải thiện thông qua các chính sách giáo dục và thói quen sinh hoạt.

Để giải quyết vấn đề này, ông Vinh đề xuất cần nhanh chóng xây dựng thói quen vận động cho học sinh tiểu học, đồng thời tăng cường chú trọng đến chương trình dinh dưỡng học đường.

Từ năm 2020, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai dự án “Chiến lược 6C” nhằm nâng cao chất lượng dạy học Giáo dục thể chất tại các trường tiểu học. Chiến lược này tập trung vào sáu yếu tố cốt lõi: Confidence (tự tin), Contribution (đóng góp), Connection (gắn kết), Clear/Concise (rõ ràng/súc tích), Choice (lựa chọn) và Celebration (công nhận, khen ngợi). Phương pháp này khuyến khích học sinh tham gia vận động thông qua các hoạt động vui chơi, thể thao, từ đó phát triển kỹ năng và sự tự tin.

Với tính linh hoạt và khả năng truyền cảm hứng, chiến lược 6C đã được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, sau 5 năm triển khai, dự án đã tổ chức tập huấn trực tiếp cho khoảng 1.000 giáo viên cốt cán trên cả nước. Chiến lược này từng bước được áp dụng tại 63 tỉnh, thành phố, trở thành một phương pháp giảng dạy hiệu quả, giúp học sinh tiểu học rèn luyện thể chất một cách hứng thú và bền vững.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), học sinh từ 5 đến 17 tuổi cần hoạt động thể lực ít nhất 60 phút/ngày trong cả tuần với cường độ từ trung bình đến cao, bao gồm các hoạt động như chạy nhảy, các môn thể thao, trò chơi, giáo dục thể chất. Hoạt động thể chất giúp trẻ không chỉ phát triển về thể chất mà còn tinh thần, giảm căng thẳng, áp lực trong suốt quá trình học tập. Đây cũng là biện pháp giảm tình trạng thừa cân béo phì, dậy thì sớm ở học sinh.

Phương Thúy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tang-tiet-hoc-giao-duc-the-chat-de-tre-phat-trien-toan-dien-2400685.html