Tăng tính tự chủ để tạo động lực mới, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Việt Nam kể từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới vào năm 1986 đến nay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022 với chủ đề "Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới” tại TP. Hồ Chí Minh mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam kiên định với mục tiêu mở cửa, hội nhập sâu, rộng, tích cực, hiệu quả. Chủ trương đúng đắn, nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta là kiên định đường lối đổi mới, tập trung xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Theo đó, từ một nước nghèo, Việt Nam đã vươn lên thành trở thành nước có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người đạt 2.779 USD vào năm 2020 và là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước từ 58% năm 1993 xuống chỉ còn 2,23% năm 2021 tính theo chuẩn mới. Quy mô kinh tế tăng gấp 12 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 8,3 lần, kim ngạch xuất-nhập khẩu tăng 29,5 lần, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 22 lần.

Kinh tế quý 1/2022 đã quay trở lại đà tăng trưởng cao, đạt trên 5%. Dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 khoảng 6,9% với xu hướng dài hạn là 6,5%-7% từ năm 2023, theo Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Mỹ. Năm 2022 được xác định là giai đoạn phục hồi, để giai đoạn 2023 - 2025 tăng tốc phát triển.

“Chúng ta cần xác định khó khăn lúc nào cũng có. Chúng ta không lo sợ nhưng không chủ quan, không cầu toàn nhưng không liều lĩnh. Cần xác định những khó khăn, thách thức để có sự chuẩn bị về tâm thế, tư tưởng, nguồn lực”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Thông điệp về sự phục hồi

“Việt Nam đang giữ được trạng thái ổn định trong một thế giới biến động và được ví như "một vịnh tránh bão trong cơn biển động”. Đây là lần đầu tiên trong hơn 20 năm qua, thế giới bất ổn nhưng Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định, kể cả những cuộc khủng hoảng năm 1997-1998 và 2008-2009”, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý (Đại học Fulbright Việt Nam), đã nêu ý nghĩa về quá trình xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, xuyên suốt và nhất quán của Việt Nam trên con đường phát triển.

Trên thực tế, qua hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đối diện và vượt qua rất nhiều biến cố từ thế giới bên ngoài và từ chính nội tại nền kinh tế. Đến nay, chúng ta vẫn giữ được ổn định trong một thế giới biến động, gần đây nhất là trong đại dịch Covid-19. Đây là điều quan trọng nhất, mang lại sự tự tin cho chúng ta để tiếp tục xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Ở thời điểm hiện tại, diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới, nhất là tác động của cuộc xung đột Nga – Ukraine, nhưng nền kinh tế vẫn thể hiện sức chống chịu khá tốt, duy trì được tăng trưởng trong suốt hai năm đại dịch, trong đó các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn vẫn hoạt động khá ổn định.

Kết quả đạt được của Việt Nam thời gian qua đã được các tổ chức quốc tế và các nhà phân tích ghi nhận. Trong báo cáo vĩ mô về Việt Nam mới công bố, HSBC đánh giá, Việt Nam đang tiếp tục hưởng lợi nhờ chiến lược mở cửa diện rộng. HSBC nhắc tới câu chuyện phát triển đầy ấn tượng của Việt Nam, với mô hình tăng trưởng lấy xuất khẩu làm động lực chính. Mô hình này đang giúp kinh tế Việt Nam hồi phục nhanh chóng kể từ khi chiến lược mở cửa trở lại bắt đầu. Trong vòng hai thập kỷ qua, Việt Nam đã thực sự lột xác thành công, trở thành công xưởng sản xuất đang lên của thế giới.

Với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, nhiệm vụ cấp thiết có tính then chốt, nhất quán và lâu dài được xác định rõ là phải xây dựng nền kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại sự kiện Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022. (Nguồn: VGP).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại sự kiện Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022. (Nguồn: VGP).

Động lực mới của nền kinh tế?

Chính phủ Việt Nam đã ban hành và đẩy mạnh triển khai thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng thời thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tập trung phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ. Mục tiêu nhằm nâng cao nội lực nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất và sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia trong giai đoạn hiện nay.

Tác động chưa từng có của đại dịch Covid-19, cùng sự xuất hiện nhiều biến cố quốc tế mới đã và đang đặt ra yêu cầu Việt Nam cần đẩy nhanh hơn, quyết liệt hơn, thực chất hơn trong việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả. Trong đó, vai trò của đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng được coi như “chìa khóa vàng” để nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế trước những biến động lớn của thế giới và khu vực.

Việt Nam không tránh khỏi những thách thức khó lường từ môi trường kinh tế quốc tế đến các lĩnh vực chủ chốt, trong đó có các hoạt động đầu tư, kinh doanh và sản xuất công nghiệp, cũng như việc thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, hay các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội dài hạn.

Bối cảnh quốc tế cho thấy vấn đề tự cường trong phát triển được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Chẳng hạn, phản ứng phòng dịch Covid-19 của nhiều chính phủ đã khiến gián đoạn chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy và suy giảm nhu cầu tiêu dùng. Điều này đã buộc các doanh nghiệp phải tổ chức lại chuỗi cung ứng, đổi mới cách thức sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với tình hình mới thông qua việc ứng dụng các thành tựu vượt bậc của công nghệ số.

Từ đó, đại dịch Covid-19 vô tình trở thành một chất xúc tác mạnh mẽ thúc đẩy việc ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng và sâu sắc hơn trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đã thúc đẩy quá trình dịch chuyển đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài và đẩy nhanh quá trình đổi mới, ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số đối với các hoạt động sản xuất và kinh doanh của cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.

Theo ông Yoshiki Takeuchi, Phó Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), với đặc điểm là độ mở của nền kinh tế rất lớn, kinh tế Việt Nam sẽ chịu nhiều rủi ro do tác động từ tình hình thế giới. Việt Nam đang tích cực và cơ bản thực hiện hiệu quả các khuyến nghị quản lý rủi ro của OECD. Trong đó, một số vấn đề như, cải cách doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng chính sách… để nền kinh tế có thể tiếp tục tăng trưởng kiên cường và bền vững hơn nữa trong thời gian tới.

Từ thực tế đó, một lần nữa, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nhằm tăng tính tự chủ tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế nhanh và bền vững, chúng ta cần tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng một cách thực chất, hiệu quả hơn, thúc đẩy khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội hóa số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Trong đó, chú trọng xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, các ngành công nghiệp nền tảng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Don Lam, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital

Hiện có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường vốn Việt Nam, mức định giá cổ phiếu hấp dẫn với P/E chỉ hơn 10 lần, thấp hơn so với nhiều thị trường ở khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, để thu hút mạnh mẽ sự tham gia của khối ngoại, thị trường chứng khoán Việt Nam cần đa dạng nhiều sản phẩm hơn nữa; đồng thời cần cải thiện tính thanh khoản, tỷ lệ giới hạn nhà đầu tư nước ngoài… và đặc biệt là sự minh bạch của thị trường.

Nếu cải thiện được những vấn đề trên, khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi trong thời gian tới là rất lớn. Từ đó, có thể thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ hơn, thậm chí có thể tăng thêm 10 tỷ USD.

Tiến sĩ Elisabetta Gentile, Chuyên gia cao cấp, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

Việc Việt Nam đề cập đa dạng hóa chuỗi cung ứng cho thấy ý thức về vấn đề này. Việc đa dạng hóa rất là quan trọng vì nó giúp tránh được sự đổ vỡ ở quy mô lớn khi có sự cố xảy ra đối với chuỗi cung ứng hay chuỗi giá trị toàn cầu.

Để khai thác tốt hơn những giá trị mà chuỗi cung ứng mang lại, Việt Nam cần đánh giá đúng vai trò cũng như đầu tư cho việc phát triển thương hiệu, nghiên cứu sáng tạo và có chiến lược marketing hiệu quả.

Bên cạnh đó là cân nhắc nhiều hơn đến "khu vực hóa" chuỗi cung ứng, tận dụng tốt mối quan hệ với các đối tác trong khu vực để xây dựng chuỗi cung ứng ổn định hơn.

Phan Thanh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tang-tinh-tu-chu-de-tao-dong-luc-moi-thuc-day-kinh-te-viet-nam-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-186601.html