Tăng tốc đầu tư công trong nền kinh tế Canada
Chính phủ Canada mới đây đã công bố dành 3 tỷ CAD cho chi tiêu đổi mới để giải quyết điểm yếu kinh niên về năng suất, nghiên cứu và phát triển, đầu tư và tăng cường sự thịnh vượng kinh tế.
Trong quá trình hoạch định chính sách kinh tế, có quan điểm khá phổ biến rằng các chính phủ chỉ nên đặt ra các chính sách mang tính khung sườn như mức thuế thấp, giảm bớt các quy định, rào cản đối với thương mại, trong khi khu vực tư nhân sẽ quyết định đầu tư cái gì và ở đâu.
Bác bỏ giáo điều này, nhà kinh tế học người Anh, bà Mariana Mazzucato, lập luận rằng sự lãnh đạo của chính phủ và các khoản đầu tư công đóng vai trò then chốt để xây dựng các nền kinh tế đổi mới.
Thúc đẩy đầu tư công
Thông qua Kế hoạch Đầu tư vào Canada được triển khai từ năm 2016, Chính phủ Canada đã cam kết dành hơn 180 tỷ CAD (130,9 tỷ USD) trong 12 năm cho hệ thống cơ sở hạ tầng mang lại lợi ích cho người dân - từ phương tiện công cộng đến các cảng thương mại, từ mạng băng thông rộng đến hệ thống năng lượng, từ dịch vụ cộng đồng đến không gian tự nhiên.
Đến nay, Kế hoạch Đầu tư vào Canada đã rót hơn 126 tỷ CAD vào hơn 84.000 dự án, 95% trong số đó đã hoàn thành hoặc đang triển khai. Các khoản đầu tư này được thực hiện thông qua các chương trình do hơn 20 cơ quan liên bang quản lý, có sự phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, vùng lãnh thổ và cộng đồng bản địa.
Kế hoạch Đầu tư vào Canada được thiết kế hướng tới ba mục tiêu: tạo tăng trưởng kinh tế dài hạn để xây dựng một tầng lớp trung lưu mạnh mẽ hơn; hỗ trợ khả năng phục hồi của các cộng đồng cũng như chuyển đổi sang nền kinh tế tăng trưởng sạch; và xây dựng hòa nhập xã hội đồng thời đem lại thành tựu kinh tế - xã hội cho tất cả người dân.
Giới quan sát cho rằng, trong bối cảnh các cấu phần quan trọng của cơ sở hạ tầng kinh tế và vật chất của Canada đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa tiềm ẩn như thiên tai, khủng hoảng tài chính, dịch bệnh… bây giờ là lúc khu vực công và tư của Canada cần hợp tác chặt chẽ hơn để nâng cao hiệu quả đầu tư, cải thiện năng lực ứng phó với rủi ro.
Canada phải hiện đại hóa và đầu tư vào các cơ quan chuyên môn. Có nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng trước đại dịch, chính phủ không có bộ phận chuyên môn về quản lý chuỗi cung ứng, trong khi hệ thống chăm sóc sức khỏe và nền kinh tế cần có năng lực chuyên môn này để ứng phó với khủng hoảng. Chính phủ Canada cũng bị cho là thiếu năng lực để xử lý một cuộc tấn công mạng quy mô lớn hoặc các cuộc khủng hoảng khác. Khu vực công có lẽ không được trang bị đầy đủ để đối đầu với những thách thức này.
Quan hệ đối tác công tư sẽ rất cần thiết trong việc giảm thiểu tác động của một cuộc khủng hoảng. Hiện khu vực tư nhân của Canada có nhiều đối tác luôn sẵn sàng muốn bảo vệ mình tốt hơn. Ngân sách liên bang năm 2019 cam kết dành 80 triệu CAD trong bốn năm cho an ninh mạng, trong khi khu vực tư nhân của Canada trực tiếp đầu tư khoảng 7 tỷ CAD mỗi năm để ngăn chặn các sự cố trên không gian mạng.
Người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Canada (BoC), ông Tiff Macklem từng nhận định rằng nền kinh tế Canada không cần nhiều biện pháp kích thích hơn nữa, mà cần nhiều đầu tư hơn từ cả chính phủ và khối doanh nghiệp để tăng cường năng lực cung ứng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ. Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong chiến dịch tranh cử năm 2021 đã cam kết chi 78 tỷ CAD (62 tỷ USD) trong 5 năm để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của Canada.
Trong bối cảnh lạm phát tại Canada hiện nay cao hơn rất nhiều so với mục tiêu 2% của BoC, tăng trưởng năng suất được cho là yếu tố quan trọng hơn bao giờ hết.
Theo Thống đốc BoC, các doanh nghiệp có thể giúp tăng năng suất bằng cách đầu tư vào công nghệ mới. Mặc dù thị trường việc làm của Canada phục hồi mạnh mẽ so với Mỹ, tăng trưởng năng suất của Canada vẫn tiếp tục bị tụt hậu. Một trong những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này là do hoạt động đầu tư kinh doanh thấp hơn.
Đa dạng hóa đầu tư công
Giải quyết những vấn đề này là rất quan trọng ở thời điểm lạm phát gia tăng, môi trường địa chính trị có nhiều biến động và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu ngày càng cấp bách hơn bao giờ hết. Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland từng nói trước Hạ viện rằng: "Người dân Canada là những người được đào tạo tốt nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)… nhưng Canada đang tụt hậu khi nói đến năng suất kinh tế. Đã đến lúc Canada phải giải quyết tình trạng này".
Bất chấp dân số có trình độ học vấn cao cùng các khoản đầu tư công vào nghiên cứu và phát triển, Canada vẫn luôn là nước nhập khẩu ròng lớn đối với tài sản trí tuệ. Thay vì xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng cao như máy móc và thiết bị phục vụ các lĩnh vực từ nông nghiệp đến chăm sóc sức khỏe, hoạt động thương mại của Canada vẫn bị chi phối bởi nông sản và tài nguyên thiên nhiên - những mặt hàng có tỷ suất lợi nhuận thấp.
Một cơ quan phụ trách mảng đầu tư và đổi mới dự kiến sẽ được thành lập để chủ động làm việc với các ngành và doanh nghiệp của Canada, giúp họ đầu tư để đổi mới, tăng trưởng, cạnh tranh và kiến tạo việc làm. Cơ quan này sẽ hoạt động độc lập, với các nhân viên là các chuyên gia về đổi mới, các nhà công nghệ và doanh nhân.
Kế hoạch phục hồi nền kinh tế của chính phủ đảng Tự do đang dựa vào ba trụ cột, đó là đầu tư vào con người, đầu tư vào quá trình chuyển đổi xanh và đầu tư vào đổi mới và năng suất.
Trong hơn sáu năm qua, chính phủ của Thủ tướng Trudeau đã phất cao ngọn cờ đổi mới, mạnh tay đổ vốn vào trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán lượng tử và lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, tạo điều kiện giúp các công ty công nghệ thu hút lao động nước ngoài dễ dàng hơn. Ottawa cũng đã thông qua chiến lược sở hữu trí tuệ đầu tiên của quốc gia. Tất cả những nỗ lực này được kỳ vọng sẽ tạo ra việc làm và đem lại sự thịnh vượng, đồng thời xây dựng một tương lai kinh tế vững mạnh hơn cho Canada./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tang-toc-dau-tu-cong-trong-nen-kinh-te-canada/262197.html