Tăng tốc hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Pakistan
Sáng 11/7/2025, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc hội đàm chính thức với Bộ trưởng Bộ Thương mại Pakistan Jam Kamal Khan.
Hội đàm không chỉ là cuộc trao đổi thường niên giữa hai cơ quan đầu mối về kinh tế, thương mại, mà còn thể hiện khát vọng mới, quyết tâm chính trị cao và sự đồng điệu chiến lược giữa hai quốc gia đang hướng đến mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 10 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.

Toàn cảnh Hội đàm. Ảnh: Hồ Hạ
Sẽ sớm mở đường bay thẳng
Ngay từ những phút đầu tiên, không khí hội đàm đã cho thấy tinh thần chân thành, tin cậy và thẳng thắn của cả hai bên. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, mặc dù Việt Nam và Pakistan có khoảng cách địa lý xa, song giữa hai nước lại tồn tại nhiều điểm tương đồng và điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác sâu rộng, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Ông nhấn mạnh rằng, nếu Việt Nam có thể đạt kim ngạch thương mại với Hoa Kỳ ở mức 135 tỷ USD, với Trung Quốc là 125 tỷ USD, với Hàn Quốc gần 80 tỷ USD thì hoàn toàn có thể đặt mục tiêu tương tự với Pakistan, một quốc gia có dân số đông, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và nhu cầu phát triển lớn.
Từ phía Pakistan, Bộ trưởng Bộ Thương mại bày tỏ sự ngưỡng mộ với những bước tiến ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam. Ông cho biết, Pakistan rất chú trọng phát triển hợp tác với các nước ASEAN, và Việt Nam được coi là một đối tác chiến lược quan trọng. Với lợi thế gần gũi về quan hệ với các nước Đông Phi và khu vực Trung Á – nơi nhiều quốc gia đang tăng trưởng 6-8% GDP/năm, Pakistan mong muốn cùng Việt Nam thiết lập các liên doanh, hợp tác chiến lược để cùng nhau tiếp cận các thị trường thứ ba giàu tiềm năng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Thương mại Pakistan Muhammad Sualeh Ahmad Faruqi cùng các đại biểu chụp hình lưu niệm. Ảnh: Hồ Hạ.
Một trong những điểm nhấn đặc biệt tại hội đàm của Bộ trưởng Bộ Thương mại Pakistan Muhammad Sualeh Ahmad Faruqi là đề xuất mở đường bay thẳng giữa Việt Nam và Pakistan. Bộ trưởng Thương mại Pakistan cho biết ông đã trực tiếp làm việc với các hãng hàng không và mong muốn thiết lập sớm đường bay giữa thủ đô Hà Nội và Islamabad, bởi theo ông, đây là “chìa khóa” tháo gỡ hàng loạt rào cản từ du lịch, giao thương cho đến đầu tư, giao lưu nhân dân.
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ rằng, sau khi nắm bắt đề xuất, ông đã ngay lập tức liên hệ với hãng hàng không tư nhân lớn của Việt Nam là VietJet Air. Hãng này bày tỏ sẵn sàng nghiên cứu, thậm chí có thể thử nghiệm các chuyến bay charter (thuê bao) trong thời gian ngắn nếu điều kiện kỹ thuật và thị trường cho phép. Ông tin rằng, khi đường bay được mở, không chỉ dòng khách du lịch và nhà đầu tư sẽ tăng trưởng mà cả cộng đồng doanh nghiệp hai nước cũng sẽ có thêm động lực để kết nối.
Mở rộng hợp tác đa chiều
Hai Bộ trưởng đều thống nhất rằng, mục tiêu đạt 10 tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều là khả thi nhưng cần được cụ thể hóa bằng những cơ chế hợp tác thực chất. Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, con số 850 triệu USD năm 2024 và 330 triệu USD trong 5 tháng đầu năm 2025 là những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, xét trong tổng kim ngạch thương mại quốc tế của Việt Nam – dự kiến đạt 800 tỷ USD trong năm nay, thì tỷ lệ này vẫn còn quá khiêm tốn, chưa tới 1%. Điều đó cho thấy dư địa hợp tác còn rất lớn.
Tuy nhiên, cả hai bên cũng thẳng thắn nhìn nhận một số rào cản cần sớm tháo gỡ. Trong đó, đáng kể nhất là việc hai nước chưa có thỏa thuận thương mại song phương, dẫn đến hàng hóa phải chịu mức thuế cao và nhiều rào cản kỹ thuật. Bộ trưởng Bộ Thương mại Pakistan đề nghị phía Việt Nam xem xét áp dụng cơ chế miễn hoặc giảm thuế, đặc biệt đối với các mặt hàng có tính chiến lược như khoáng sản, nông sản và hàng dệt may.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên tặng quà lưu niệm cho Bộ trưởng Bộ Thương mại Pakistan Muhammad Sualeh Ahmad Faruqi. Ảnh: Hồ Hạ
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ rõ rằng, để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất xứ ngày càng cao từ thị trường quốc tế, Việt Nam rất cần nguồn nguyên liệu có xuất xứ rõ ràng và chất lượng ổn định từ Pakistan. Ông kêu gọi hai bên sớm đàm phán một thỏa thuận thương mại khung hoặc hiệp định thương mại song phương. Việc có được một hành lang pháp lý minh bạch sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm mở rộng đầu tư, sản xuất và xuất khẩu.
Một lĩnh vực được cả hai Bộ trưởng đặc biệt quan tâm là khai thác, chế biến khoáng sản. Việt Nam hiện đang trong quá trình phát triển công nghiệp chế biến sâu và hướng tới giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu từ thị trường thứ ba. Trong khi đó, Pakistan lại sở hữu nguồn khoáng sản dồi dào và đang thúc đẩy các chương trình xuất khẩu khoáng sản sang Mỹ, Trung Quốc và các thị trường lớn khác. Hai bên nhất trí sẽ đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực này, thông qua các triển lãm chuyên ngành, hội chợ công nghiệp và đoàn khảo sát doanh nghiệp.
Đặc biệt, hai Bộ trưởng đề cập đến hợp tác trong lĩnh vực Halal – một thị trường toàn cầu có quy mô hàng nghìn tỷ USD mà cả Việt Nam và Pakistan đều có tiềm năng tiếp cận. Bộ trưởng Pakistan cho biết Pakistan sẵn sàng chia sẻ tiêu chuẩn, chứng nhận Halal và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường sang các nước Hồi giáo tại Trung Đông, châu Phi, Nam Á. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị hai bên khẩn trương thúc đẩy cơ chế công nhận lẫn nhau về chứng chỉ Halal, nhằm rút ngắn thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Pakistan Muhammad Sualeh Ahmad Faruqi tặng quà lưu niệm cho Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Hồ Hạ
Một điểm chung được ghi nhận xuyên suốt cuộc hội đàm là quyết tâm chính trị từ cấp cao nhất. Bộ trưởng Pakistan cho biết Thủ tướng Pakistan đã nhấn mạnh mục tiêu 10 tỷ USD là điều "cần đạt được ngay từ ngày mai", và sau hội đàm, ông trực tiếp báo cáo với Thủ tướng để chuẩn bị một chuyến thăm cấp cao tới Việt Nam trong thời gian gần. Đồng thời, ông cũng gửi lời mời Chính phủ và các nhà lãnh đạo Việt Nam sang thăm Pakistan để tiếp tục nối dài những kết quả tích cực từ hội đàm hôm nay.
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định sẽ báo cáo Chính phủ xem xét sớm việc mở đường bay, tạo cơ chế đặc biệt về visa, hỗ trợ các startup và nhà đầu tư Pakistan tiếp cận thị trường Việt Nam. Ông cho biết Việt Nam sẵn sàng áp dụng các cải cách lớn, không chỉ ở cấp trung ương mà tới tận cấp xã – nơi người dân và doanh nghiệp trực tiếp thụ hưởng chính sách.
Ngoài ra, Bộ trưởng Việt Nam cũng đề xuất trong tháng 7 hai bên sẽ tổ chức đoàn công tác kỹ thuật để rà soát các vấn đề còn tồn tại, tháng 8 sẽ có đoàn cấp cao Việt Nam thăm Pakistan, và tháng 9 hai nước có thể phối hợp tổ chức một tuần lễ xúc tiến thương mại Việt Nam – Pakistan quy mô lớn.
Tại Hội đàm, hai Bộ trưởng cùng khẳng định đây không chỉ là một sự kiện ngoại giao kinh tế, mà là khởi đầu cho một tiến trình hợp tác mới – thực chất, hiệu quả và bền vững. Với tầm nhìn chiến lược, cơ chế linh hoạt và quyết tâm chính trị cao, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Pakistan đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, không chỉ để đạt 10 tỷ USD trong 5 năm, mà còn hướng đến những giá trị lớn hơn: sự kết nối của những nền kinh tế đang vươn lên, sự cộng hưởng giữa những nền văn hóa lâu đời và sự đồng hành của hai quốc gia đang viết tiếp câu chuyện phát triển bằng chính nội lực của mình.