Tăng tốc khai thác Hiệp định EVFTA
Thương mại tự do đóng vai trò thiết yếu trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ tái định vị quan hệ của Việt Nam với 27 quốc gia thành viên EU sau đại dịch Covid-19.
Thách thức với doanh nghiệp Việt Nam là tính tuân thủ hiệp định, hàng hóa đạt chuẩn nhất là với nông sản, còn áp lực với sản phẩm công nghiệp là giảm phát thải theo tiêu chuẩn châu Âu.
Khai thác thị trường EU nhanh hơn
Thúc đẩy thương mại hai chiều, tăng cường thu hút dòng vốn FDI từ EU là hai trụ cột chính yếu trong việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), được các chuyên gia nhấn mạnh tại Hội thảo Tác động của EVFTA sau đại dịch Covid-19 và các biện pháp ứng phó phù hợp, do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia tổ chức cuối tuần qua.
Giáo sư Andreas Soffers, Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) tại Việt Nam đánh giá, EVFTA đi vào thực thi từ tháng 8/2020 đã mang đến nhiều thuận lợi về đầu tư, thương mại cho cả hai phía, điều này càng có ý nghĩa trong 2 năm đại dịch vừa qua.
Số liệu thống kê của Bộ Công thương cho thấy, năm 2021, dù Covid-19 phức tạp, tác động tiêu cực đến thương mại toàn cầu, nhưng thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 57 tỷ USD, tăng 15%; trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang EU 40,07 tỷ USD, tăng 14%, nhập khẩu từ EU 17 tỷ USD, tăng 16,1% so với năm 2020.
“Dù Việt Nam đã sẵn sàng với EVFTA, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Cần khuyến khích doanh nghiệp Việt mở cửa thị trường với từng nước thành viên EU mạnh mẽ hơn, bởi trong những căng thẳng đang nổi lên giữa Mỹ và Trung Quốc, thì EU cho thấy là đối tác thương mại trung lập, công bằng. Thâm nhập thị trường nhanh sẽ có lợi hơn cho các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam”, Giáo sư Andreas Soffers lưu ý.
Thực tế, năm qua Việt Nam xuất hơn 40 tỷ USD hàng hóa sang EU, nhưng tập trung chính vào một số thị trường lớn như Đức, Hà Lan, Pháp, Italia… nhiều thị trường còn lại có tỷ lệ khai thác chưa thay đổi đáng kể so với trước khi có EVFTA.
Nhìn nhận về triển vọng khai thác EVFTA, từ đầu cầu châu Âu, TS. John Fitzgerald, Trường đại học Trinity (Anh) thông tin, thương mại quốc tế rất quan trọng với châu Âu, nhất là qua 2 năm đại dịch với nhiều lo ngại về đứt gãy chuỗi cung ứng. Năm 2022, lạm phát trung bình của EU dự báo khoảng 5%, do nhiều yếu tố khác nhau và lạm phát có thể tăng tiếp do chiến tranh giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, ở bình diện chung, kinh tế toàn cầu phục hồi, trong đó có nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh từ EU sẽ là cơ hội vàng cho các nhà cung ứng từ Việt Nam.
“Theo tôi, nền kinh tế có thể trở lại nhịp độ bình thường vào năm 2024, EVFTA thiết lập kênh thương mại hai chiều bền vững. Về dài hạn, các quốc gia như EU và Mỹ nghiêm túc trong thực hiện các giải pháp về biến đổi khí hậu thì sẽ có thêm đầu tư vào dự án năng lượng và giúp tăng đầu tư vào quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, từ đó hai bên đều có được lợi ích”, TS. John Fitzgerald nói.
Dù gặp nhiều khó khăn vì đại dịch, nhưng năm 2021, Việt Nam vẫn thu hút trên 31 tỷ USD vốn FDI, dẫn đầu là dòng vốn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, trong khi vốn từ EU vào Việt Nam còn hạn chế so với các quốc gia này. TS. John Fitzgerald cho rằng, đây là động lực thúc đẩy tăng đầu tư từ EU vào Việt Nam trong những năm tiếp theo nhờ EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).
Trước mắt, với dự án đầu tư trên 1 tỷ USD của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) tại tỉnh Bình Dương, dự kiến được triển khai vào nửa cuối năm 2022 và đi vào hoạt động từ năm 2024, sẽ là trợ lực thu hút các nhà đầu tư châu Âu vào Việt Nam thuyết phục hơn.
Khắc phục điểm yếu
Phân tích kỹ hơn những tác động của EVFTA đến hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI cho rằng: “Năm 2021, dù có nhiều khó khăn trong đứt gãy chuỗi sản xuất, nhưng xuất khẩu đi EU vẫn tăng hơn 14% và nhập khẩu tăng hơn 16%. Đây là kết quả tích cực, nhưng so với mức độ tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới thì xuất nhập khẩu với EU vẫn còn thấp”.
Lưu ý doanh nghiệp Việt Nam trong khai thác EVFTA hiệu quả hơn, theo bà Trang, EU là thị trường rất kỹ tính, với thủy sản là vấn đề thẻ vàng vẫn được duy trì, còn với ngành gỗ là yêu cầu về gỗ hợp pháp
Thách thức với doanh nghiệp Việt Nam là tính tuân thủ hiệp định, hàng hóa đạt chuẩn nhất là với nông sản, còn áp lực với sản phẩm công nghiệp là giảm phát thải theo tiêu chuẩn châu Âu.
“Năng lực cạnh tranh của Việt Nam với các nước sau đại dịch sẽ càng gay gắt hơn. Nếu doanh nghiệp Việt không tự nâng mình lên, nhất là khả năng ứng phó của Việt Nam với những biến động của thị trường và nhiều quốc gia châu Á đang tăng tốc đàm phán để có FTA với châu Âu, thì xuất khẩu của ta sang khu vực này sẽ khó được cải thiện”, bà Trang nói.
Nhấn mạnh vai trò của thương mại trong phục hồi kinh tế sau đại dịch, bà Vũ Thị Thanh Huyền, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê) cho hay, tăng mạnh xuất khẩu và giao lưu thương mại quốc tế, nhất là với khu vực thị trường châu Âu, cần phải được đẩy nhanh hơn với các doanh nghiệp Việt.
“Thực thi EVFTA thì lợi ích đầu tiên là ưu đãi thuế quan, nhưng với dệt may chẳng hạn, ưu đãi này còn rất nhỏ do sản phẩm của ta chưa có thương hiệu, nhập khẩu nguyên phụ liệu từ các thị trường không có trong điều kiện để hưởng ưu đãi còn lớn, trong khi nhập nguyên liệu từ các thị trường có FTA với EU cũng chỉ chiếm dưới 10%”, bà Huyền nói và nhấn mạnh, cần khắc phục nhanh những hạn chế này để ưu đãi thực chất hơn.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tang-toc-khai-thac-hiep-dinh-evfta-d161314.html