Tăng tốc nắm cơ hội cạnh tranh từ thị trường Halal Indonesia

Nhiều thị trường Hồi giáo, trong đó có Indonesia sẵn sàng mở cửa cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Do đó, việc thích ứng với những quy định mới của thị trường này sẽ giúp các HTX tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Indonesia có quy định các sản phẩm Halal xuất khẩu sang nước này phải có chứng nhận do tổ chức đã đăng ký với Cơ quan bảo lãnh sản phẩm Halal (BPJPH). Đây là một cơ quan được hình thành dưới sự bảo trợ của Bộ Tôn giáo Indonesia.

Không nên trì hoãn

Đặc biệt, năm 2021, Indonesia đã ban hành Quy định số 39 về Bảo đảm Halal sản phẩm (“ GR 39 ”), thay thế các quy định trước đây về Bảo đảm sản phẩm Halal.

Theo quy định này, nhóm sản phẩm bao gói, mỹ phẩm, quần áo, đồ gia dụng, văn phòng phẩm bắt buộc phải có chứng nhận Halal. Các sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, đồ uống, sản phẩm giết mổ, dịch vụ giết mổ được nhập khẩu, lưu thông và được giao dịch trên lãnh thổ Indonesia phải được chứng nhận Halal từ ngày 17/10 /2019 đến 17/10/2024.

Riêng nhóm thực phẩm và đồ uống nhập khẩu vào Indonesia hiện không bắt buộc có chứng nhận Halal vì được gia hạn trong khoảng thời gian từ 2024-2026.

Nhưng có một điều các sản phẩm tiêu thụ nội địa tại Indonesia trong nhóm thực phẩm, đồ uống đã được nước này yêu cầu có chứng nhận Halal.

Theo Thông báo số 3737 của BPJPH ban hành ngày 8/8/2023, từ ngày 18/10/2024, thực phẩm và đồ uống nhập khẩu, lưu thông, và kinh doanh tại Indonesia phải có chứng nhận Halal, nếu không sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật.

Luật số 22 năm 2014 về Đảm bảo sản phẩm Halal quy định các sản phẩm halal nhập khẩu vào Indonesia cần tuân thủ quy định như hàng hóa Halal trong nước. Tuy nhiên, nếu đã có chứng nhận Halal từ tổ chức nước ngoài có thỏa thuận công nhận với BPJPH, sản phẩm nhập khẩu không bắt buộc phải xin chứng nhận Halal từ Indonesia.

Trước yêu cầu mới, nhiều hợp tác xã xem đây là cơ hội để hoàn thiện quy trình sản xuất và nâng cao năng lực xuất khẩu. Vị Chủ tịch HĐQT một HTX ở Hà Nội cho biết các sản phẩm chưa có chứng nhận Halal của Indonesia nhưng đã có chứng nhận Halal từ một tổ chức nước ngoài vẫn có thể được nhập khẩu vào Indonesia sau ngày 17/10/2024. Tuy nhiên, các thành viên HTX đang tìm hiểu thêm để nắm rõ các yêu cầu cụ thể liên quan đến quy định này.

Nắm bắt cơ hội từ thị trường Halal Indonesia giúp HTX phát huy được những tim năng trong sản xuất kinh doanh.

Tại Hội thảo trực tuyến: “Cập nhật quy định mới về thị trường Indonesia - hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký chứng nhận Halal theo quy định”, bà Trà My, Văn phòng chứng nhận Halal - HCA Việt Nam, cho biết việc gia hạn thời gian chứng nhận Halal cho nhóm thực phẩm nhập vào Indonesia rõ ràng là cơ hội để các doanh nghiệp, HTX hoàn thiện quy trình, các thủ tục chứng nhận vì Halal vốn là một tiêu chuẩn khá cao nhưng không phải quá khó khiến các đơn vị không thể đạt được.

Nhưng điều các HTX, doanh nghiệp cần lưu ý đó là nhóm hàng này khi tiêu thụ nội địa tại Indonesia đã yêu cầu có chứng nhận Halal. Như vậy, đối thủ của HTX, doanh nghiệp đã có và đó chính là những doanh nghiệp tại Indonesia.

Do đó, không nhất thiết phải đợi đến hạn, HTX, doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng này mới cần có chứng nhận Halal mà ngay từ bây giờ, nếu HTX, doanh nghiệp đã có hoặc có chứng nhận sớm hơn thời hạn thì đó chính là lợi thế cạnh tranh.

Bởi xét về thị trường, Indonesia là nước đông dân thứ tư trên thế giới với dân số hơn 250 triệu người và là nước có số dân theo Hồi giáo lớn nhất thế giới, với gần 88% người dân theo đạo Hồi. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm Halal của Indonesia đã đạt 220 tỷ USD vào năm 2018 và dự kiến tăng lên 330,5 tỷ USD vào năm 2025.

Bên cạnh đó, để đạt được chứng nhận Halal theo quy định mới, doanh nghiệp, HTX cũng phải đáp ứng rất nhiều quy định chi tiết. Trước đây, logo sản phẩm Halal xuất sang Indonesia có màu xanh nhưng nay đã có quy định về logo mới với màu tím. Dưới logo mới cần có code ID. Logo có thể định dạng dọc và ngang để phù hợp cho từng bao bì. Trong phiên bản không thể in màu (bao bì mâu thuẫn không thể hiển thị logo) thì HTX, doanh nghiệp có thể chuyển sang màu đen hoặc màu trắng.

Trường hợp bao bì rất nhỏ, không phải sử dụng logo Halal. Đặc biệt, hàng bán trực tiếp, đóng trực tiếp như (bánh mì ăn nhanh..) cũng không phải in logo Halal. Ngoài ra, HTX, doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực thịt động vật trên cạn và đồ uống có cồn cần bổ sung 1 giám sát Halal với yêu cầu bắt buộc họ là người Hồi giáo.

Nhưng có một điều là hiện các tổ chức này phần lớn là ở Indonesia nên các doanh nghiệp, đặc biệt là HTX khi tham gia đào tạo sẽ gặp rào cản về ngôn ngữ. Vì theo vị Chủ tịch HĐQT HTX, dù các đơn vị đào tạo này sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh nhưng tiếng Anh ở Indonesia có sự khác biệt, không rõ ràng nên gây không ít khó khăn cho HTX trong tiếp cận thông tin.

Ngoài ra, với quy định mới, HTX, doanh nghiệp phải xây dựng nhà xưởng đảm bảo 5 tiêu chí: cam kết chất lượng, quản lý nguyên liệu, quy trình sản xuất, sản phẩm, đánh giá và theo dõi quy trình Halal. Đối với kết quả kiểm nghiệm chỉ tiêu, HTX , doanh nghiệp phải thực hiện test ADN của động vật trên cạn và chỉ số ethanol còn sót lại trên sản phẩm.

Thách thức luôn đi kèm cơ hội

Rõ ràng các quy định để đạt được chứng nhận Halal Indonesia mới là rất nghiêm ngặt, gây không ít khó khăn cho HTX, doanh nghiệp. Do đó, đòi hỏi các HTX, doanh nghiệp cần chủ động trong tiếp cận thông tin quy định để hoàn thiện chứng nhận càng sớm, thì sẽ càng mở ra nhiều cơ hội trong xuất khẩu hàng hóa vào thị trường tiềm năng này. Bởi người Hồi giáo có năng lực chi tiêu rất lớn cho sinh hoạt hằng ngày, nhất là mảng thực phẩm, đồ uống. Trong khi nhiều doanh nghiệp cả ở Indonesia và các nước khác cũng đang tích cực nắm cơ hội từ thị trường này.

Đặc biệt, thực phẩm đã có chứng nhận Halal từ tổ chức nước ngoài có thỏa thuận công nhận với BPJPH mà chưa có chứng nhận Halal từ Indonesia, sau ngày 17/10/2024 vẫn được phép nhập khẩu vào thị trường Indonesia nhưng HTX, doanh nghiệp phải đáp ứng được điều kiện: Có ghi nhãn Non-Halal dạng hình ảnh, ký hiệu và/hoặc từ ngữ có trên bao bì. Nội dung này phải dễ nhìn thấy và không dễ tháo ra hoặc hư hỏng. Đi liền với đó, các thành phần nguyên liệu Non-Halal phải được in bằng màu sắc khác nhau để dễ nhận biết.

Một điều hiện nay đó là thị trường Halal cho người Hồi giáo tuy rất rộng lớn nhưng xét cho cùng, Indonesia là quốc gia cùng nằm trong khu vực Đông Nam Á, vị trí địa lý của đất nước này gần Việt Nam sẽ giúp các HTX, doanh nghiệp Việt giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn hiện nay là đối với nhiều HTX và doanh nghiệp vẫn chưa hiểu và nắm bắt được hết những quy định về xuất khẩu mặt hàng Halal vào Indonesia nên chưa tăng tốc hoặc nắm bắt được hết các cơ hội. Trong khi đối với lĩnh vực thực phẩm, nông lâm thủy sản, đây là thế mạnh của nhiều doanh nghiệp, HTX Việt Nam.

Bà Đào Thị thu Trang, Giám đốc HTX Thực Phẩm Xanh (Phú Thọ), cho biết HTX vẫn có những băn khoăn khi chuyển từ chứng nhận Halal Jakim, Halal Mui sang chứng nhận Halal BPJPH. Các thành viên cũng lo lắng về chi phí chứng nhận và chi phí duy trì chứng nhận Halal.

Vậy nhưng khi nhìn nhận kỹ có thể thấy, một điều hiện nay là sản phẩm có chứng nhận Halal BPJPH mới đối với mảng thực phẩm, đồ uống tuy có thời hạn 1 năm nhưng có thuận lợi là giúp doanh nghiệp, HTX có thể tiêu thụ được ở nhiều nước, trừ Malaysia, GCC, Thổ Nhĩ Kỳ.

Do đó, thách thức luôn đi liền với cơ hội. Mặc dù tiêu chuẩn Halal thường cao hơn so với sản xuất, xuất khẩu sản phẩm thường, trong khi đa số doanh nghiệp, HTX đều gặp hạn chế về vốn nhưng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng cơ hội và thách thức luôn luôn song hành.

Khi một cánh cửa này đóng lại thì đồng nghĩa với việc một cánh cửa khác mở ra. Và không có gì đắt hơn khi một lần bỏ lỡ cơ hội. Vì thế, HTX cần có sự chủ động trong nắm bắt quy định thị trường cũng như đầu tư bài bản để tất cả các quy trình từ trồng trọt, chăn nuôi đến thu hoạch, sơ chế, chế biến, bảo quản… đều đáp ứng đúng các tiêu chuẩn mà từng thị trường Halal yêu cầu.

Hiện ngành nông nghiệp đang định hướng phát triển theo hướng bền vững, thúc đẩy đa giá trị từ sản phẩm nông nghiệp. Đây cũng là nền tảng để giúp các HTX, doanh nghiệp thâm nhập vào thị trường Halal. Vì dù là tiêu chuẩn gì thì theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn được đặt lên hàng đầu.

Tin vui cho các doanh nghiệp Việt Nam là ngày 10/10/2024, Văn phòng Chứng nhận Halal (HCA Việt Nam) đã chính thức ký kết thỏa thuận công nhận lẫn nhau với Cơ quan Quản lý Halal Indonesia (BPJPH). Thỏa thuận này tạo điều kiện cho các sản phẩm có chứng nhận Halal từ HCA Việt Nam được chấp nhận tại Indonesia mà không cần thêm thủ tục chứng nhận Halal từ BPJPH.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/tang-toc-nam-co-hoi-canh-tranh-tu-thi-truong-halal-indonesia-1103352.html