Tăng tốc phát triển du lịch: Hướng tới cải thiện dịch vụ
Trong 4 tháng gần đây, bình quân mỗi tháng Việt Nam đón trên 1 triệu lượt khách quốc tế. Cùng với đó, cảnh sắc tuyệt đẹp của mùa thu ở các vùng miền núi phía Bắc với lúa chín vàng, cũng đang thu hút du khách. Những tín hiệu khởi sắc trong thời gian qua cho thấy sự phục hồi và bước vào giai đoạn phát triển mới của du lịch.
Các vùng tổ chức sự kiện quảng bá
Để thu hút khách du lịch dịp thu và cuối năm, các địa phương đang đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch. Tại Hà Nội, sự kiện thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân và du khách là Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội 2023, diễn ra từ 27 - 29/10, tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm,
Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội đã thu hút sự tham gia của 50 đơn vị, với hơn 60 gian hàng, bao gồm: 15 nhà thiết kế áo dài Hà Nội - Huế, 15 thương hiệu áo dài, 12 cơ sở phụ kiện áo dài, các doanh nghiệp du lịch Hà Nội, Ninh Bình, Vietnam Airlines, khu - điểm du lịch trên địa bàn và các gian hàng ẩm thực.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết: “Với mục tiêu kích cầu du lịch, bảo tồn, tôn vinh và khai thác các giá trị của tà áo dài gắn với du lịch, dần đưa áo dài trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2023 đã tạo dấu ấn tốt đẹp cho người dân và du khách trong, ngoài nước”.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã tổ chức hơn 2.000 sự kiện, hoạt động văn hóa, đón khoảng 24 triệu lượt khách du lịch, bao gồm 4 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 2,66 lần so với năm trước và 20 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng 10% so với năm 2022, đạt mục tiêu đưa Hà Nội trở thành một trong những trung tâm công nghiệp văn hóa hàng đầu của cả nước, tạo nền tảng vững chắc, động lực quan trọng thúc đẩy phát triển 'Thành phố sáng tạo' trong thời gian tới.
“Lễ hội áo dài du lịch Hà nội là hoạt động văn hóa nhằm bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, khai thác, tôn vinh nét đẹp văn hóa Việt Nam đặc sắc với tà áo dài truyền thống của dân tộc. Đồng thời là sản phẩm của các loại hình du lịch đặc sắc, hấp dẫn và hiệu quả, phát triển và quảng bá du lịch Hà Nội và Việt Nam. Hoạt động này đã tạo cơ hội quảng bá, giới thiệu, giao lưu, hợp tác cùng phát triển giữa các doanh nghiệp du lịch của Hà Nội với các nghệ nhân, nhà thiết kế. Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội mở ra định hướng mới, góp phần không nhỏ để du lịch Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng trở thành điểm đến yêu mến, sự lựa chọn hàng đầu của nhiều du khách trong nước và bạn bè quốc tế, là điểm đến du lịch Thành phố hàng đầu thế giới”, bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết.
Còn tại Gia Lai, Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 13/11 đến 19/11 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP.Pleiku) và một số địa phương trong tỉnh. Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai bao gồm các sự kiện, hoạt động chủ yếu như: Lễ khai mạc (kết hợp trong chương trình khai mạc Festival Văn hóa cồng chiêng Gia Lai mở rộng năm 2023). Trong đó, Festival Văn hóa cồng chiêng Gia Lai mở rộng năm 2023 diễn ra trong 2 ngày (13 và 14/11) sẽ có sự tham gia của các tỉnh: Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông. Ngoài ra, trong khuôn khổ Tuần Văn hóa-Du lịch còn có Hội chợ thương mại và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng tỉnh Gia Lai với 200 - 250 gian hàng tiêu chuẩn trưng bày, triển lãm, giới thiệu các mặt hàng thủ công, mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sản phẩm văn hóa, nông nghiệp đặc trưng, ẩm thực, du lịch, tổng hợp…
Cũng trong khoảng thời gian này, tại các địa phương của tỉnh cũng sẽ diễn ra các lễ hội như: Tuần lễ hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đang Ya năm 2023 dự kiến diễn ra trong 1 tuần, trọng điểm trong 3 ngày (từ ngày 17 -19/11) tại làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya) và một số địa điểm khác trên địa bàn xã Chư Đang Ya và xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh); Giải chạy bộ “Gia Lai City Trail 2023 - Giấc mơ đại ngàn” kết hợp tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch TP Pleiku diễn ra từ ngày 17 - 19/11 tại Khu di tích thắng cảnh Biển Hồ và đường Anh Hùng Núp (TP Pleiku); Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô lần thứ IV và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai năm 2023 diễn ra từ ngày 16 - 18/11 tại làng Dăng, xã Ia O.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch, Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023 nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc hấp dẫn, giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch của tỉnh, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, nằm trong Chương trình hành động phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tuân thủ các nội dung đã cam kết giữa Việt Nam với UNESCO cũng như các tổ chức thế giới về văn hóa, giáo dục khác.
Trong khi đó, Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Cần Thơ 2023 sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ 1/12 đến 3/12/2023) tại TP Cần Thơ. Đây là lần thứ 2 Hội chợ VITM được tổ chức tại TP Cần Thơ, do Hiệp hội Du lịch Việt Nam chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và Hiệp hội Du lịch Cần Thơ.
Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hội chợ VITM Cần Thơ 2023 có chủ đề “Du lịch sinh thái- - Đồng bằng Sông Cửu Long", cũng là thế mạnh của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hội chợ sẽ tập hợp các doanh nghiệp và giới thiệu các sản phẩm du lịch sinh thái độc đáo của từng tỉnh tại ĐBSCL. Hội chợ dự kiến có 350 gian hàng về du lịch, thương mại, ẩm thực cùng nhiều hoạt động chuyên đề, nhằm tạo ra một bức tranh đầy đủ về du lịch ĐBSCL.
Trong khuôn khổ hội chợ VITM Cần Thơ 2023, dự kiến 2 đoàn khảo sát gồm các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam và quốc tế sẽ đến tham quan các điểm du lịch tiêu biểu và làm việc với các doanh nghiệp du lịch trong khu vực ĐBSCL. Qua đó, các doanh nghiệp sẽ đánh giá các sản phẩm du lịch độc đáo của khu vực, chất lượng dịch vụ và xây dựng các chương trình du lịch để quảng bá, chào bán các sản phẩm đó cho du khách.
Cũng trong khuôn khổ hội chợ sẽ có lễ hội ảm thực đặc trưng các vùng miền hướng tới khai thác thế mạnh các sản phẩm nông nghiệp địa phương và trên cả nước.
Theo các doanh nghiệp du lịch, từ nay đến cuối năm là khoảng thời gian đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch bởi đây là giai đoạn chuyển tiếp từ mùa du lịch nội địa sang thu hút khách quốc tế. Ông Lê Công Năng, CEO Wondetour cho biết: “Mới đây, Bộ Y tế công bố dịch COVID-19 hạ từ nhóm bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm (nhóm A) sang nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (nhóm B) là thông tin tích cực, khẳng định môi trường du lịch Việt Nam an toàn với du khách. Tuy nhiên, từ khi chúng ta mở cửa du lịch thì COVID- 19 không còn là nguyên nhân chính tác động đến ngành du lịch mà suy thoái kinh tế mới là lý do khiến ngành du lịch phục hồi chậm. Bên cạnh đó là là chất lượng sản phẩm du lịch và quản lý điểm đến cần được chú trọng”.
Cùng quan điểm về vấn đề này, ông Dương Xuân Tráng, Giám đốc Công ty lữ hành Mai Việt cho biết: “Việc Việt Nam công bố dịch COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B là thông tin tích cực. Tuy nhiên, khoảng gần 2 năm nay, yếu tố này không tác động nhiều đến việc thu hút khách. Vấn đề khách quốc tế quan tâm đến Việt Nam là giá cả đường bay hiện khá cao, bên cạnh đó là chất lượng sản phẩm du lịch. Sau dịch COVID-19, quan niệm của du khách về an toàn du lịch thay đổi, trong đó tập trung du lịch xanh, du lịch cộng đồng, sức khỏe. Để làm được điều này, các điểm đến cung cấp sản phẩm du lịch mới hoặc làm mới sản phẩm cũ, nâng cao chất lượng dịch vụ”.
Lượng khách quốc tế tăng trưởng
Theo đại diện Cục Du lịch quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), sau khi Việt Nam áp dụng mới về chính sách visa, lượng khách từ 15/8/2023 đến nay, lượng khách tăng trưởng tích cực. Trong tháng 10/2023, Việt Nam đón 1,11 triệu lượt khách quốc tế, đánh dấu tháng thứ 4 liên tiếp ngành du lịch đón trên 1 triệu lượt khách quốc tế. Tính chung 10 tháng, tổng lượng khách quốc tế đạt gần 10 triệu lượt. Về quy mô thị trường, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong 10 tháng đầu năm 2023 với 2,9 triệu lượt; thị trường Trung Quốc đạt 1,3 triệu lượt, xếp ở vị trí thứ 2. Tính riêng lượng khách từ 2 thị trường này chiếm 42% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Tiếp theo là Mỹ (thứ 3) với 667 nghìn lượt, Đài Loan (Trung Quốc) (thứ 4) với 606 nghìn lượt, Nhật Bản (thứ 5) với 469 nghìn lượt.
Đáng chú ý là các thị trường xa từ Châu Âu tiếp tục đạt mức tăng trưởng tốt gồm có thị trường khách Anh, Pháp, Đức. Một số thị trường khác quy mô nhỏ nhưng có mức tăng khá cao như: Đan Mạch (tăng 61,7%), Thụy Sĩ ( tăng 54,1%), Phần Lan (tăng 42,8%), Thụy Điển (tăng 30,3%)...
Với những nỗ lực trên, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã vượt xa kế hoạch đề ra từ đầu năm. Căn cứ tình hình thực tế, vừa qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã điều chỉnh mục tiêu đón khách quốc tế năm 2023 từ 8 triệu lên khoảng 12 - 13 triệu lượt.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia cho biết, hiện nay các địa phương cũng đang tăng cường đầu tư làm mới sản phẩm và nâng cấp chất lượng dịch vụ, quan tâm đến các tiêu chuẩn dịch vụ quốc tế. Các địa phương cũng triển khai đồng bộ giải pháp đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững theo hướng “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.
Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng triển khai xúc tiến, quảng bá tại một số thị trường trọng điểm như tham gia Hội chợ Triển lãm Du lịch Trung Quốc - ASEAN 2023 tại thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Theo đó, gian hàng chung Việt Nam được thiết kế với không gian mở, trong đó trưng bày, giới thiệu đến khách tham quan các điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc của Việt Nam như Nha Trang, Bình Thuận, Hội An, Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Quảng Ninh... các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch chăm sóc sức khỏe, ẩm thực… Bên cạnh đó, Năm Du lịch quốc gia 2024 tại Điện Biên cũng được Đoàn Việt Nam giới thiệu quảng bá.
Trong tháng 10 này, tại thành phố Seoul, trong khuôn khổ Lễ hội Xúc tiến Du lịch Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc năm 2023, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức Chương trình xúc tiến giới thiệu du lịch Việt Nam.
Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam được tổ chức thường niên tại Hàn Quốc thể hiện quan hệ hợp tác bền chặt giữa hai quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch và văn hóa. Chương trình quảng bá những điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn dành riêng cho khách du lịch Hàn Quốc. Đồng thời, chương trình tạo cơ hội để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam và Hàn Quốc gặp gỡ, tìm kiếm các cơ hội hợp tác, kinh doanh, tăng cường trao đổi khách du lịch hai chiều trong bối cảnh hai nước đang tăng cường hợp tác song phương về kinh tế và văn hóa.
Từ ngày 15/8/2023, Việt Nam áp dụng cấp thị thực điện tử đối với công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ, cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử tại 42 cửa khẩu quốc tế (hàng không, đường bộ và đường biển), nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên đến 90 ngày; điều chỉnh nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân 13 nước được đơn phương miễn thị thực, trong đó có Hàn Quốc.