Tăng tốc thi công Sân bay Long Thành, nhóm ngành nào trực tiếp hưởng lợi?
Theo các chuyên gia, dự án Sân bay Long Thành (SBLT) có thể đem lại tăng trưởng lợi nhuận trực tiếp cho 7 nhóm ngành trong suốt quá trình từ thi công đến vận hành giai đoạn 2021 - 2028. Việc đẩy nhanh tốc độ thi công dự án trong năm nay sẽ là động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp xây lắp và đá xây dựng giai đoạn 2023 - 2026.
Gói thầu thi công nhà ga hành khách được kỳ vọng sẽ khởi công trong tháng 8/2023
Sau nhiều lần hủy và gia hạn mời thầu, gói thầu xây dựng công trình hạ tầng lớn nhất Việt Nam – 5.10 – Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách tại SBLT đã chính thức đóng/mở thầu lần 2 vào ngày 12/6 vừa qua.
Theo đại diện của chủ đầu tư - Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (UPCoM: ACV), đã có 3 liên danh nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (so với chỉ 1 liên danh của lần mở thầu đầu tiên). Cả 3 liên danh trên đều có tham gia của nhà thầu nước ngoài, với kinh nghiệm và năng lực thi công tốt sẽ giúp gia tăng điểm thầu.
Cụ thể, phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 mới đây (ngày 27/6), ông Lê Viết Hiếu - Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán HBC) chia sẻ, Xây dựng Hòa Bình và 3 doanh nghiệp trên đã thành lập liên minh Hoa Lư để tham gia gói thầu thi công nhà ga hành khách (5.10) thuộc dự án trọng điểm quốc gia sân bay Long Thành.
Trước đó, ngày 15/6, ACV thông tin có 3 nhóm nhà thầu tham dự gói 5.10, gồm một nhóm đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, một nhóm đến từ Trung Quốc và một nhóm đến từ nhà thầu trong nước. Hiện ACV đang bắt tay vào quá trình chấm thầu. Dự kiến thời gian chấm thầu mất ít nhất từ 1,5 tháng trở lên vì tính chất phức tạp của gói thầu.
Như vậy, nhiều khả năng nhóm nhà thầu trong nước duy nhất nộp hồ sơ dự thầu gói 5.10 là liên minh Hoa Lư như Hòa Bình tiết lộ.
Đánh giá trong báo cáo hồi cuối tháng 6, nhóm phân tích CTCK VNDIRECT kỳ vọng gói thầu quan trọng này sẽ tìm được nhà thầu và chính thức khởi công trong tháng 8/2023 (sau 2 tháng chấm thầu), tạo tiền đề giúp SBLT đẩy mạnh tiến độ thi công.
SBLT sẽ là động lực tăng trưởng đối với các DN xây lắp và đá xây dựng giai đoạn 2023 - 2026
Trong dự án thành 3 của SBLT giai đoạn 1, VNDIRECT nhận thấy có 4 gói thầu đáng chú ý, lần lượt là gói 3.4 – thi công san nền và thoát nước; gói 5.10 - xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách; gói 6.12 – xây dựng các tuyến đường kết nối sân bay Long Thành và cuối cùng là gói xây dựng đường cất, hạ cánh và đường lăn sân bay. Các gói thầu còn lại chủ yếu có quy mô nhỏ hơn, bao gồm tư vấn giám sát, tư vấn lập thiết kế kỹ thuật, thi công tường vây, bảo hiểm công trình,…
Theo các chuyên gia, việc gói thầu lớn nhất - 5.10 dự kiến được khởi công trong tháng 8/2023 cũng sẽ giúp các gói thầu khác sớm được triển khai trong thời gian tới. Phía chủ đầu tư ACV kỳ vọng dự án sẽ hoàn thành trong năm 2026, chậm hơn kế hoạch ban đầu là năm 2025.
VNDIRECT cho rằng SBLT sẽ là động lực tăng trưởng đối với các doanh nghiệp xây dựng – vật liệu xây dựng trong giai đoạn 2023 - 2026. Sau khi hoàn thành, các doanh nghiệp cảng hàng không, dịch vụ hàng không và hãng hàng không cũng sẽ được hưởng lợi từ dự án.
Các chuyên gia dự báo những doanh nghiệp xây dựng niêm yết không trúng thầu trong lượt mở thầu đầu tiên của gói 5.10 (bao gồm CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC), CTCP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD), Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (HOSE: VCG), và CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings (HOSE: PHC) sẽ tiếp tục tham gia các liên danh trong lượt mở thầu thứ 2.
Việc được lựa chọn tham gia thi công gói 5.10 sẽ giúp các công ty trên có cơ hội bứt phá mạnh về kết quả kinh doanh trong giai đoạn 2023 - 2026 nhờ quy mô rất lớn của gói thầu so với doanh thu mảng xây lắp của các doanh nghiệp trong ngành.
Về mảng xây dựng, CTCP Tập đoàn CIENCO4 (UPCoM: C4G) theo đó được dự báo là 1 trong những “ứng cử viên” cho gói thầu Xây dựng đường cất hạ cánh và đường lăn sân bay tại SBLT nhờ kinh nghiệm tham gia nhiều hạng mục thầu tương tự trong quá khứ tại các sân bay Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Phú Quốc,…
Về mảng vật liệu xây dựng, do đặc thù của ngành đá xây dựng, chi phí vận chuyển thường chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành thành phẩm. Tùy thuộc vào khoảng cách và loại hình vận chuyển, giá đá giao đến công trường có thể cao gấp đôi giá đá tại mỏ.
Vì vậy, những mỏ đá nằm gần các công trình xây dựng (giao thông, khu công nghiệp, dân cư) hoặc gần sông (thuận tiện vận chuyển đường thủy – có chi phí thấp hơn vận chuyển đường bộ) sẽ được ưu tiên huy động nhờ lợi thế về giá bán và thời gian vận chuyển.
VNDIRECT nhận định cụm mỏ Tân Cang sẽ là nguồn cung cấp chính đá xây dựng cho dự án SBLT nhờ sở hữu vị trí gần công trường nhất và chất lượng đá tốt.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp niêm yết cũng đang sở hữu mỏ tại cụm mỏ Tân Cang. CTCP Xây dựng và Sản xuất Vật liệu xây dựng Biên Hòa (Upcom, VLB) đang sở hữu mỏ Tân Cang 1 với công suất khai thác cấp phép lớn nhất là 1.500.000 m3/năm, thời gian khai thác dài và trữ lượng còn lại tại cuối năm 2022 lên tới 25,7 triệu m3.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, nhu cầu đá xây dựng cho thi công SBLT giai đoạn 1 lên tới 18 triệu m3, tương đương 56% công suất khai thác được cấp phép hàng năm của tỉnh Đồng Nai. Trên cơ sở đó, nhóm phân tích dự báo dự án SBLT sẽ là cú hích lớn đối với các doanh nghiệp đá xây dựng trong thời gian tới.