Tăng tốc thu ngân sách
Xác định rõ những khó khăn trong công tác thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020, ngành thuế tỉnh đã tăng cường chỉ đạo, điều hành quyết liệt để dồn lực trong những tháng cuối năm, phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSNN.
Tăng tốc thu ngân sách
Doanh nghiệp gặp khó
Mặc dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt, tuy nhiên những ảnh hưởng tiêu cực vẫn hiện rõ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… điều này ảnh hưởng lớn đến công tác thu ngân sách nhà nước của tỉnh. Trong đó, khu vực du lịch, dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đặc biệt thời điểm từ tháng 3 - 5 bùng phát dịch Covid-19, hầu hết các hoạt động du lịch, dịch vụ phải đóng cửa, hoạt động sản xuất cũng bị đình trệ. Thống kê của ngành du lịch, số lượng khách đến Bình Thuận nghỉ dưỡng 9 tháng giảm 55% so cùng kỳ, doanh thu từ du lịch cũng giảm 40,1%. Mặc dù số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có tăng nhưng tổng vốn đăng ký mới giảm, số doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động tăng cao. Do đó đã làm mức thu thuế giảm ở hầu hết các địa bàn và các ngành dịch vụ, sản xuất, tiêu dùng… dẫn đến số thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh bị sụt giảm, 9 tháng qua nguồn thu này đạt 937 tỷ đồng, giảm 17,1% so năm 2019. Tại 9 huyện, thị xã, thành phố, nguồn thu ngoài quốc doanh đạt thấp, chỉ có huyện Hàm Thuận Nam thu ngoài quốc doanh vượt 17,2% so cùng kỳ nhờ nộp thuế tài nguyên của Công ty Tân Quang Cường.
Bà Trần Thị Diệu Hoàng – Cục trưởng Cục Thuế tỉnh nhận định: “Trong cơ cấu nguồn thu của tỉnh, nguồn thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa thật bền vững do số doanh nghiệp lớn đóng góp cho ngân sách tỉnh vẫn còn ít. Nguồn thu từ tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết hiện vẫn chiếm tỷ trọng cao (chiếm 27%) trong tổng thu nội địa”. Tuy nhiên, năm nay nguồn thu từ đất phát sinh thấp nên không bù đắp tổng thu chung. Thu tiền sử dụng đất của tỉnh 9 tháng đạt 709 tỷ đồng, bằng 101,3% dự toán năm, giảm 28,9%. Các khoản thu khác từ đất như thu lệ phí trước bạ những năm trước chủ yếu phát sinh thu trước bạ nhà đất, trước bạ ô tô nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các hoạt động giao dịch bất động sản không còn sôi động nên số thu sụt giảm mạnh…
Dồn lực hoàn thành dự toán
Có thể nói, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh nên 9 tháng qua thu nội địa (trừ dầu) được 5.800 tỷ đồng, đạt 75,8% so dự toán UBND tỉnh, Bộ Tài chính giao đó là sự nỗ lực rất lớn. Tháng 10, Cục Thuế tỉnh phấn đấu thu đạt 650 tỷ đồng, gồm thu nội địa là 450 tỷ đồng, thu từ dầu thô 100 tỷ đồng và thu từ xuất nhập khẩu là 100 tỷ đồng, góp phần hoàn thành dự toán thu 10.750 tỷ đồng.
Từ nay đến cuối năm, Cục Thuế tỉnh tiếp tục theo dõi tiến độ thu ngân sách, phân tích cụ thể từng địa bàn, khu vực, từng sắc thuế. Qua đó, khai thác tốt các nguồn thu còn tiềm năng như thu từ đất, tài nguyên, khoáng sản, bù đắp các khoản hụt thu do dịch Covid-19 gây ra. Tăng cường thu các đối tượng tăng trưởng sản xuất kinh doanh nhờ vào việc thay đổi thói quen người tiêu dùng do dịch Covid-19 như: hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, dịch vụ viễn thông, internet...
Đối với các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu, ngành thuế cùng phối hợp với các sở, ngành địa phương kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý cho hiệu quả, tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh chống thất thu ngân sách. Cùng với việc điều hành thu, các giải pháp cấp bách về hỗ trợ người nộp thuế, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ tiếp tục được đẩy mạnh, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Tập trung thu hồi nợ đọng, các khoản nợ liên quan đến đất dự án do chính quyền địa phương quản lý, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng xuống dưới 5%...
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/tang-toc-thu-ngan-sach-132505.html