Tăng tốc xóa nhà tạm, dột nát trên toàn quốc

Các địa phương trên cả nước đang tăng tốc hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công trước ngày 27/7; hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc trước ngày 31/8. Đến nay, 18/34 địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát.

Niềm vui nhà mới khắp mọi miền

"Từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ dám nghĩ sẽ có điều kiện dựng một ngôi nhà mới để ở. May mắn được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, họ hàng, làng xóm, gia đình tôi đã có nhà mới kiên cố", bà Hoàng Thị Thinh (thôn Minh Thành, xã Mường Lai, tỉnh Lào Cai, là vợ liệt sĩ) chia sẻ sau khi được hỗ trợ từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm gia đình ông Xa Văn Vọng, là hộ nghèo (xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình cũ, nay thuộc Phú Thọ) được hỗ trợ xây lại nhà mới sau khi phát động phong trào Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước trong năm 2025. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm gia đình ông Xa Văn Vọng, là hộ nghèo (xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình cũ, nay thuộc Phú Thọ) được hỗ trợ xây lại nhà mới sau khi phát động phong trào Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước trong năm 2025. Ảnh: VGP.

Tại Tuyên Quang, gia đình anh Bàn Văn Hoàn (dân tộc Dao, thôn Khuôn Pồng, xã Chiêm Hóa) là hộ nghèo đặc biệt khó khăn. Sau hơn 20 năm sống trong ngôi nhà tạm bợ, đến tháng 3/2025, gia đình anh đã được hỗ trợ xây dựng nhà mới theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương mới đây đã chủ trì Phiên họp thứ 12 của Hội đồng nhằm đánh giá kết quả công tác thi đua, khen thưởng 6 tháng đầu năm 2025 và đề ra nhiệm vụ trọng tâm cho 6 tháng cuối năm.

Tại đây, Thủ tướng giao Bộ Dân tộc và Tôn giáo chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương có liên quan tổ chức tổng kết thực hiện phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, hoàn thành trước ngày 31/8/2025.

Ngôi nhà có diện tích hơn 70m2, với kinh phí xây dựng hơn 200 triệu đồng. Trong đó, ngoài tiền hỗ trợ của Nhà nước, gia đình anh còn nhận được sự hỗ trợ của cán bộ, nhân viên Ban Nội chính Tỉnh ủy và Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các nhà hảo tâm; có sự góp công san ủi mặt bằng, đào móng, xây dựng của gần 100 đoàn viên, bà con trong thôn, xã.

Sau bao năm sống trong cảnh nghèo khó, căn nhà cũ kỹ của ông Đinh Văn Hơi (thôn Bà He, xã Sơn Tây Hạ, tỉnh Quảng Ngãi) đã mục ruỗng. Được sự hỗ trợ của Nhà nước và sự chung tay của chính quyền địa phương, bà con, giấc mơ về một mái ấm vững chãi đã thành hiện thực.

"Tôi không dám mơ đến ngày có nhà đẹp thế này. Nay có nhà mới rồi, vợ chồng tôi sẽ yên tâm làm ăn, cố gắng thoát nghèo", ông Hơi phấn khởi.

Trong căn nhà còn thơm mùi sơn mới, bà Sơn Sà Qui (ấp Cả Vĩnh, xã Hưng Hội, tỉnh Cà Mau) bày tỏ: "Trước đây, nhà tôi xây dựng bằng cây lá tạm bợ, chỉ đủ để che nắng, mỗi khi trời mưa lớn, nhà dột khắp nơi. Tôi lớn tuổi rồi, làm không đủ ăn nên đâu có tiền để sửa chữa. Bây giờ, được hỗ trợ cho căn nhà mới khang trang, gia đình tôi mừng lắm".

Đến đầu thôn Cây Đề, xã Thuận An, TP Hà Nội, hỏi nhà bà Nguyễn Thị Nhàn, câu trả lời nhận được là: "Có phải bà Nhàn mới xây nhà không?".

Bà Nhàn hơi lẫn, lâu nay sống một mình trong ngôi nhà cũ cấp bốn, ngồi trong có thể nhìn xuyên qua mái ngói, thấy được bầu trời. Nhiều năm qua, để tránh dột, họ hàng bà Nhàn căng bạt trùm lên mái ngói. Nhưng mỗi khi trời mưa to, bão lớn, người thân lại giục bà đi lánh sang nhà hàng xóm vì sợ… nhà đổ sập.

Với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự đóng góp "đồng ngân, đồng xuyến" của người thân, tháng 5/2025, bà Nhàn hoàn thành xây dựng một ngôi nhà mới khang trang, cách ngôi nhà cũ một cái sân.

"Giờ mưa bão to đến mấy, gia đình chúng tôi vẫn yên tâm, không phải thúc giục bà Nhàn đi lánh nữa", bà Nguyễn Thị Chuyền, chị gái họ bà Nhàn chia sẻ.

Nhiều địa phương vượt tiến độ

Theo báo cáo của Bộ Dân tộc và Tôn giáo, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương xóa nhà tạm, nhà dột nát, đến hết ngày 8/7/2025, các địa phương trên cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát 264.522 căn, trong đó khánh thành 229.328 căn; khởi công, đang xây dựng 35.194 căn.

Lực lượng quân đội tham gia hỗ trợ người dân dựng lại nhà cửa, chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: Văn Hoan.

Lực lượng quân đội tham gia hỗ trợ người dân dựng lại nhà cửa, chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: Văn Hoan.

Điều này có nghĩa là có hơn 264 nghìn hộ gia đình trong cả nước đã, đang và sẽ được hưởng niềm vui, sống an lành trong ngôi nhà mới, ngôi nhà được cải tạo sửa chữa khang trang…

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (Chương trình) gồm 3 nội dung: Hỗ trợ nhà ở cho người có công khó khăn về nhà ở do ngân sách Nhà nước bảo đảm; hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các Chương trình mục tiêu quốc gia; hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát theo Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát do Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động ngày 5/10/2024 (Chương trình phát động).

Chương trình liên tục thay đổi mốc hoàn thành. Ban đầu, rút ngắn thời hạn sớm hơn 5 năm so với kế hoạch ban đầu, từ năm 2030 xuống năm 2025. Tiếp đó, mốc thời gian từ 31/12/2025 xuống 30/10/2025. Đến nay, mục tiêu được chốt là hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công, thân nhân liệt sĩ trước ngày 27/7; hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong toàn quốc trước ngày 31/8.

Báo cáo tại phiên họp thứ 6 Ban Chỉ đạo Trung ương xóa nhà tạm, nhà dột nát ngày 9/7, Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Nông Thị Hà cho biết, đến nay có 18/34 địa phương hoàn thành Chương trình (đạt 52,9%), gồm: Hà Nội, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đồng Nai, TP.HCM, Tây Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ.

Dự kiến, ngày 18/7/2025, TP Huế công bố hoàn thành mục tiêu, nâng tổng số địa phương hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát là 19/34 địa phương.

Về kinh phí cho Chương trình, tổng nguồn lực đã huy động (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, huy động xã hội hóa) đến thời điểm này được trên 17.802 tỷ đồng; thu hút hơn 113,4 nghìn lượt người tham gia, đóng góp tổng cộng trên 1 triệu ngày công lao động. Tổng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 đã phân bổ hỗ trợ các địa phương triển khai Chương trình là hơn 4.558 tỷ đồng.

Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương, để có được kết quả nổi bật trên là nhờ sự chỉ đạo sát sao từ Trung ương, sự vào cuộc thần tốc, có trách nhiệm cao của chính quyền các cấp, các Bộ, ban, ngành, các cơ quan, đoàn thể và các lực lượng, doanh nghiệp, người dân…

Các cán bộ chiến sĩ Công an xã Púng Luông, tỉnh Lào Cai hỗ trợ xóa nhà dột nát trên địa bàn xã tháng 5/2025, để về đích ngày 30/6/2025 trước thời hạn 80 ngày. Ảnh: Hà Thắng.

Các cán bộ chiến sĩ Công an xã Púng Luông, tỉnh Lào Cai hỗ trợ xóa nhà dột nát trên địa bàn xã tháng 5/2025, để về đích ngày 30/6/2025 trước thời hạn 80 ngày. Ảnh: Hà Thắng.

Trong đó, nhiều địa phương có cách làm hay. Một số địa phương có điều kiện như: TP.HCM, Hà Nội, Bắc Ninh, Đồng Nai… đã hỗ trợ cho nhiều tỉnh khác nguồn kinh phí để thực hiện Chương trình.

Nhiều địa phương huy động các nguồn xã hội hóa lên đến 80%, kết hợp với nguồn của địa phương, chủ động tăng mức hỗ trợ cho hộ dân. Nhiều địa phương linh hoạt trong xử lý các vấn đề liên quan đến đất đai; thực hiện khoán, phân cho mỗi cán bộ tỉnh phụ trách một xã nghèo nhằm bảo đảm triển khai Chương trình hiệu quả.

Chia sẻ kinh nghiệm, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng cho biết, quá trình triển khai thực hiện, tỉnh đã linh hoạt cấp quyền sử dụng đất cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trước đó, do nhận thức hạn chế, các hộ dân không xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Còn tại Tây Ninh, với các trường hợp hộ không có đất, tỉnh chủ động bố trí quỹ đất công, xây dựng các khu dân cư mới được đầu tư hạ tầng đồng bộ.

Theo tiêu chuẩn diện tích của Trung ương, mỗi căn nhà rộng 32m2, nhưng tỉnh đã nâng diện tích lên 42m2 nhằm đảm bảo điều kiện sinh hoạt tốt hơn cho các hộ dân. Khi bàn giao nhà, tỉnh còn tặng thêm tivi, quạt điện, nồi cơm điện, bể chứa nước sạch và hệ thống xử lý nước.

Một điểm sáng của Chương trình là tinh thần tương thân tương ái. Tại nhiều địa phương, người dân sẵn sàng góp ngày công, vật liệu, hiến đất để giúp hàng xóm có mái nhà kiên cố. Đơn cử, tại tỉnh Tuyên Quang (cũ), hàng chục hộ dân đã tự nguyện hiến đất giúp các gia đình khó khăn có chỗ dựng nhà.

Tại tỉnh Yên Bái (cũ), ở các bản làng vùng cao, dựng nhà không chỉ là việc riêng của mỗi hộ, mà là "việc chung của cả bản". Khi một hộ bắt đầu dựng nhà, trưởng thôn sẽ thông báo, người góp ngày công, người mang tre, gỗ, tấm lợp. Phụ nữ nấu cơm, thanh niên gùi vật liệu, già làng động viên, chỉ đạo.

Ở các xã vùng sâu thiếu thợ, thiếu người, bộ đội, công an chính quy "cắm bản" cùng người dân dựng nhà. Mỗi tuần có 5 - 7 tổ công tác của công an, dân quân túc trực ở các điểm xây dựng, không chỉ hỗ trợ ngày công mà còn hướng dẫn kỹ thuật, đảm bảo an toàn lao động.

Trung bình mỗi địa phương cần thực hiện 26 căn mỗi ngày

Cùng các địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ, Bộ Xây dựng đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg ngày 22/11/2024 về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023 - 2025.

Bộ sớm ban hành hướng dẫn về tiêu chí xác định nhà tạm, nhà dột nát làm căn cứ xác định đối tượng hỗ trợ; hướng dẫn các địa phương nghiên cứu thiết kế một số nhà điển hình, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, hiệu quả, phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán của từng địa phương…

Đến thời điểm này vẫn còn 16/34 tỉnh, thành phố chưa hoàn thành. Số lượng nhà còn lại cần triển khai là 25.232 căn, gồm đang xây dựng 18.799 căn và chưa khởi công 6.433 căn. Để hoàn thành mục tiêu đúng hạn, trung bình mỗi địa phương cần thực hiện khoảng 26 căn mỗi ngày.

Hỗ trợ hơn 32 nghìn nhà ở cho hộ người có công

Theo Bộ Xây dựng, thực hiện Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg, các địa phương đã phê duyệt Đề án người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ cần hỗ trợ về nhà ở theo quy định, với tổng số 43.685 hộ (gồm 17.619 hộ xây mới, 26.066 hộ sửa chữa), tương ứng khoảng 1.682 tỷ đồng hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và khoảng 158 tỷ đồng hỗ trợ từ ngân sách địa phương.

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, đến ngày 11/7/2025, số liệu rà soát thực tế là 37.515 hộ, giảm khoảng 6.170 hộ so với số liệu Đề án phê duyệt và giảm khoảng 12.925 hộ so với số liệu gửi Bộ Tài chính về bố trí vốn thực hiện.

Nguyên nhân là các hộ đã được hỗ trợ từ các chương trình khác; những hộ đã được địa phương tự thực hiện hỗ trợ; các hộ sau khi rà soát không còn đúng theo quy định...

Tính đến ngày 11/7/2025, các địa phương đã thực hiện hỗ trợ cho 32.398/43.685 hộ của tổng Đề án (gồm 29.221 hộ đã hoàn thành và 3.177 hộ đang hỗ trợ), đạt tỷ lệ 74,2%; đạt 86,4% theo số liệu thực tế (32.398/37.515 hộ). Còn lại 5.717 hộ chưa khởi công.

Nhóm phóng viên

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/tang-toc-xoa-nha-tam-dot-nat-tren-toan-quoc-192250715215448341.htm