Tăng trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Ảnh minh họa
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, việc người dân, trong đó có cả trẻ em, tiếp cận và sử dụng internnet, mạng xã hội (MXH) ngày càng phổ biến. Bên cạnh những lợi ích từ internet, MXH mang lại thì cũng tiềm ẩn không ít mặt trái, rủi ro, trong đó những ảnh hưởng tiêu cực đối với trẻ em trên không gian mạng có thể đem lại hậu quả khôn lường.
Thực tế thời gian qua, những vấn đề trẻ em gặp phải trên không gian mạng đa số là bị sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân để lừa đảo; bị bắt nạt trên không gian mạng; bị ảnh hưởng bởi những trang web “đen”, nội dung độc hại, bạo lực, nhảm nhí, vô bổ, thiếu lành mạnh trên môi trường mạng…
Do đó, việc Bộ Thông tin và truyền thông (nay là Bộ Khoa học và công nghệ) ban hành Quyết định 88/QĐ-BTTTT ngày 21-1-2025 về bộ quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (gọi tắt là Quyết định 88) là rất cần thiết nhằm tăng cường trách nhiệm của cha mẹ, giáo viên, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet, nền tảng MXH và cả người dùng MXH.
Quyết định 88 nêu rõ quy tắc ứng xử cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và giáo viên về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Trong đó nhấn mạnh sự hỗ trợ, đồng hành và hướng dẫn trẻ em thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro và đảm bảo an toàn khi tham gia các hoạt động trên môi trường mạng. Ngoài ra, Quyết định 88 còn xác định quy tắc ứng xử cho các tổ chức, doanh nghiệp truyền thông và người sáng tạo nội dung trên môi trường mạng. Các quy tắc này cũng chính là trách nhiệm của doanh nghiệp truyền thông và người sáng tạo nội dung trên môi trường mạng trong ngăn ngừa những tác hại tiêu cực từ internet tới trẻ em ngay từ khâu sản xuất nội dung số.
Đáng chú ý, việc ngăn chặn những tác động tiêu cực từ không gian mạng không chỉ là trách nhiệm của người lớn, của các doanh nghiệp, mà chính bản thân trẻ em cũng cần được hướng dẫn các kỹ năng, quy tắc ứng xử cần thiết trên không gian mạng. Trong đó, cần chú ý các quy tắc như: giao tiếp, ứng xử tích cực, văn minh và có thái độ tôn trọng người khác trên môi trường mạng; chia sẻ với bạn bè an toàn, lành mạnh và có trách nhiệm không truy cập, sử dụng và chia sẻ các thông tin, nội dung độc hại…
Một khi trẻ em biết rõ các quy tắc ứng xử trên không gian mạng, các em sẽ có trách nhiệm hơn trong việc truy cập, chia sẻ thông tin cũng như: biết cách bảo vệ thông tin cá nhân, bí mật đời sống riêng tư của mình trên không gian mạng; mạnh dạn chia sẻ với cha, mẹ, người chăm sóc hoặc giáo viên về những mối quan hệ, khó khăn, rắc rối của bản thân gặp phải trên môi trường mạng để ngăn ngừa từ sớm những phiền hà, rắc rối từ mặt trái internet mang lại, giúp trẻ an toàn hơn trên không gian mạng.