Tăng trần nợ công có thể tác động tiêu cực lên kinh tế Malaysia
Việc tăng trần nợ công sẽ mang lại nhiều tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Đông Nam Á này.
Theo Tiến sỹ Carmelo Ferlito, Giám đốc điều hành (CEO) của Trung tâm Giáo dục Thị trường Malaysia (CME), việc tăng trần nợ công sẽ mang lại nhiều tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Đông Nam Á này.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Tiến sỹ Ferlito nhấn mạnh lịch sử kinh tế đã cho thấy trên toàn thế giới và trong suốt nhiều thập kỷ qua, chính phủ các nước luôn ở trong tình trạng khẩn cấp, khiến họ liên tục phải vay thêm tiền, tăng thuế hoặc phá giá tiền tệ. Theo ông, các quốc gia nên thận trọng trong việc dựa vào các khoản vay để cấp nguồn lực bổ sung cho ngân sách của chính phủ.
Trước đó, ngày 3/9, Bộ trưởng Zafrul Aziz cho hay trong phiên họp Nội các vào tuần tới, Chính phủ Malaysia sẽ thảo luận việc tăng trần nợ công từ 60% GDP lên 65% GDP trước khi đưa vấn đề này vào nội dung kỳ họp Hạ viện sắp tới.
Theo Tiến sỹ Ferlito, việc tăng trần nợ công có thể gây ra một số tác động tiêu cực đối với nền kinh tế. Các thế hệ tương lai sẽ phải gánh những hậu quả từ khoản nợ bổ sung, ví dụ như khoản nợ phải trả, đồng tiền nội tệ yếu hơn có thể làm tăng lạm phát và ít cơ hội việc làm hơn.
Bên cạnh đó, đề xuất tăng trần nợ từ 60% GDP hiện tại lên 65% GDP có thể làm giảm uy tín của Malaysia và niềm tin của các nhà đầu tư, từ đó hạn chế các khoản đầu tư tư nhân, dẫn đến giảm cơ hội việc làm. Nhu cầu đi vay gia tăng có thể khiến lãi suất tăng lên, do đó có thể không khuyến khích được đầu tư tư nhân.
Tiến sỹ Fermilo đề xuất bốn giải pháp giúp Chính phủ Malaysia tăng nguồn thu ngân sách mà không gây ra tác động tiêu cực về lâu dài. Đầu tiên là tăng tốc độ mở cửa trở lại nền kinh tế, khôi phục các hoạt động kinh tế và đi lại trong nước và quốc tế. Điều này giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với lĩnh vực đầu tư dẫn dắt, từ đó thông qua việc tăng lợi nhuận trong khu vực tư nhân để thúc đẩy nguồn thu của chính phủ.
Hai là, tiếp tục giảm thuế doanh nghiệp.
Ba là, đưa ra chương trình tài khóa đặc biệt cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, giúp các doanh nghiệp này có thể tham gia vào nền kinh tế chính thức bằng cách trả một khoản thuế nhỏ, tương xứng với doanh thu...
Bốn là, tiến hành cải cách thuế dựa trên cơ sở đơn giản hóa và áp dụng thuế giá trị gia tăng nhiều lớp, nhằm mang lại sự ổn định tài chính lâu dài của hộ gia đình cũng như tạo nguồn lực hợp lý cho các khoản đầu tư tư nhân./.