Tăng trưởng của ngành công nghiệp vẫn chưa bền vững

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong quí 3-2024, đã vượt xa các kỳ vọng ban đầu với GDP tăng 7,4%. Đằng sau con số ấn tượng này là sự đóng góp chủ đạo từ ngành công nghiệp, vốn vẫn duy trì ổn định từ đầu năm đến nay. Theo dõi cấu thành trong mức tăng trưởng của công nghiệp có thể cho chúng ta nhiều điều cần lưu ý.

Trong quí 3-2024, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,4%, vượt xa mức dự báo 5,5% của nhiều tổ chức quốc tế trước những khó khăn diễn ra trong quí 3, đặc biệt là bão Yagi. Điều này đánh dấu một sự phục hồi đáng kể sau những khó khăn từ các yếu tố ngoại cảnh như biến động kinh tế toàn cầu và suy giảm của ngành nông nghiệp. Công nghiệp và dịch vụ là hai lĩnh vực chính đóng góp vào sự tăng trưởng này, trong khi mức tăng trưởng của nông nghiệp là rất hạn chế.

Phân tích các động lực tăng trưởng kinh tế

Nhiều người chưa hiểu rõ sự khác biệt giữa hai chỉ số quan trọng: chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) và chỉ số quản lý mua hàng (PMI). Trong khi IIP ghi nhận mức tăng trưởng hơn 10% so với cùng kỳ, phản ánh thực tế sản xuất công nghiệp, thì việc PMI sụt giảm mạnh lại đưa ra nhiều yếu tố cảnh báo.

Việc PMI giảm về mức 50 vào cuối quí 3 cho thấy các doanh nghiệp đang bắt đầu điều chỉnh kế hoạch sản xuất và giảm lượng tồn kho, thể hiện sự lo ngại nhu cầu giảm sút trong thời gian tới. Điều này cho thấy, mặc dù công nghiệp hiện đang là động lực chính cho tăng trưởng, nhưng tâm lý thận trọng của các nhà quản lý có thể dẫn đến khả năng tăng trưởng công nghiệp sụt giảm trong những quí tiếp theo, điều chúng ta cần phải phân tích và theo dõi kỹ lưỡng.

Sự chênh lệch giữa IIP và PMI phản ánh một bức tranh phức tạp về tương lai sản xuất, không chỉ dựa vào dữ liệu hiện tại mà còn phải xét đến các dự báo và tâm lý doanh nghiệp. Sự khác biệt rõ ràng giữa thực tế sản xuất hiện tại và những dự đoán cho tương lai, khiến chúng ta phải xem xét kỹ lưỡng hơn về các động lực tăng trưởng của nền kinh tế cũng như cấu thành tăng trưởng của các động lực tăng trưởng chính như công nghiệp.

Biểu đồ 1 thể hiện mức tăng trưởng kinh tế lũy kế chín tháng của các động lực tăng trưởng chính, từ công nghiệp, nông nghiệp đến dịch vụ. Chúng ta có thể thấy tăng trưởng GDP lũy kế chín tháng đầu năm 2024 đã lên mức 6,82%, cao hơn nhiều so với mức 4,24% cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn sự cải thiện trong tăng trưởng đến từ sản xuất công nghiệp. Nếu như chín tháng đầu năm ngoái tăng trưởng công nghiệp chỉ 1,65% thì năm nay đã tăng lên đến 8,34%. Hoạt động sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng đột phá là điều đáng mừng, nhưng vẫn cần sự chú ý về tính bền vững.

Cấu thành tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp

Để đánh giá được động lực tăng trưởng của từng nhóm ngành công nghiệp nhỏ, chúng tôi đã theo dõi chi tiết về dữ liệu IIP của nhóm ngành khai khoáng; công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất, phân phối điện; cung cấp nước và xử lý rác thải. Ngoại trừ ngành khai khoáng suy giảm, công nghiệp chế biến, chế tạo; điện và nước phát triển mạnh mẽ cho thấy sự phân hóa rõ rệt trong cấu trúc tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp.

Ngành khai khoáng giảm sút do ảnh hưởng của giá cả hàng hóa toàn cầu và nhu cầu trong nước giảm, trong khi các ngành như điện và chế biến, chế tạo lại tăng trưởng nhờ vào sự bơm vốn tín dụng mạnh mẽ. Điều này cho thấy không phải tất cả các ngành công nghiệp đều phát triển đồng đều, và sự phân bổ tín dụng, đầu tư có vai trò quan trọng trong việc duy trì đà tăng trưởng tổng thể.

Tăng trưởng tín dụng trong quí 3-2023 đạt 8,5%, nhưng phần lớn tập trung vào lĩnh vực doanh nghiệp, đặc biệt là công nghiệp và sản xuất. Trái ngược với giai đoạn trước đây khi tín dụng tiêu dùng đóng vai trò chủ đạo, năm 2024 chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ của dòng tiền sang khu vực sản xuất và chế biến.

Điều này cho thấy tầm quan trọng của các ngành công nghiệp đối với tăng trưởng kinh tế, cũng như vai trò của các ngân hàng trong việc hỗ trợ dòng tiền cho các doanh nghiệp chủ lực này. Sự phân bổ tín dụng hợp lý là một yếu tố thiết yếu giúp duy trì đà tăng trưởng.

Nếu theo dõi về mức tăng trưởng của từng nhóm ngành công nghiệp có thể thấy mức tăng trưởng của các ngành có tính chất “xoay vòng” trong năm 2024. Nếu như trong quí 1 sản xuất, phân phối điện là nhóm ngành tăng trưởng vượt trội thì quí 2 vai trò dẫn dắt thuộc về công nghiệp chế biến, chế tạo. Đến quí 3 khi hai nhóm ngành trên giảm tốc thì nhóm ngành cung cấp nước lại tăng trưởng vượt trội để bù đắp. Sự linh hoạt và khả năng thích ứng của các ngành công nghiệp đã giúp Việt Nam tránh khỏi sự phụ thuộc quá lớn vào bất kỳ ngành nào, đảm bảo rằng sự tăng trưởng không bị gián đoạn bởi những biến động ngắn hạn.

Mức sinh lời của cổ phiếu các nhóm ngành công nghiệp cũng phản ánh được tính chu kỳ trong tăng trưởng của nhóm ngành ở trên. Các cổ phiếu tiện ích đã có sự tăng trưởng tốt trong giai đoạn tháng 9 và tháng 10. Trong khi đó, nhóm ngành thực phẩm và may mặc sau khi tăng trưởng tốt trong sáu tháng đầu đã bắt đầu chững lại và giảm trong quí 3, tương ứng với mức sụt giảm tăng trưởng mà chúng ta đã phân tích ở trên.

Sự xoay vòng từng quí của mỗi nhóm ngành cho thấy động lực tăng trưởng của mỗi nhóm ngành công nghiệp có thể không đủ sức duy trì đủ lâu để là động lực ổn định. Việc chỉ số PMI giảm mạnh như đã phân tích ở đầu bài cũng là một dấu hiệu lo lắng về khả năng khó duy trì tăng trưởng của các nhóm ngành trong quí 4 nếu thiếu các giải pháp kích thích đầu tư phù hợp. Khi đó, vai trò của chính sách tiền tệ với các gói tín dụng hỗ trợ sẽ lại đóng vai trò quan trọng.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quí 3-2024 là một minh chứng cho sự phức tạp và linh hoạt của các động lực phát triển công nghiệp. Sự luân phiên phát triển giữa các ngành công nghiệp khác nhau và việc phân bổ tín dụng hợp lý đã giúp Việt Nam vượt qua những thách thức toàn cầu và giữ vững đà tăng trưởng cao trước khi chờ đợi sự phục hồi từ tiêu dùng cuối.

(*) CFA
(**) Wiresearch

Lê Hoài Ân (*) - Nguyễn Thị Ngọc An (**)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tang-truong-cua-nganh-cong-nghiep-van-chua-ben-vung/