Tăng trưởng GDP – Bất ngờ trước các cơn gió ngược
Bức tranh kinh tế sáu tháng đầu năm 2025, bất ngờ nhất có lẽ là khu vực dịch vụ khi tăng mạnh 8,14% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2025. Đặc biệt, xét theo cơ cấu, khu vực dịch vụ cũng lần đầu vượt 43% GDP, phản ánh quá trình tái cơ cấu hướng tới nền kinh tế dựa nhiều hơn vào tiêu dùng.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là đầu kéo chủ lực trong tăng trưởng GDP. Ảnh: LÊ VŨ
Điểm sáng bất ngờ
7,96% là mức tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) của quí 2-2025 so với cùng cùng kỳ quí 2-2024, đưa mức tăng trưởng lũy kế sáu tháng đầu năm 2025 lên 7,52%, cao nhất trong 15 năm qua. Thành tích này đặt Việt Nam vào nhóm tăng trưởng dẫn đầu châu Á và là điểm sáng hiếm hoi của khu vực, dù nền kinh tế vẫn chịu tác động không nhỏ do sự chậm lại của kinh tế toàn cầu.
Đầu năm nay, hầu hết các tổ chức quốc tế đã đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay xuống ngưỡng 2,2-2,9%, trong bối cảnh gia tăng bất ổn về địa chính trị và xung đột quân sự lan rộng ở nhiều quốc gia, căng thẳng thuế quan giữa Mỹ và các nước làm gián đoạn chuỗi cung ứng, nguy cơ chiến tranh thương mại tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Sáu tháng đầu năm nay, trong khi ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng ổn định ở mức 3,84%, giúp kiềm chế lạm phát thực phẩm, góp phần duy trì dư địa cho chính sách tiền tệ, thì khu vực công nghiệp và xây dựng đạt mức tăng trưởng cao nhất - lên đến 8,33% và đóng góp 42,2% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế (GVA). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là đầu kéo chủ lực, khi tăng trưởng bứt phá lên đến 10,1%.
“Thành tích” của khu vực dịch vụ củng cố vai trò của cầu nội địa trong việc bù đắp phần thiếu hụt từ thị trường nước ngoài giữa bối cảnh chiến tranh thương mại giữa các nước và các hàng rào thuế quan đang được dựng lên.
Nếu xét theo chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) với mức tăng trưởng mạnh mẽ 9,2%, ngành chế biến, chế tạo đạt tốc độ tăng trưởng lên tới 11,1%. Trong đó, các ngành dẫn dắt bao gồm xe có động cơ (+31,5%), dệt may (+15,1%) và sản phẩm cao su, plastic (+17%). Điều này cho thấy các chuỗi cung ứng xuất khẩu chủ lực đã trở lại quỹ đạo bình thường, đồng thời hưởng lợi từ dịch chuyển đơn hàng vào Việt Nam.
Tuy nhiên, bất ngờ nhất có lẽ là khu vực dịch vụ khi tăng mạnh 8,14% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2025 và đóng góp 52,2% vào GVA. Đặc biệt, xét theo cơ cấu, khu vực dịch vụ cũng lần đầu vượt 43% GDP, phản ánh quá trình tái cơ cấu hướng tới nền kinh tế dựa nhiều hơn vào tiêu dùng.
Cụ thể, số liệu thống kê cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.416.800 tỉ đồng, tăng 9,3%, cao hơn mức tăng 8,9% của cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng vọt 14,7%; du lịch lữ hành tăng 23,2% nhờ lượt khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10,7 triệu lượt (+20,7%). Sự phục hồi này củng cố vai trò của cầu nội địa trong việc bù đắp phần thiếu hụt từ thị trường nước ngoài giữa bối cảnh chiến tranh thương mại giữa các nước và các hàng rào thuế quan đang được dựng lên.
Xét theo phía cầu, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,95%, đóng góp 84,2% vào tăng trưởng chung, đây là mức cao cho thấy niềm tin người tiêu dùng tiếp tục phục hồi. Tích lũy tài sản tăng 7,98%, phản ánh doanh nghiệp tin vào triển vọng phục hồi khi Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng hai chữ số trong những năm tới. Xuất khẩu ròng vẫn đóng góp dương dù thặng dư thương mại hàng hóa thu hẹp còn 7,63 tỉ đô la Mỹ từ mức 12,15 tỉ đô la Mỹ của cùng kỳ năm ngoái.
Thách thức phía trước
Với kết quả tích cực đạt được trong nửa đầu năm nay, kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam có thể đạt mục tiêu tăng trưởng đầy thách thức là 8% trong năm nay. Dù vậy, nền kinh tế cũng có thể phải đối mặt với một số thách thức và rủi ro tiềm tàng.
Đầu tiên là tính bất định toàn cầu ngày càng gia tăng, từ xung đột quân sự tại các khu vực cho đến chiến tranh thương mại giữa các nước, mà nổi bật là cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc.
Điều này có thể làm tắc nghẽn các chuỗi cung ứng, suy giảm nhu cầu các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như các mặt hàng điện tử, dệt may, nhất là khi phía Mỹ gần đây cũng phát tín hiệu sẽ đánh thuế cao đối với các mặt hàng có tính trung chuyển. Chính sách này có thể khiến mức độ thặng dư thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Mỹ thu hẹp và về mức cân bằng hơn, nhất là khi Việt Nam phải điều chỉnh thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa của Mỹ.
Đây rõ ràng cũng là một trong những yếu tố quan trọng sẽ ảnh hưởng lên tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang phải chứng kiến tình trạng nhập siêu dịch vụ và các hoạt động logistics làm bào mòn thặng dư thương mại hàng hóa trong những năm qua. Số liệu thống kê cho thấy thâm hụt dịch vụ của Việt Nam trong sáu tháng đầu năm nay là 4,71 tỉ đô la Mỹ.
Để giải quyết vấn đề này, một mặt Việt Nam cần sớm mở rộng thị trường xuất khẩu mới, ký thêm các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới để giảm lệ thuộc vào thị trường truyền thống đang suy yếu, đồng thời phải có giải pháp phát triển dịch vụ logistics và kinh tế số, thu hẹp nhập siêu dịch vụ; khuyến khích các “siêu ứng dụng” logistics nội địa và có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư các trung tâm kho cảng.
Bên cạnh đó, dù Israel và Iran gần đây đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn, nhưng căng thẳng tại khu vực này vẫn có nguy cơ bùng lên trở lại bất kỳ lúc nào, khi mà những vấn đề cốt lõi vẫn chưa được xử lý triệt để.
Theo đó, giá năng lượng toàn cầu vẫn đối mặt với khả năng leo thang bất cứ lúc nào, gây áp lực lên lạm phát toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, nhất là khi chuỗi cung ứng cũng bị tác động tiêu cực từ các hàng rào thuế quan và chi phí vận tải gia tăng. Theo đó, cần chuẩn bị sẵn các giải pháp để ổn định giá năng lượng trong nước.
Về tình hình trong nước, tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công dù đã cải thiện, nhưng tiến độ nhiều dự án trọng điểm vẫn chậm, đòi hỏi giải pháp “mạnh, quyết liệt, kịp thời” trong thời gian tới. Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục có các chính sách, giải pháp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, nhất là dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, cảng biển trung chuyển và hạ tầng số, nhằm nhân hiệu ứng lan tỏa sang ngành xây dựng - vật liệu.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tang-truong-gdp-bat-ngo-truoc-cac-con-gio-nguoc/