Đảm bảo nguồn vốn ưu đãi đến tay người dân Thái Nguyên kịp thời, thông suốt sau sáp nhập
Hòa chung trong việc sắp xếp bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp của đất nước, toàn hệ thống NHCSXH đã và đang thực hiện phương án tổ chức lại bộ máy, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; duy trì mạng lưới điểm giao dịch sau hợp nhất, đảm bảo nguồn vốn ưu đãi đến tay người dân kịp thời, thông suốt.

Hộ nghèo, cận nghèo tại Thái Nguyên được vay vốn, đầu tư kịp thời vào sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập.
Chi nhánh NHCSXH tỉnh Thái Nguyên (mới) trên cơ sở hợp nhất hai chi nhánh của tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn (cũ), đã thực hiện nghiêm túc mọi hoạt động giao dịch tại các điểm giao dịch, để dòng vốn tín dụng chính sách của Nhà nước ổn định, thông suốt, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đặc biệt, Phòng giao dịch NHCSXH Bắc Kạn mới thành lập, hoạt động từ ngày 1/7/2025, nhưng đã nhanh chóng triển khai cho vay tại 3 phường, xã, với số vốn 374 tỷ đồng, cho 4.437 hộ vay, thông qua 141 Tổ tiết kiệm và vay vốn và 9 điểm giao dịch.
Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Thái Nguyên Hà Sỹ Côn, trực tiếp điều hành Phòng giao dịch Bắc Kạn, cho biết: Để đảm bảo quyền lợi và thuận tiện cho người dân khi tiếp cận các chính sách tín dụng ưu đãi, đơn vị tiếp tục duy trì 9/9 điểm giao dịch tại các xã, phường như trước đây. Đồng thời, đơn vị tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn; phối hợp ngay và chặt chẽ với UBND các phường, xã, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác, thông báo về địa điểm giao dịch, lịch giao dịch cố định… để Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng như khách hàng nắm bắt, đến giao dịch.
Bên cạnh đó, phòng giao dịch phối hợp với UBND phường, xã mới, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc xác nhận hồ sơ vay vốn, thủ tục ủy quyền, đảm bảo không phát sinh vướng mắc về thủ tục hành chính.

Các điểm giao dịch của NHCSXH tỉnh Thái Nguyên (mới) duy trì hoạt động thông suốt sau sáp nhập và khẩn trương cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi của Nhà nước
Nhờ đó, từ nông thôn đến thành thị ở tỉnh Thái Nguyên hầu hết người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, có đủ điều kiện, đều được vay vốn ưu đãi thuận lợi. Tiêu biểu như, gia đình bà Nguyễn Thị Thức, ở số 5 Xuất Hóa, phường Bắc Kạn, được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Phòng giao dịch NHCSXH Bắc Kạn, đã đầu tư trồng 4ha rừng mỡ, mở rộng 1000m2 ao nuôi cá trắm, chép, mè hoa…
Tương tự, tại phường Đức Xuân, chị Nông Thị Huyền Tâm, ngụ tại tổ dân phố 11B, đã sử dụng 100 triệu đồng vốn ưu đãi để tạo việc làm, mở cửa hàng kinh doanh dịch vụ in ấn, bán văn phòng phẩm…
Đảm bảo dòng chảy tín dụng chính sách luôn được khơi thông
Ông Phạm Tuấn Hưng, Quyền Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Thái Nguyên cho biết: Khi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức đi vào hoạt động, tỉnh Thái Nguyên (mới), vốn có 280 đơn vị hành chính cấp xã và 273 Điểm giao dịch xã thuộc NHCSXH của 2 địa phương cộng lại, đã được sáp nhập còn 32 xã, phường. Tuy nhiên, mạng lưới điểm giao dịch và lịch giao dịch của NHCSXH vẫn được giữ nguyên như trước khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, phường. Theo đó, chi nhánh NHCSXH tỉnh Thái Nguyên tiếp tục duy trì 15 phòng giao dịch cũ và thành lập mới Phòng giao dịch Bắc Kạn. Toàn bộ mạng lưới điểm giao dịch xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng được giữ nguyên để không ảnh hưởng đến việc tiếp cận vốn của người dân.

Dòng chảy tín dụng chính sách luôn được khơi thông
Thời gian qua, chi nhánh NHCSXH của 2 tỉnh Thái Nguyên - Bắc Kạn đã trở thành "cánh tay nối dài" của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, thông qua hoạt động tín dụng ưu đãi dành cho người nghèo và đồng bào các dân tộc thiểu số.
Với mạng lưới trải rộng tới cấp xã cũng như hệ thống tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn, bản, khu phố, mô hình quản lý và công tác tín dụng chính sách của NHCSXH của địa phương có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, từ tỉnh tới cơ sở, từ các ngành đến các tổ chức chính trị - xã hội.
Chi nhánh NHCSXH tỉnh Thái Nguyên (mới) cũng đã nhanh chóng triển khai các biện pháp tổng thể như ổn định tổ chức, giải ngân kịp thời vốn ưu đãi cho những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. 100% điểm giao dịch tại xã của chi nhánh NHCSXH tỉnh Thái Nguyên (mới) hoạt động khẩn trương, chủ động gần dân, sát dân, phục vụ dân tốt hơn, đặc biệt vẫn luôn huy động được nguồn vốn lớn, với 8.959.364 triệu đồng và 23 chương trình tín dụng chính sách.
Nhờ đó, dòng chảy tín dụng chính sách luôn được khơi thông, giúp đông đảo hộ nghèo, cận nghèo, trong đó hơn 100.000 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, được vay vốn, đầu tư kịp thời vào sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, từng bước thoát nghèo bền vững.
Với phương châm hành động rõ ràng, chi nhánh NHCSXH tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, khẳng định vai trò là điểm sáng, là trụ cột trong hệ thống chính sách giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước; góp phần giúp vùng đất trung du miền núi phía Bắc vững vàng bước vào kỷ nguyên vươn mình tới giàu đẹp, hiện đại của đất nước.