Tăng trưởng GDP có phải thước đo của sự thịnh vượng?
Thủ tướng Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP có phải là thước đo duy nhất của sự thịnh vượng của một đất nước hay không?
Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 Quốc hội giao là từ 6,5 - 7%. Trong khi đó, Thủ tướng chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn, đặt mục tiêu tăng trưởng tới 8%/năm.
Việt Nam cần tăng trưởng nhanh bởi mức thu nhập bình quân, mức sống của người Việt đang quá thấp so với thế giới. Theo IMF, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2024 ở mức 4.650 đô la Mỹ/người/năm. Mức thu nhập này chỉ tương đương gần 35% mức thu nhập bình quân của cư dân toàn cầu.
Dù có nhiều đất nước khó khăn hơn Việt Nam, chịu thiên tai, địch họa, chiến tranh,… thì thu nhập bình quân của người Việt vẫn đang rất thấp so với thế giới.
Trong thống kê, tăng trưởng GDP, hay thu nhập bình quân không phải là chỉ số duy nhất để đo sự thịnh vượng của một quốc gia, hay mức độ hạnh phúc, thỏa mãn của người dân quốc gia đó.
Thứ nhất, GDP không phản ánh phân phối thu nhập: GDP cao không có nghĩa tất cả mọi người đều được hưởng lợi. Sự chênh lệch giàu nghèo có thể gia tăng ngay cả khi GDP tăng trưởng. Một quốc gia có thể có GDP cao nhưng phần lớn của cải tập trung vào một nhóm nhỏ dân số, trong khi phần lớn còn lại vẫn sống trong nghèo đói.
Thứ hai, GDP bỏ qua các yếu tố phi kinh tế: GDP chỉ đo lường hoạt động kinh tế và không tính đến các yếu tố quan trọng khác của sự thịnh vượng như sức khỏe, giáo dục, môi trường, tự do chính trị và hạnh phúc của người dân.
Thứ ba, GDP không tính đến kinh tế ngầm: Một phần đáng kể của hoạt động kinh tế, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, diễn ra trong nền kinh tế ngầm, không được tính vào GDP. Gọi kinh tế ngầm không phải là vì bất hợp pháp. Ví dụ: Sức lao động của một bà mẹ tại nhà để chăm sóc con cái, thu vén gia đình, là hoàn toàn không được tính vào GDP, dù rõ ràng nó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mỗi thành viên trong gia đình.
Thứ tư, GDP không phản ánh sự bền vững: GDP tập trung vào sản xuất hiện tại mà không xem xét tác động đến tương lai. Ví dụ, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức có thể làm tăng GDP trong ngắn hạn nhưng gây hại cho môi trường và làm giảm khả năng phát triển bền vững trong dài hạn.
Qua đó, có thể thấy, những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của mỗi người dân, nhưng chưa được tính vào GDP. Nhưng ở bất kỳ thể chế nào, người dân giàu có, hạnh phúc luôn là mục tiêu tối thượng.
Để đánh giá toàn diện sự thịnh vượng của một quốc gia, cần phải xem xét nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cả các chỉ số kinh tế và phi kinh tế. Các chỉ số thay thế hoặc bổ sung cho GDP bao gồm Chỉ số Phát triển Con người (HDI), Chỉ số Hạnh phúc Quốc gia (GNH), Chỉ số Tiến bộ Xã hội (SPI) và Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc (HPI). Những chỉ số này kết hợp các yếu tố như tuổi thọ, giáo dục, thu nhập, bất bình đẳng, môi trường và hạnh phúc chủ quan để cung cấp một bức tranh toàn diện hơn về sự thịnh vượng của một quốc gia.