Tăng trưởng kinh tế của Nghệ An đứng đầu tiểu vùng Bắc Trung Bộ
Trong bối cảnh sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, tăng trưởng kinh tế của Nghệ An ước đạt 8,24%, cao nhất trong vòng 5 năm gần đây.

Ngành chế biến, chế tạo đang trở thành động lực chính cho xuất khẩu của Nghệ An.
Đánh giá về kinh tế - xã hội tại cuộc làm việc của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về thẩm tra các báo cáo do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An trình Hội đồng nhân dân tỉnh cho thấy: Theo công bố của Cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm 6 tháng đầu năm ước đạt 8,24%, xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố trước khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh; thứ 12/34 tỉnh, thành phố sau khi sắp xếp, thứ nhất tiểu vùng Bắc Trung Bộ.
Trong đó, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 4,48%, khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 13,45%, riêng công nghiệp ước tăng 14,42%; khu vực dịch vụ ước tăng 6,72%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 5,59%.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2025 ước thực hiện 13.890 tỷ đồng, đạt 78,4% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, thu nội địa ước thực hiện 13.001 tỷ đồng (đạt 81,2% dự toán, tăng 15,4% so với cùng kỳ); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 870 tỷ đồng (đạt 53,4% dự toán, tăng 4,3% so với cùng kỳ).
Tính đến ngày 30/6/2025, kế hoạch đầu tư công năm 2025 đã giải ngân hơn 3.907 tỷ đồng, đạt 43,09% so với kế hoạch vốn đã giao chi tiết và đạt 39,06% so với tổng kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 (38,52%). Một số nguồn vốn đạt khá như Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (75,23%), Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giải ngân (48,08%)…
Báo cáo cũng cho thấy, 6 tháng qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Nghệ An đạt hơn 3,1 tỷ USD, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều biến động. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1,8 tỷ USD, tăng 25,1% và nhập khẩu hơn 1,32 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Động lực tăng trưởng đến từ việc nhiều doanh nghiệp sớm ký kết đơn hàng ngay từ đầu năm, sản xuất ổn định và thị trường tiêu thụ dần mở rộng.

Lãnh đạo Sở Tài chính báo cáo tại buổi làm việc.
Một số mặt hàng có sản lượng tăng mạnh như: Micro đạt 116,6 triệu chiếc (gấp 5,5 lần); tai nghe không nối với micro 33 triệu chiếc (tăng gần 44%), dock sạc 9,8 triệu chiếc (tăng hơn 32%), điện sản xuất đạt 1.594 triệu KWh (tăng gần 42%). Ngoài ra, nhiều sản phẩm chủ lực tiếp tục duy trì đà tăng như sữa chua 28.300 tấn (tăng 23,2%); dây cáp điện 4.792 tỷ đồng (tăng 22,2%); đường 122.200 tấn (tăng 19,6%); clinker xi măng 4 triệu tấn (tăng 17,2%) và sữa tươi 172,5 triệu lít (tăng 11,6%)…
Tuy nhiên, dù kinh tế tăng trưởng khá nhưng vẫn chưa đạt kịch bản đề ra (9,25%) tạo áp lực lên việc hoàn thành kịch bản tăng trưởng các quý còn lại, việc phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 vẫn còn nhiều thách thức. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; tiến độ thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn còn chậm, nhất là công tác giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn chính, còn gặp khó khăn, vướng mắc; giải ngân vốn đầu tư công một số nguồn vốn còn chậm, còn 11 ngành, lĩnh vực giải ngân dưới mức bình quân.
Tại buổi làm việc, các đại biểu cơ bản thống nhất với báo cáo kinh tế - xã hội của Ủy ban nhân dân tỉnh trình, đồng thời cho rằng trong 6 tháng đầu năm, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn hệ thống và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp chiếm nhiều thời gian nhưng tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, có những điểm sáng rất đáng ghi nhận về tăng trưởng GDRP…
Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm, phần còn lại của năm cần đạt mức tăng trưởng khoảng 12% đã đặt ra áp lực rất lớn. Do đó, Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành cần cụ thể hóa 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã nêu bằng các hành động quyết liệt, rõ ràng. Việc theo dõi, đánh giá cần được thực hiện sát sao, nắm chắc tình hình từng tháng, từng quý để kịp thời điều chỉnh, phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm 2025; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới, đặc biệt sớm thành lập hội đồng giải phóng mặt bằng cấp xã…