Tăng trưởng kinh tế quý I/2025 - Kết quả của quá trình kiến tạo

Với đà phục hồi mạnh mẽ từ cuối năm 2024, quý I/2025, tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Hòa Bình ước đạt 12,67%, cao nhất từ đầu nhiệm kỳ tới nay. Theo đánh giá, chỉ số tăng trưởng quý I là kết quả của quá trình kiến tạo nhiều năm. Đây cũng là bước đà quan trọng để tỉnh tiếp tục thực hiện các kịch bản tăng trưởng từng quý, hướng tới hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt trên 10%.

Với đà phục hồi mạnh mẽ từ cuối năm 2024, quý I/2025, tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Hòa Bình ước đạt 12,67%, cao nhất từ đầu nhiệm kỳ tới nay. Theo đánh giá, chỉ số tăng trưởng quý I là kết quả của quá trình kiến tạo nhiều năm. Đây cũng là bước đà quan trọng để tỉnh tiếp tục thực hiện các kịch bản tăng trưởng từng quý, hướng tới hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt trên 10%.

Các dự án trọng điểm được tập trung triển khai đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Ảnh: Thi công dự án đường liên kết vùng đoạn qua xã Cao Sơn (Lương Sơn).

Các dự án trọng điểm được tập trung triển khai đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Ảnh: Thi công dự án đường liên kết vùng đoạn qua xã Cao Sơn (Lương Sơn).

Theo báo cáo của Chi cục Thống kê tỉnh, ước quý I/2025, GRDP của tỉnh tăng 12,76% so với cùng kỳ năm trước, cao thứ 2 cả nước. Trong đó, công nghiệp - xây dựng ước tăng 27,18%, đóng góp 9,92 điểm phần trăm, riêng công nghiệp ước tăng 33,1%, đóng góp 9,4 điểm phần trăm; nông, lâm, thủy sản ước tăng 4,19%, đóng góp 0,76 điểm phần trăm; dịch vụ tăng 5,91%, đóng góp 2,37 điểm phần trăm.

Trong mức tăng chung của nền kinh tế, có lẽ đây là lần đầu tiên lĩnh vực công nghiệp - xây dựng có bước tăng trưởng khá và đóng góp vào mức tăng trưởng chung của tỉnh. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo quý I ước tăng 9,46%, đóng góp 1,6 điểm phần trăm vào mức tăng chung của tỉnh, trong đó, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học là mũi nhọn của ngành, ước tính tăng 18,85% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 1,15 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Đối với ngành xây dựng, trong quý I đóng góp 0,53 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung, chủ yếu là hoạt động xây dựng các công trình kỹ thuật dân dụng. Nguyên nhân lĩnh vực công nghiệp - xây dựng có đà tăng trưởng mạnh mẽ là do tỉnh xác định việc hoàn thành các dự án trọng điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khi hoàn thành sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn để khai thác tiềm năng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo bứt phá cho sự phát triển toàn diện của tỉnh. Bên cạnh đó, ngành sản xuất, phân phối điện vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp. Quý I ước tăng 87,63%, đóng góp 6,92 điểm phần trăm trong tổng mức tăng chung của tỉnh. Đây là một trong những ngành có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng quý I/2025 của tỉnh.

Với cơ cấu chiếm khoảng 34,6% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), sự phát triển của ngành dịch vụ trong quý I có đóng góp tích cực vào mức tăng chung của cả tỉnh, ước tăng 5,91%, đóng góp 2,37 điểm phần trăm. Nguyên nhân chính do nhiều điểm tham quan du lịch hấp dẫn trên địa bàn đi vào hoạt động. Mặt khác, nhằm thu hút đầu tư du lịch, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho du khách, tỉnh đã đầu tư các bến cảng, tuyến đường 2 bên ven hồ khu du lịch hồ Hòa Bình để kết nối các tuyến, điểm. Đồng thời, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trở thành điểm tham quan du lịch; đẩy mạnh xúc tiến, xây dựng dự án, sản phẩm du lịch chất lượng để khai thác tiềm năng, thu hút thêm nhiều du khách đến với tỉnh. Du lịch phát triển đã giúp các ngành bán buôn, bán lẻ tăng 8,93% (đóng góp 0,49 điểm phần trăm); ngành lưu trú và ăn uống tăng 17,36% (đóng góp 0,64 điểm phần trăm), ngành vận tải tăng 21,09% (đóng góp 0,34 điểm phần trăm).

Mặc dù những tháng đầu năm là thời điểm bước vào niên vụ mới đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhưng với các mô hình liên kết sản xuất, chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao tiếp tục được duy trì và phát triển. Công tác quản lý chất lượng an toàn nông, lâm, thủy sản; quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp được quan tâm, thực hiện hiệu quả. Toàn tỉnh hiện có 158 sản phẩm OCOP 3 - 4 sao, có 7 sản phẩm OCOP đã được xuất khẩu, giúp cho ngành nông, lâm, thủy sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, ước tính quý I/2025 tăng 4,19% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,76 điểm phần trăm vào mức tăng chung của tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Khánh Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thống kê tỉnh cho biết: Kết quả đạt được không chỉ do các yếu tố làm tăng trưởng đột biến, mà là kết quả của cả một quá trình kiến tạo nhiều năm. Năm 2025, Hòa Bình phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng trên 10%, cao hơn chỉ tiêu Trung ương giao (Trung ương giao 9%). Ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã sát sao chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, đánh giá tình hình thực tiễn, nâng cao năng lực phân tích, dự báo, phản ứng kịp thời và có giải pháp hiệu quả. Chủ động nắm bắt, khai thác hiệu quả các cơ hội, thời cơ từ bên ngoài và bên trong nền kinh tế để thực hiện đồng bộ các giải pháp theo từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng chuyển đổi số… tạo đà thu hút đầu tư. Ngoài ra, UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu cụ thể của từng ngành, lĩnh vực, địa phương, đồng thời xây dựng kịch bản tăng trưởng đến từng quý, 6 tháng, năm.

Tiếp đà tăng trưởng quý I, có thể nói, quý II/2025 tỉnh Hòa Bình còn nhiều dư địa để tăng trưởng kinh tế theo kịch bản tăng trưởng đã được UBND tỉnh đề ra. Tỉnh đặt mục tiêu trong quý II tiếp tục khởi công nhiều dự án trọng điểm, như dự án nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ Xuân Thiện Hòa Bình, nhà máy vôi và bột nhẹ Thạch Kim, các dự án sân golf, dự án khu đô thị tại huyện Lương Sơn, thành phố Hòa Bình. Đặc biệt là dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng của Tập đoàn Sun Group... UBND tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy nhanh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, đổi mới các thị trường trọng điểm.

Tuy nhiên, nền kinh tế cũng gặp phải nhiều thách thức không nhỏ từ bên ngoài lẫn bên trong. Điển hình là những tác động về chính sách thuế quan của Mỹ đã tác động rất lớn đến xuất khẩu hàng hóa. Mặt khác, những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng dự án, giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia... cũng tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh", đồng chí Nguyễn Khánh Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thống kê tỉnh phân tích.

Từ những khó khăn, vướng mắc đó, theo đồng chí Phó Chi cục trưởng Chi cục Thống kê tỉnh, để có thể duy trì đà tăng trưởng hiện nay, tỉnh cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút dự án, doanh nghiệp vào đầu tư, tạo động lực phát triển công nghiệp (công nghiệp chế biến chế tạo); duy trì sản xuất nông nghiệp ổn định; đẩy mạnh phát triển dịch vụ. Tiếp tục thực hiện các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời để tháo gỡ khó khăn; sớm khắc phục các điểm nghẽn nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, đặc biệt là các công trình lớn, dự án trọng điểm của tỉnh và các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đinh Hòa

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/200281/tang-truong-kinh-te-quy-i2025-ket-qua-cua-qua-trinh-kien-tao.htm