Tăng trưởng tín dụng năm nay của Ngân hàng Quân đội (MBB) có thể lên tới 25%
Với việc xử lý triệt để vấn đề nợ xấu trong quý 2/2024, nhu cầu tín dụng dần hồi phục, và lợi thế có tỷ lệ CASA thuộc top đầu hệ thống, lợi nhuận năm nay của Ngân hàng Quân đội (mã cổ phiếu MBB) có thể tăng 18,4%.
Kết thúc quý 1/2024, Ngân hàng TMCP Quân đội (mã cổ phiếu MBB - sàn HoSE) ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt 12.017 tỷ đồng, nhích tăng nhẹ 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận trước thuế giảm tới 11%, còn 5.795 tỷ đồng.
Trong đó, quy mô tín dụng của Ngân hàng Quân đội vào cuối quý 1/2024 đạt 652.000 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 0,4% so với hồi đầu năm nay trong bối cảnh nhu cầu tín dụng toàn hệ thống trong những tháng đầu năm vẫn còn yếu.
Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu đạt 2,49%, tăng đáng kể so với mức 1,6% của cuối năm 2023. Nguyên nhân chủ yếu do nợ liên đới CIC tăng vọt lên mức 0,8%, so với mức thông thường từ 0,1% - 0,2%, phần lớn đến từ một khách hàng doanh nghiệp lớn.
Theo chia sẻ mới đây của ban lãnh đạo Ngân hàng Quân đội, vấn đề nợ xấu liên đới CIC sẽ được giải quyết triệt để trong tháng 5/2024 với khả năng hoàn nhập dự phòng liên quan đến khách hàng doanh nghiệp lớn trên.
Nhiều tổ chức tài chính cũng đánh giá, mặc dù nợ xấu tăng đáng kể nhưng vẫn đang trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Quân đội với bộ đệm dự phòng dồi dào được tích lũy trong các năm gần đây.
Tỷ trọng danh mục trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng này cũng đã thu hẹp đáng kể, từ múc 9 - 10% của các năm trước, xuống chỉ còn 5,6% vào cuối quý 1/2023. Trái phiếu và các khoản vay của một số doanh nghiệp gặp vấn đề trong thời gian gần đây như Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Trung Nam, Tập đoàn Sungroup hiện vẫn đang được phân loại nợ ở Nhóm 1. Các doanh nghiệp này đều có dòng tiền trả nợ đều đặn và khả năng phục hồi các dự án được đánh giá tương đối khả quan.
Dựa trên các điều kiện hiện tại, hãng Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Quân đội trong cả năm nay sẽ về dưới 2% khi khách hàng doanh nghiệp lớn bị hạ nhóm nợ theo CIC sẽ được chuyển về nhóm nợ thông thường trong quý 2 này.
Đồng thời, kết quả kinh doanh của Ngân hàng Quân đội dự kiến sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm nay. Theo VCBS, Ngân hàng Quân đội hiện được cấp hạn mức (room) tín dụng 16% và có thể sẽ tiếp tục được nới thêm room khi tín dụng tăng tốc trong giai đoạn nửa cuối năm.
Ước tính tốc độ tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Quân đội trong cả năm nay có thể đạt 25% và tiếp tục được ưu tiên tăng trưởng tín dụng nhanh hơn so với bình quân ngành khoảng 1,5 - 2 lần trong các năm tới nhờ việc nhận chuyển giao Ngân hàng OceanBank, theo VCBS.
Trong khi đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của Ngân hàng Quân đội đang thuộc nhóm cao nhất toàn hệ thống (34,7% vào cuối quý 1/2024). Trong đó, CASA từ khách hàng cá nhân chiếm khoảng 55% với số lượng khách hàng cá nhân tăng nhanh, dự kiến có thể đạt mốc 30 triệu người trong năm nay. Qua đó, tạo động lực duy trì nguồn huy động dồi dào với lãi suất thấp cho Ngân hàng Quân đội.
Với những lợi thế trên, VCBS đánh giá biên lãi ròng NIM của Ngân hàng Quân đội sẽ dần phục hồi và duy trì ở mức cao trong thời gian tới khi nhu cầu tín dụng bắt đầu tăng tốc trở lại.
Thêm vào đó, Ngân hàng Quân đội đang hướng tới cải thiện tỷ suất sinh lời thông qua chuyển dịch cơ cấu danh mục sang nhóm khách hàng có lợi suất cao hơn, tăng tỷ trọng bán lẻ lên 50 - 55% dư nợ (hiện chiếm 45%).
Hiện VCBS dự phóng tổng thu nhập hoạt động năm nay của Ngân hàng Quân đội sẽ đạt 46.875 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 31.156 tỷ đồng, lần lượt tăng 21,2% và 18,4% so với năm 2023, vượt kế hoạch kinh doanh hiện nay của ngân hàng này.