Tăng trưởng toàn cầu chậm, tạo áp lực lên Việt Nam
Nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu, do việc tăng lãi suất/thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương (NHTW). Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng Chính phủ sẽ có giải pháp hỗ trợ nền kinh tế bằng cách tăng cường giải ngân đầu tư công.
Kỳ vọng xuất khẩu phục hồi
Sản xuất của Việt Nam đóng góp lớn cho kinh tế năm 2020-2021 nhờ nhu cầu của người tiêu dùng tại Mỹ và EU. Sản xuất đã phục hồi đáng kể trong nửa đầu năm 2022, nhưng tăng trưởng đạt đỉnh vào giữa năm và giảm dần trong suốt nửa cuối năm, khi nhu cầu tiêu thụ chậm lại đáng kể. Đến cuối năm 2022, sản lượng, việc làm và đơn đặt hàng tại các nhà máy của Việt Nam đều giảm khá mạnh.
Theo thống kê, hàng tồn kho tại các nhà bán lẻ và các công ty tiêu dùng tại Mỹ như Nike và Lululemon được báo cáo đã tăng khoảng 20% trong năm 2022. Điều này dẫn đến việc các đơn đặt hàng xuất khẩu của Việt Nam giảm vào cuối năm 2022, trong khi nhập khẩu hàng tiêu dùng ở Mỹ ghi nhận mức giảm kỷ lục 13% so với tháng trước đó. Tháng 12-2022, xuất khẩu của Việt Nam giảm 14% so với cùng kỳ, trong khi xuất khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc cũng giảm khoảng 10%.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kỳ vọng các đơn đặt hàng xuất khẩu sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2023, bởi các nhà bán lẻ ở Mỹ và EU có thể mất ít nhất 6 tháng để giải quyết hàng tồn kho. Ngoài ra, lượng giao dịch mua bán nhà tại Mỹ hiện đang giảm với tốc độ nhanh hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 (giảm với tốc độ kỷ lục 35%/năm so với 31%/năm vào thời điểm tồi tệ nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008). Điều này sẽ làm giảm nhu cầu về đồ nội thất và các sản phẩm gia dụng khác được sản xuất tại Việt Nam.
Cuối cùng, tác động đến việc tăng lãi suất của các NHTW Mỹ (Fed) và châu Âu (ECB) sẽ tiếp tục làm chậm nền kinh tế Mỹ và châu Âu năm nay. Nguyên nhân là 2 nền kinh tế này chiếm gần một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Thị trường Trung Quốc bù đắp sự sụt giảm
Kỳ vọng lượng khách du lịch Trung Quốc sẽ phục hồi hoàn toàn vào nửa cuối năm 2023. Khách du lịch Trung Quốc chiếm 1/3 tổng số khách du lịch của Việt Nam, nếu phục hồi hoàn toàn vào nửa cuối năm 2023 sẽ tương đương với lượng khách du lịch tăng thêm 20% vào năm 2023.
Du lịch nước ngoài đóng góp khoảng 10% GDP của Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi ước tính một phần lượng khách du lịch nước ngoài trở lại đã đóng góp khoảng 2% vào tăng trưởng GDP của Việt Nam vào năm ngoái. Sự tăng trưởng liên tục của lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam có thể sẽ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam hơn 2% trong năm nay. Điều này sẽ bù đắp nhiều hơn cho sự sụt giảm trong lĩnh vực sản xuất.
Kỳ vọng các đơn đặt hàng xuất khẩu sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2023, bởi các nhà bán lẻ ở Mỹ và EU có thể mất ít nhất 6 tháng để giải quyết hàng tồn kho.
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại, cũng như việc khách du lịch Trung Quốc quay trở lại hoàn toàn vào nửa cuối năm 2023, sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam, bởi quốc gia này hiện là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.
Tuy nhiên, trong khi một số ngành riêng lẻ ở Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ việc mở cửa trở lại của Trung Quốc (các nhà xuất khẩu sản phẩm như trái cây và hải sản), Việt Nam lại có thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc. Do vậy, sự gia tăng nhu cầu thị trường nội địa của Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích không đáng kể cho Việt Nam.
Phát triển cơ sở hạ tầng hỗ trợ tăng trưởng GDP
Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu gia tăng đầu tư công từ 4%/GDP năm 2022 lên 7%/GDP năm 2023, sẽ giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế dài hạn của đất nước. Cơ sở hạ tầng mới là cần thiết để giúp đảm bảo dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam trong nhiều năm tới, và các dự án cũng sẽ bù đắp nhiều hơn cho nền kinh tế Việt Nam khi hoạt động sản xuất chậm lại.
Chính phủ đặt mục tiêu tăng khoảng 50% chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trong năm nay, từ khoảng 20 tỷ USD năm 2022 lên trên 30 tỷ USD trong năm 2023, so với khoảng 16 tỷ USD chi tiêu trung bình hàng năm cho cơ sở hạ tầng trong 5 năm qua (bao gồm cả năm 2022).
Theo báo cáo, Chính phủ có gần 40 tỷ USD chưa giải ngân được gửi vào các ngân hàng, phần lớn được dành cho các dự án cơ sở hạ tầng trong những năm qua nhưng chưa được chi tiêu. Điều này cho thấy Chính phủ có khả năng tài chính để đạt được các mục tiêu chi tiêu trong năm 2023.
Về những nút thắt thủ tục, Chính phủ đã công bố Nghị định 1513 vào ngày 15-12-2022 nhằm đẩy nhanh tiến độ một số dự án, trong đó có đường cao tốc Bắc-Nam vốn đã bị chậm tiến độ kéo dài. Nghị định 1513 quy định rõ ràng về khoản chi 15 tỷ USD phải thực hiện vào năm 2023.
Cuối cùng, tỷ lệ nợ chính phủ trên GDP của Việt Nam ở mức dưới 40%, rất thấp so với hầu hết thị trường mới nổi và phát triển trên thế giới, một phần do Việt Nam chi dưới 2%/GDP cho hỗ trợ Covid so với mức trung bình 6% ở các thị trường mới nổi.
Kỳ vọng dòng vốn FDI
Theo khảo sát của JETRO, sức hấp dẫn chính của Việt Nam, với tư cách là điểm đến của FDI, bắt nguồn từ thực tế mức lương tại nhà máy chỉ bằng một phần ba so với ở Trung Quốc, và chất lượng lực lượng lao động tương đương với Trung Quốc. Một yếu tố khác là vị trí địa lý của Việt Nam gần với chuỗi cung ứng của châu Á, đặc biệt là ngành công nghệ cao.
Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều công ty đa quốc gia bắt đầu đa dạng hóa hoạt động sản xuất bên ngoài Trung Quốc vì nhiều lý do, bao gồm chính sách Zero Covid của nước này và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Sự leo thang căng thẳng thương mại, cùng với chính sách Zero Covid của Trung Quốc, giúp giải thích tại sao Samsung (vốn đã là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam) tuyên bố sẽ bắt đầu sản xuất linh kiện bán dẫn trong nước.
Hay Apple tuyên bố sẽ bắt đầu sản xuất Apple Watch và MacBook tại Việt Nam. Đây sẽ là sản phẩm đầu tiên được sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Hệ quả, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã tăng thêm 14% vào năm 2022, lên 22 tỷ USD (hay 6% GDP) trong năm nay.