Tăng tuổi nghỉ hưu, giáo viên mầm non sao làm nổi?
Không nên giảm 50% mức hưởng khi rút BHXH một lần, cần xem xét lại tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, bổ sung đối tượng hưởng chế độ thai sản… là những nội dung góp ý cho dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).
Ngày 30-3, tại TP.HCM, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 6 phối hợp cùng Liên đoàn Lao động, BHXH quận 6 tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).
Băn khoăn việc giữ lại 50% BHXH một lần
Theo ông Vũ Trọng Hiền, Công ty Thuận Phong (quận 6), trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có đề xuất thêm phương án nhận BHXH một lần theo hướng người lao động (NLĐ) có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà có yêu cầu rút BHXH thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất.
Hiện quy định về tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non là 60 tuổi, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất giữ như trước là 55 tuổi để phù hợp với đặc thù lao động của bậc học này.
Tuy nhiên, dự thảo không nói rõ nếu trong trường hợp NLĐ đã nhận BHXH một lần rồi thì phần giữ lại sau này khi NLĐ đến tuổi nhận lương hưu sẽ được tính như thế nào. “Tôi ví dụ nếu NLĐ đóng BHXH được 15 năm và đã được giải quyết nhận 50% BHXH một lần rồi, đến khi người đó hết tuổi lao động, số tiền còn lại được tính mức đóng bình quân ra sao để ra được mức hưởng lương hưu hằng tháng?” - ông Hiền nêu.
Bà Hà Thị Linh, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thiện Thuật, góp ý mong cơ quan BHXH khi giải quyết cho rút BHXH một lần không nên giữ lại 50% nếu như NLĐ có nhu cầu nhận hết. “Đây là quyền lợi của NLĐ, tại sao phải giữ lại?” - bà Linh đặt vấn đề. Tương tự, ông Trần Quang Đại, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 7, quận 6, cũng nêu: “Nếu NLĐ đóng BHXH không đủ số năm để nhận lương hưu thì khi họ có nhu cầu nhận BHXH một lần nên giải quyết cho nhận hết để họ có thể trang trải cuộc sống”.
Về quy định hưởng BHXH một lần, trước đó Bộ LĐ-TB&XH đề xuất hai phương án. Thứ nhất, giữ nguyên quy định hiện hành. Thứ hai, sau 12 tháng không tham gia BHXH và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà NLĐ có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50%, phần còn lại sẽ được bảo lưu và NLĐ sẽ nhận khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Xem xét tuổi nghỉ hưu theo ngành nghề
Bà Ngô Phạm Hải Đăng, giáo viên Trường Mầm non Rạng Đông 9, đề nghị Luật BHXH (sửa đổi) cần xem xét lại tuổi nghỉ hưu cho phù hợp với từng nhóm đối tượng, ngành nghề. Cụ thể là bổ sung giáo viên mầm non vào đối tượng các ngành nghề đặc biệt.
“Tôi là giáo viên mầm non, công việc không đơn thuần chỉ là giảng dạy mà còn chăm sóc trẻ, rất áp lực. Một thực tế là giáo viên mầm non lớn tuổi thường mắc các chứng bệnh như giãn tĩnh mạch, rối loạn tiền đình… Như vậy đến tuổi 50, quả thật các cô không thể đảm nhận nổi công việc nếu tuổi nghỉ hưu mỗi năm mỗi tăng như thế” - bà Hải Đăng trình bày, đồng thời cho rằng khi không đáp ứng được công việc giáo viên mầm non sẽ phải nghỉ làm sớm, trong thời gian đó họ sẽ làm gì để sống?
Bà Trịnh Thị Ngọc Anh, Công ty Sáng Tâm, quận 6, cũng góp ý độ tuổi nghỉ hưu nên quy định theo đặc thù ngành nghề, bởi nhiều công nhân may khoảng 40 tuổi mắt đã mờ phải đeo kính, xương cốt đã mỏi mệt, sức lao động giảm, rất dễ xảy ra tai nạn lao động.
Hỗ trợ thai sản cho cán bộ không chuyên
Trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có mở rộng đối tượng được giải quyết chế độ thai sản là cán bộ không chuyên trách xã, phường; chủ hộ kinh doanh; người điều hành quản lý doanh nghiệp không hưởng tiền lương… Tuy vậy, lương của cán bộ không chuyên trách thấp, đồng nghĩa với mức đóng BHXH cũng thấp, kéo theo chế độ thấp. Nên chăng cần tính toán thêm phần hỗ trợ thai sản với nhóm đóng BHXH thấp này?
Về tuổi nghỉ hưu, kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện bình thường là đủ 60 tuổi ba tháng đối với nam và đủ 55 tuổi bốn tháng với nữ. Tuy nhiên, sau đó cứ mỗi năm lao động nam tăng thêm ba tháng trong khi lao động nữ tăng thêm bốn tháng là chưa phù hợp.
Bà LƯƠNG THỊ KIM VÂN,
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 6
Nguồn PLO: https://plo.vn/tang-tuoi-nghi-huu-giao-vien-mam-non-sao-lam-noi-post726468.html