Tăng tuổi nghỉ hưu: Lợi bất cập hại thì sửa làm gì

Trong Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), Ban Soạn thảo đề xuất 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ).

Phương án 1: Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ, cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2: Từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ, cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Trước đề xuất này, tại các hội thảo góp ý Bộ Luật Lao động (sửa đổi), nhiều chuyên gia cho rằng ban soạn thảo cần phải tính đến những tác động có thể ảnh hưởng đến thị trường lao động, đặc biệt là việc làm của lao động trẻ. Có một thực tế không thể phủ nhận là trong thị trường lao động, rất nhiều NLĐ - nhất là công nhân (CN) làm việc trong trong lĩnh vực nặng nhọc, độc hại như dệt may, giày da - rất khó có thể làm việc đến khi nghỉ hưu (60 tuổi với nam và 55 tuổi với nữ). Do vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ khiến họ kiệt sức.

Giám đốc một công ty da giày có hơn 10.000 lao động ở KCN Đồng An (tỉnh Bình Dương) bày tỏ: "Nữ CN tại công ty chúng tôi làm từ 8-10 giờ/ngày, công việc rất mệt mỏi, áp lực. Khi bước qua 40 tuổi, sức khỏe và năng suất lao động của họ giảm sút rõ rệt, do vậy khó có thể làm việc đến năm 60 tuổi. Nhiều người khi nghe đến việc tăng tuổi nghỉ hưu đã tìm mọi cách để được làm giám định y tế về hưu non, hưởng chế độ BHXH một lần".

Từ thực tế này, nhiều chuyên gia lao động cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu cần phải được thực hiện một cách sòng phẳng với NLĐ, phải tính nhóm đối tượng nào tăng trước, nhóm đối tượng nào tăng sau. Đặc biệt, với nhóm đối tượng là CN trực tiếp sản xuất, cần có những đánh giá tác động cụ thể bởi thực tế tại nhiều KCX-KCN, CN làm đến 35-40 tuổi đã bị đào thải. Nhiều ý kiến cũng cho rằng nên giữ nguyên quy định hiện hành vì chính sách thay đổi sẽ không khác gì phá vỡ cam kết giữa nhà nước và NLĐ.

Tại các hội thảo về vấn đề này, lãnh đạo Tổng LĐLĐ đồng ý với phương án 1, song đề nghị phải có lộ trình nhằm giảm các tác động không tốt đến các chính sách kinh tế - xã hội tổng thể. Riêng đối với những đối tượng đặc thù, có thể giao cho Chính phủ quy định chi tiết theo hướng xem xét để có lộ trình tăng chậm hơn hoặc có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động.

Nghị quyết 8-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH nêu rõ: "Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động". Tăng tuổi nghỉ hưu về bản chất là tăng tiền đóng BHXH và giảm thời gian hưởng đi. Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng nhưng cũng đang trong quá trình già hóa dân số nên việc tăng tuổi nghỉ hưu cần phải có lộ trình phù hợp nhằm giảm tác động tới các vấn đề xã hội.

TRỰC NGÔN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/loi-bat-cap-hai-thi-sua-lam-gi-20190515214521056.htm