Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tạo sức ép về việc làm với lao động trẻ?
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, tỷ lệ lao động thất nghiệp ở Việt Nam chưa phải là con số đáng báo động. Trong khi đó, tốc độ già hóa của dân số Việt Nam rất nhanh cho nên để ứng phó với sự thiếu hụt lao động trong tương lai thì cần phải điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu ngay từ bây giờ.
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV (khai mạc ngày 21-10-2019).
Tới thời điểm này, nội dung nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội hơn cả chính là đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình đối với cả lao động nam và nữ. Cụ thể, kể từ ngày 1-1-2021, mỗi năm tăng 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ đến khi tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi và của nam là 62 tuổi.
Liên quan đến đề xuất này, có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang có 1 triệu lao động thất nghiệp với gần 200.000 cử nhân thất nghiệp, như vậy nếu đề xuất tăng tuổi hưu được thông qua làm gia tăng nguy cơ thất nghiệp đối với lao động trẻ?
Lý giải vấn đề này, Phó trưởng Ban soạn thảo Bộ Luật Lao động 2012 (sửa đổi), nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, muốn đánh giá được ảnh hưởng của việc điều chỉnh tuổi hưu đến cơ hội việc làm của người trẻ thì không chỉ phụ thuộc vào số lượng người thất nghiệp mà còn tùy thuộc vào tổng số lực lượng lao động.
"Con số khoảng 1 triệu người thất nghiệp nếu so với tổng số 4,4 triệu lao động của Singapore thì rất kinh khủng. Nhưng nếu so với 220 triệu lao động của Mỹ thì chỉ như “muối bỏ biển". Việc đánh giá nhiều hay ít phải so với tổng số người trong lực lượng lao động, tức là phải xem mẫu số lớn hay nhỏ. So với 55 triệu lao động của Việt Nam thì con số 1 triệu lao động thất nghiệp chỉ chiếm 2,2%.
Việt Nam đứng thứ 8 trong số các nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất - 2,2%, tức là lọt vào top 5% của các nước và vùng lãnh thổ. Vậy thì hơn 1 triệu người thất nghiệp và tỷ lệ 2,2% là con số không nhiều so với lực lượng lao động nước ta" - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH phân tích.
Đánh giá tổng quan về thị trường lao động Việt Nam, ông Doãn Mậu Diệp cho rằng, hiện nay vẫn đang tiếp nhận số lượng lao động mới, mỗi năm thêm khoảng 400.000 người. Tỷ lệ thất nghiệp không tăng lên chứng tỏ việc tạo việc làm mới vẫn tốt.
Việc cử nhân thất nghiệp cũng bình thường vì mỗi năm ta có khoảng 500.000 sinh viên ra trường, gia nhập thị trường lao động mà tới nay mới chỉ 200.000 cử nhân chưa tìm được việc làm thì nghĩa là "dòng chảy" thị trường vẫn chuyển động bình thường, không đáng lo ngại.
Trong khi đó, 15 năm trước, mỗi năm lực lượng lao động Việt Nam tăng thêm 1,2 triệu người, tức là số vào tuổi lao động nhiều hơn số ra khỏi tuổi lao động 1,2 triệu người. 5 năm gần đây, mỗi năm chỉ tăng thêm khoảng 400.000 người (năm 2018 so với năm 2017 là 380.000 người), tức là chỉ bằng 1/3 so với 15 năm trước.
Tốc độ già hóa của dân số Việt Nam rất nhanh nên không điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu ngay từ bây giờ thì Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trong tương lai gần.