Tăng tỷ lệ an toàn vốn, đảm bảo quản trị rủi ro ngân hàng
Quy định mới về tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cho ngân hàng sẽ có hiệu lực từ ngày 15/9/2025. Đây là điều kiện cần thiết để các ngân hàng tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, góp phần ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế.

Tăng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là điều kiện cần thiết để các ngân hàng tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao năng lực quản trị rủi ro. Ảnh: ST
Nâng cao năng lực tài chính - yêu cầu tất yếu
Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên năm 2025 và cao hơn trong những năm tiếp theo. Cùng với đó, việc khởi động Trung tâm Tài chính Quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng từ năm 2026 mang ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và cạnh tranh toàn cầu. Trong đó, hệ thống ngân hàng đóng vai trò quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho các hoạt động tài chính diễn ra sôi động và hiệu quả.
Các chuyên gia cho rằng, để thực hiện được vai trò quan trọng trong Trung tâm tài chính, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và giữ đà tăng trưởng GDP tối thiểu 8%, một trong những yêu cầu đặt ra đối với các ngân hàng là nâng cao năng lực tài chính.
Theo Ủy ban Rủi ro thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, những bất ổn của nền kinh tế thế giới, nguy cơ gia tăng các rủi ro phi truyền thống đòi hỏi ngành ngân hàng phải nâng cao năng lực quản trị, đảm bảo an toàn hệ. Việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế theo Basel III là xu thế tất yếu, giúp tăng cường tính minh bạch trong hoạt động ngân hàng và là công cụ để các tổ chức tín dụng (TCTD) phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Basel III là bộ khung kỹ thuật do Ủy ban Basel xây dựng. Đây là bộ tiêu chuẩn quốc tế được thông qua sau khủng hoảng tài chính 2007-2009, nhằm cải thiện quy định, giám sát và quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng.
10 ngân hàng hiện đang áp dụng Basel III tương đối đầy đủ, gồm: TPBank, ACB, LPBank, VIB, SeABank, HDBank, Nam A Bank, Vietcombank, BIDV và Agribank. Các ngân hàng này đang triển khai các mô hình vốn nội bộ, chuẩn hóa công bố thông tin và từng bước hướng tới quản trị theo chuẩn quốc tế, đặt nền móng cho sự hiện diện dài hạn tại các Trung tâm Tài chính quốc tế.
Yêu cầu quan trọng mà Basel III đặt ra là nâng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) đối với vốn cổ phần lên 4,5% và quy định thêm mức đệm bảo toàn vốn (CCB) ≥ 2,5% và đệm phản chu kỳ (CCyB) từ 0 - 2,5%, từ đó nâng tổng mức an toàn vốn tối thiểu đối với vốn cổ phần lên 7%, tỷ lệ an toàn vốn và các bộ đệm cũng tăng lên tới tối thiểu 10,5%.
Ngoài ra, tỷ lệ đòn bẩy không thấp hơn 3%, tỷ lệ thanh khoản ngắn hạn (LCR) và dài hạn (NSFR) đều phải từ 100% trở lên.
Bộ tiêu chuẩn này không chỉ nhằm gia cố khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng trước các cú sốc từ thị trường mà còn hướng đến chuẩn hóa toàn diện quản trị rủi ro và công bố thông tin minh bạch.
Quy định mới về an toàn vốn
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã và đang tích cực xây dựng khung pháp lý mới nhằm luật hóa các yêu cầu cốt lõi của Basel III trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Minh chứng là NHNN đã thông qua Dự thảo Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18/5/2018 quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại (NHTM).
Hệ thống ngân hàng Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng, thị trường tài chính phát triển nhanh, hoạt động doanh nghiệp ngày càng phức tạp, thị trường bất động sản cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, NHNN đang từng bước xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp lý theo hướng tiệm cận thông lệ quốc tế như Basel II nâng cao, Basel III, đồng thời phù hợp với thực tiễn hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Long - Cục trưởng Cục An toàn hệ thống các TCTD, NHNN
Đáng lưu ý, NHNN vừa ban hành Thông tư số 14/2025/TT-NHNN quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư 14 hướng dẫn cách xác định và giá trị tối thiểu của các tỷ lệ an toàn vốn mà các ngân hàng cần phải duy trì gồm tỷ lệ vốn lõi cấp 1, tỷ lệ vốn cấp 1 và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu.
Theo đó, NHTM không có công ty con, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì các tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ gồm: tỷ lệ vốn lõi cấp 1 tối thiểu 4,5%; tỷ lệ vốn cấp 1 tối thiểu 6% và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8%.
Đối với NHTM có công ty con, các tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ và hợp nhất cũng phải đáp ứng các mức tương ứng: vốn lõi cấp 1 tối thiểu 4,5%, vốn cấp 1 tối thiểu 6% và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8%.
Đáng lưu ý, lần đầu tiên, Thông tư 14 đưa ra các quy định về các bộ đệm vốn gồm bộ đệm bảo toàn vốn (CCB), bộ đệm vốn phản chu kỳ (CCyB) và bộ đệm vốn cho các NHTM có tầm quan trọng hệ thống.
Cụ thể, CCB là phần tỷ lệ vốn lõi cấp 1 còn lại sau khi ngân hàng đáp ứng đầy đủ các tỷ lệ an toàn vốn (bao gồm tỷ lệ vốn lõi cấp 1, tỷ lệ vốn cấp 1 và tỷ lệ an toàn vốn)
Ngân hàng chỉ được phân chia phần lợi nhuận còn lại do ngân hàng tự quyết định theo quy định của pháp luật về chế độ tài chính bằng tiền mặt khi duy trì việc đáp ứng toàn bộ các tỷ lệ theo các năm như sau:
Năm thứ nhất, CCB là 0,625%; tỷ lệ vốn lõi cấp 1 (bao gồm CCB) là 5,125%; tỷ lệ vốn cấp 1 (bao gồm CCB) là 6,625% và tỷ lệ an toàn vốn (CAR, bao gồm CCB) là 8,625%. Năm thứ hai, CCB tăng lên 1,25%; tỷ lệ vốn lõi cấp 1 là 5,75%; tỷ lệ vốn cấp 1 là 7,25% và CAR là 9,25%.
Năm thứ ba, CCB đạt 1,875%; tỷ lệ vốn lõi cấp 1 là 6,375%; tỷ lệ vốn cấp 1 là 7,875% và CAR là 9,875%. Từ năm thứ tư trở đi, CCB đạt mức tối đa là 2,5%; tỷ lệ vốn lõi cấp 1 là 7%; tỷ lệ vốn cấp 1 là 8,5% và CAR là 10,5%.
Bên cạnh đó, Thông tư 14 cũng đưa ra hướng dẫn cách tính tài sản có rủi ro tín dụng theo phương pháp tiêu chuẩn và phương pháp xếp hạng nội bộ. Trong đó, phương pháp tiêu chuẩn tại Thông tư 14 giống phương pháp hiện được các ngân hàng áp dụng theo Thông tư 41 nhưng điều chỉnh một số nội dung như khoản phải đòi bất động sản, khoản cấp tín dụng chuyên biệt.
Thông tư 14 có hiệu lực từ ngày 15/9/2025. Kể từ ngày 01/01/2030, Thông tư này bãi bỏ các quy định tại Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo các chuyên gia, dù nhiều ngân hàng có thể gặp thách thức trong việc thực hiện lộ trình tăng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 14 song quy định này buộc các ngân hàng phải đẩy mạnh hơn chiến lược tái cơ cấu hoạt động, nâng cao năng lực quản trị để tăng vốn, thậm có thể phải giảm tỷ lệ cho vay với các lĩnh vực có hệ số rủi ro tín dụng cao. Đây điều kiện quan trọng để các ngân hàng tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế của Basel III./.