Tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư PPP không quá 70% là phù hợp

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ tại phiên thảo luận tổ chiều nay, 27.10, các đại biểu Quốc hội tại Tổ 10 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Bạc Liêu, Thái Bình và Ninh Thuận) đề nghị, cần rà soát, xem xét thời gian tổng kết thực hiện Nghị quyết tại khoản 1 Điều 9 của dự thảo Nghị quyết cho phù hợp với thời gian dự kiến khởi công và thời gian hoàn thành các dự án được thí điểm chính sách đặc thù.

Làm rõ cơ chế, chính sách nào chưa ổn định

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ; đồng thời tán thành với các nội dung trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Đại biểu Quốc hội các tỉnh: Bạc Liêu, Thái Bình và Ninh Thuận thảo luận tại tổ chiều 27.10

Đại biểu Quốc hội các tỉnh: Bạc Liêu, Thái Bình và Ninh Thuận thảo luận tại tổ chiều 27.10

Liên quan đến nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm, khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết có quy định “đã xác định hoặc dự kiến được nguồn vốn đầu tư để có thể triển khai thực hiện dự án; trường hợp sử dụng vốn ngân sách địa phương phải có cam kết bố trí vốn của HĐND cấp tỉnh trước khi cấp có thẩm quyền quyết định danh mục dự án được áp dụng chính sách thí điểm”.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) phát biểu tại thảo luận Tổ

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) phát biểu tại thảo luận Tổ

Bày tỏ đồng tình với nội dung này, ĐBQH Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) lý giải, để dự án thực hiện được thì địa phương cũng phải có trách nhiệm chia sẻ, nhất là về ngân sách. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, để triển khai thực hiện được dự án, ngoài việc cam kết bố trí nguồn lực cũng cần quan tâm đến phương án về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng. Vì vậy, cần nghiên cứu bổ sung nội dung phương án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng vào dự thảo Nghị quyết.

Cho ý kiến về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) nêu rõ, việc đề nghị tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư PPP không quá 70% là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Có thể thấy, khi thực hiện các dự án giao thông đường bộ, chi phí để thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chiếm tổng mức đầu tư rất lớn. Do đó, nếu không tăng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước thì cũng sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp.

Đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) phát biểu tại thảo luận tổ chiều 27.10

Đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) phát biểu tại thảo luận tổ chiều 27.10

Tuy nhiên, trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế có nêu “thực tế triển khai thời gian qua cho thấy các dự án giao thông PPP gặp khó khăn nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế, chính sách của Nhà nước thiếu ổn định nhưng chưa có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư một cách thỏa đáng...”. Vậy cơ chế, chính sách thiếu ổn định là những cơ chế, chính sách cụ thể nào? Nêu băn khoăn này, đại biểu đề nghị Ủy ban Kinh tế cần tăng cường giám sát về những bất cập, hạn chế liên quan đến cơ chế, chính sách cho hình thức đầu tư PPP. Theo đó, cần làm rõ những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại để kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, từ đó có những điều chỉnh, tăng hiệu quả của các dự án giao thông PPP.

Rà soát, xem xét thời gian tổng kết thực hiện Nghị quyết cho phù hợp

Một nội dung cũng được nhiều đại biểu quan tâm là cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường quy định tại Điều 7 của dự thảo Nghị quyết.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn An (Thái Bình) phát biểu tại thảo luận tổ chiều 27.10

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn An (Thái Bình) phát biểu tại thảo luận tổ chiều 27.10

Để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ việc khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án được thí điểm chính sách đặc thù nói trên, ĐBQH Nguyễn Văn An (Thái Bình) đề nghị, tại khoản 1 Điều 7 dự thảo Nghị quyết cần xem xét bổ sung nội dung quy định “Nhà đầu tư, nhà thầu thi công dự án chỉ được sử dụng sản phẩm khai thác từ các mỏ khoáng sản này phục vụ cho xây dựng dự án” và trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát của UBND các tỉnh, thành phố có dự án.

Bên cạnh đó, để chính sách đặc thù sớm được triển khai trên thực tế tại các địa phương có dự án, đại biểu Nguyễn Văn An đề nghị, xem xét bổ sung quy định trong dự thảo Nghị quyết về việc giao cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn về hồ sơ đăng ký; trình tự thực hiện thủ tục đăng ký, xác nhận khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án được thí điểm.

Các đại biểu thảo luận tại Tổ 10

Các đại biểu thảo luận tại Tổ 10

Một số ý kiến cũng cho rằng, cần rà soát, xem xét thời gian tổng kết thực hiện Nghị quyết tại khoản 1 Điều 9 của dự thảo Nghị quyết (năm 2026) cho phù hợp với thời gian dự kiến khởi công và thời gian hoàn thành các dự án được thí điểm chính sách đặc thù.

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội tại Tổ 10 cũng cơ bản nhất trí đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ Sáu nội dung “cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và giải ngân số vốn 2.510,372 tỷ đồng (trong đó bao gồm 1.543,623 tỷ đồng thuộc kế hoạch vốn năm 2021 và 966,749 tỷ đồng thuộc kế hoạch vốn năm 2020) đến hết năm 2024” và cho rằng điều này là phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/tang-ty-le-von-nha-nuoc-tham-gia-du-an-dau-tu-ppp-khong-qua-70-la-phu-hop-i347859/