Tăng tỷ lệ xét tuyển bằng điểm thi: Nên áp dụng với trường ĐH công top đầu

Đại diện trường đại học cho rằng, việc tăng chỉ tiêu đối với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ nên áp dụng với trường đại học công lập tốp đầu.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần khẳng định trong thời gian tới sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đề thi tốt nghiệp, đảm bảo cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Tại cuộc họp báo sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 (ngày 28/6), Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, trong thời gian tới sẽ tham mưu với Ban cán sự Đảng của Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu đối với các cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu xem xét tăng tỷ lệ xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp, trong đó vẫn đảm bảo hài hòa với quyền tự chủ của các trường đại học.

Lo ngại thiếu tính chủ động trong tuyển sinh

Trước thông tin trên, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam liên quan đến nội dung này, Tiến sĩ Trần Văn Phúc - Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo có đưa quy định đó vào thực tế thì cũng là điều hợp lý, các trường không ảnh hưởng gì nhiều. Tuy nhiên cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng và tính toán đến các tình huống phát sinh.

Theo lý giải của vị này, từ khi các trường đại học được giao quyền tự chủ, các trường cũng luôn sẵn sàng những phương án xử lý linh hoạt để đảm bảo hài hòa giữa quy định của cơ quan quản lý đề ra với hoạt động của nhà trường khi thực hiện công tác tuyển sinh.

 Thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024. Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

Thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024. Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

"Mấy năm trở lại đây, Trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh hiện vẫn đang để cân đối tỷ lệ của tổng chỉ tiêu xét tuyển giữa phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông với các phương thức khác là 50%.

Qua theo dõi tình hình tuyển sinh của nhà trường trong những năm gần đây nhận thấy, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển theo các phương thức ngoài xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông có xu hướng ngày càng tăng lên", Tiến sĩ Trần Văn Phúc cho biết thêm.

Cũng theo chia sẻ của lãnh đạo Phòng Quản lý đào tạo Trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh, với tỉ lệ chỉ tiêu là 50% cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông so với phương thức xét tuyển khác, trong trường hợp tuyển sinh không đủ đối với phương thức này thì số chỉ tiêu còn thiếu có thể linh hoạt chuyển sang phương thức riêng. Điều này nằm trong khả năng có thể xử lý linh hoạt của nhà trường.

Qua đó vị này bày tỏ quan điểm cho rằng, sự giám sát, theo dõi của Bộ Giáo dục và Đào tạo sau các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và có sự điều chỉnh phù hợp là cần thiết. Tuy nhiên, vị này cũng mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có tính toán kỹ lưỡng khi đưa ra quyết định chính thức.

"Nếu Bộ đề nghị tăng chỉ tiêu với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở một mức vừa phải thì các trường hoàn toàn có thể linh hoạt được. Tuy nhiên, nếu phải tăng chỉ tiêu đối với phương thức này nhưng buộc phải bớt chỉ tiêu đối với các phương thức khác thì có thể các trường sẽ rơi vào tình huống thiếu đi sự chủ động.

Ví dụ, Trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh đang được tính tỷ lệ này là 50%, nhưng trong trường hợp chỉ tiêu của phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông buộc phải tăng lên 70 hoặc 80% thì có khi trường khó linh hoạt trong quá trình tuyển sinh", Tiến sĩ Trần Văn Phúc cho hay.

Chỉ nên áp dụng với trường đại học công lập tốp đầu

Cùng quan điểm về vấn đề này, Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định nhận định, việc này đối với nhà trường sẽ không chịu ảnh hưởng nhiều.

Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung nhấn mạnh: "Với các trường đại học, nhất là khối các trường đại học tư thục hiện nay, khi thực hiện công tác tuyển sinh cũng đang hướng đến nhu cầu của phụ huynh và học sinh.

Vì thế, khi có sự thay đổi và điều chỉnh nào từ cơ quan quản lý thì các trường cũng sẽ có những hình thức thay đổi linh hoạt để có thể hài hòa. Điều này là để đảm bảo rằng, tất cả mọi người đều có quyền học tập".

 Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định. Ảnh: giadinh.edu.vn

Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định. Ảnh: giadinh.edu.vn

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định cũng cho rằng, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra kế hoạch và chủ trương nhà trường sẽ nghiêm túc chấp hành.

Theo chia sẻ lãnh đạo trường đại học này, khi chưa có sự điều chỉnh và quy định mới từ cơ quan quản lý thì nhà trường vẫn sẽ có những phương án tốt nhất để mùa tuyển sinh năm 2024 đạt kết quả cao. Trong đó vị này cho biết, năm nay nhà trường đã tăng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng phương thức xét học bạ lên so với các phương thức khác với tỷ lệ là 60/40.

Nêu lên một số quan điểm dưới góc độ của một trường đại học tư thục ở địa phương, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Khắc Thường - Hiệu trưởng Trường Đại học Phan Thiết cho rằng, các trường lâu nay đã gặp nhiều khó khăn trong khâu tuyển sinh, nên nếu có quy định thì chỉ nên phân loại và áp dụng đối với các trường công lập và ở tốp đầu. Vẫn nên để các trường đại học tốp dưới được nắm quyền tự chủ trong tuyển sinh một cách "đúng nghĩa".

Qua đó vị này bày tỏ mong muốn, cơ quan quản lý cũng nên có sự cân nhắc kỹ lưỡng và hài hòa khi đưa ra các quy định để không ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của từng trường.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Khắc Thường - Hiệu trưởng Trường Đại học Phan Thiết. Ảnh: upt.edu.vn

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Khắc Thường - Hiệu trưởng Trường Đại học Phan Thiết. Ảnh: upt.edu.vn

"Nếu quy định này được triển khai thì nên khoanh vùng áp dụng. Đó có thể là dành cho các trường công lập ở các thành phố lớn mà họ lấy điểm đầu vào cao nhưng chỉ tiêu ít. Những trường đó vốn đã có sự thu hút thí sinh, hồ sơ đăng ký đầu vào lúc nào cũng dồi dào thì cho dù có tăng chỉ tiêu với phương thức nào đi nữa họ cũng không bị ảnh hưởng vì họ luôn nắm quyền chủ động để lựa chọn được thí sinh tốt. Còn đối với các trường đại học tốp dưới thì nên cho họ chủ động theo đúng tinh thần trong việc tự chủ tuyển sinh.

Tất nhiên, nếu có quy định đề ra thì các trường vẫn sẽ thực hiện nghiêm túc, nhưng mỗi trường buộc phải tìm các phương án để hài hòa và không ảnh hưởng đến quá trình tuyển sinh", lãnh đạo Trường Đại học Phan Thiết nhấn mạnh thêm.

Cũng theo vị này, có những đối tượng sinh viên chỉ có nhu cầu học tại các trường đại học có chi phí thấp, tại đó có những ngành đào tạo đúng sở thích, phù hợp với điều kiện gia đình thì các trường đại học tư thục ở địa phương có thể đáp ứng được yêu cầu đó.

Tuy nhiên vị này bày tỏ quan điểm: "Trong trường hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn tăng chỉ tiêu đối với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông mà buộc phải bớt chỉ tiêu đối với các phương thức xét tuyển khác thì việc chọn lựa trường học của thí sinh cũng ít nhiều bị ảnh hưởng.

Bởi lẽ, khi chỉ tiêu đối với các phương thức xét tuyển khác bị thu hẹp lại, nếu nhà trường không giảm mạnh điểm chuẩn của phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì có thể nhiều thí sinh không có cơ hội trúng tuyển.

Bên cạnh đó, tâm lý của nhiều gia đình hiện nay là muốn cho con đến các thành phố lớn để đi học dù ở địa phương vẫn có trường đại học và các ngành đào tạo thiết yếu. Vốn dĩ việc cạnh tranh thí sinh của các trường đại học tư thục ở tỉnh đã khó khăn. Nếu có thêm những rào cản thì chắc chắn các trường cũng sẽ phải chịu không ít "thiệt thòi".

Trung Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tang-ty-le-xet-tuyen-bang-diem-thi-nen-ap-dung-voi-truong-dh-cong-top-dau-post244102.gd