Tăng 'vốn mồi', tăng tự chủ cho địa phương

Một số địa phương kiến nghị tăng 'vốn mồi' cho dự án PPP trên tất cả địa bàn, không chỉ áp dụng riêng cho địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn.

Bà Rịa-Vũng Tàu: Nâng “vốn mồi” cần áp dụng cho tất cả dự án PPP

Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cũng đã ký văn bản góp ý cho dự thảo nghị quyết.

Theo đó, địa phương này cũng kiến nghị chính sách tăng “vốn mồi” không quá 65% cần được áp dụng rộng rãi cho dự án PPP trên tất cả địa bàn, không chỉ áp dụng riêng cho địa bàn kinh tế - xã hội (KT-XH) khó khăn và đặc biệt khó khăn. Qua đó tạo động lực thu hút, huy động vốn đầu tư tư nhân.

Tại văn bản góp ý, Bà Rịa-Vũng Tàu đồng tình về chính sách giao cho địa phương làm cơ quan chủ quản đầu tư các dự án quốc lộ (QL), cao tốc đi qua địa phương mình. Tỉnh này lấy ví dụ điển hình thông qua dự án cải tạo, mở rộng QL 56 qua địa bàn tỉnh này.

Theo đó, tuyến đường QL56 đoạn qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có tổng chiều dài 32,45 km, điểm đầu giáp ranh với tỉnh Đồng Nai và điểm cuối tại TP Bà Rịa. Theo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trong những năm gần đây, với việc hình thành và phát triển nhanh các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện Châu Đức và TP Bà Rịa, số lượng các phương tiện lưu thông phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng trên tuyến QL56 tăng cao.

Điều này dẫn đến thực tế nhiều đoạn tuyến đã có dấu hiệu quá tải, không đảm bảo nhu cầu khai thác và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Do đó, việc đầu tư mở rộng tuyến QL56 là rất cần thiết và cấp bách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của tỉnh.

UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đề xuất nhu cầu và dự kiến bố trí vốn để đầu tư dự án cải tạo, mở rộng QL56 bằng nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ. Đồng thời đề nghị Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ ủy quyền cho tỉnh này là cơ quan quyết định đầu tư dự án.

Tuy nhiên, Luật Ngân sách không cho phép dùng ngân sách cấp này để chi cho nhiệm vụ của cấp khác nên đến nay Thủ tướng Chính phủ chưa thể giao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu làm cơ quan chủ quản của dự án trên.

“Do đó, nhằm tiếp tục phát huy tính tự chủ, giao quyền chủ động cho các địa phương trong việc đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước, khơi thông nguồn lực từ trung ương đến địa phương đầu tư các công trình dự án quan trọng quốc gia, có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển KT-XH của địa phương thì việc giao cho địa phương làm cơ quan chủ quản đầu tư các dự án ql, cao tốc đi qua địa phương mình là hết sức cần thiết” - tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đánh giá.

Tuyến tránh Quốc lộ 56 đoạn qua TP Bà Rịa.Ảnh: TRÙNG KHÁNH

Tuyến tránh Quốc lộ 56 đoạn qua TP Bà Rịa.Ảnh: TRÙNG KHÁNH

Đồng Nai: Đề nghị làm rõ “địa bàn KT-XH khó khăn và đặc biệt khó khăn”

Theo ông Võ Tấn Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, việc tăng tỉ lệ nhà nước góp vốn lên 65% cho các dự án PPP giao thông là rất cần thiết. Tuy nhiên, để thuận lợi trong việc mời gọi đầu tư, ông Đức đề nghị dự thảo nghị quyết cần làm rõ nội dung “địa bàn KT-XH khó khăn và đặc biệt khó khăn, có yếu tố an ninh, quốc phòng” là những địa bàn nào?

“Đề nghị không phân biệt địa bàn KT-XH khó khăn hay đặc biệt khó khăn mà các địa bàn khác đều được thụ hưởng” - ông Đức nói.

Liên quan đến việc giao cho địa phương làm cơ quan chủ quản đối với các dự án đầu tư ql, cao tốc, khác với Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai lo ngại sẽ ảnh hưởng đến ngân sách địa phương.

Phó chủ tịch UBND Đồng Nai phân tích hiện nay tỉnh này được trung ương giao nhiệm vụ làm cơ quan chủ quản đầu tư một số dự án thành phần thuộc dự án đường vành đai 3 và đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.

Trong đó, riêng dự án đường vành đai 3 có hai dự án thành phần: Xây dựng và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Tổng mức đầu tư của hai dự án này là 3.868 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương 50% và ngân sách địa phương 50%.

Tương tự, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng có hai dự án thành phần với tổng mức đầu tư là 12.647 tỉ đồng. Ngân sách trung ương chịu 10.047 tỉ đồng, ngân sách tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025 là 2.600 tỉ đồng. Trường hợp chi phí bồi thường tăng hoặc giảm, địa phương có trách nhiệm cân đối vốn ngân sách địa phương.

Do nhu cầu vốn đầu tư các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh rất lớn và vốn đối ứng cho hai dự án nêu trên, tỉnh Đồng Nai đã tăng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ gần 72.000 tỉ đồng lên gần 80.000 tỉ đồng.

Đồng Nai chủ yếu tập trung vào phương án huy động nguồn lực từ đấu giá đất khoảng 45.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến hết năm 2022 mới huy động được hơn 5.600 tỉ đồng.

“Vì vậy, việc giao cho địa phương làm cơ quan chủ quản đối với các dự án đầu tư ql, cao tốc, trong đó có việc yêu cầu địa phương sử dụng ngân sách của mình để đối ứng sẽ tạo áp lực cho địa phương. Đồng thời làm ảnh hưởng đến việc đầu tư nhiều công trình giao thông trọng điểm của tỉnh” - tỉnh Đồng Nai nêu.

VIỆT HOA - VŨ HỘI

Nguồn PLO: https://plo.vn/tang-von-moi-tang-tu-chu-cho-dia-phuong-post726854.html